.

"Hãy học cách bước qua nghiệt ngã của số phận"

Thứ Ba, 26/05/2015, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Chị, chân chất, mộc mạc và hồn hậu như bản chất vốn có của những người phụ nữ miệt cát Hải Ninh: hiền lành nhưng không cam chịu, vất vả nhưng không đầu hàng. Tôi nghĩ thế, nhất là khi nhìn người phụ nữ bước vào tuổi 35 ấy nở nụ cười, bao nhiêu cằn khô và nước mắt tủi phận đều xóa nhòa hết cả. Như cái cách chị biến những đau thương mà cuộc đời đã “ban” cho chị thành sức mạnh để san sẻ khó khăn với những phận người bất hạnh khác.

Ba năm nay, chị Trương Thị Liền (Hải Ninh, Quảng Ninh) vừa thay cha mẹ chăm hai đứa em tật nguyền, vừa là một cộng tác viên tích cực giúp đỡ những em nhỏ khuyết tật khác ở huyện Quảng Ninh. Bởi đó là cách chị chọn để bước đi giữa cuộc đời, như điều mà người phụ nữ ấy nói: “người ta không thể chọn cho mình số phận nhưng có thể chọn cách để bước qua sự nghiệt ngã của số phận ấy”.

6 ngày, 2 vành khăn tang

Ngôi nhà chị ở nằm chênh chao giữa bốn phía là cát. Chị bảo, đó là căn nhà tình nghĩa mà chính quyền và bà con lối xóm đã xây cho mẹ con chị ngày trở về. “Ngày về quê” mà chị nhắc đến là ngày chị cùng một lúc đội lên đầu hai vành khăn trắng. Chỉ trong vòng 6 ngày, cả mẹ, cả chồng đều lần lượt bỏ chị mà ra đi.

Ngày trước, chị làm công nhân ở tận miền Nam, rồi quen và yêu anh-một người lính, quê ở Vĩnh Long. Họ nên nghĩa vợ chồng. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ngày chị vừa sinh cho anh được một cô con gái kháu khỉnh thì hay tin mẹ ở quê bị bệnh rồi qua đời. Chị tất tả bồng đứa con đỏ hỏn trên tay về chịu tang mẹ. Vài ngày sau, trên đường về quê vợ, anh cũng đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông. Người phụ nữ vừa bước vào tuổi 28 tưởng chừng như ngã gục.

Nhiều lúc, muốn buông xuôi tất cả, để cho những đớn đau và nước mắt ấy lặn sâu vào trong, nhưng nghĩ đến đứa con gái mới chào đời và nhất là cha chị - người đàn ông đã chịu quá nhiều tủi cực - chị lại ngậm ngùi bước tiếp.

Phải rồi, cha chị, người đàn ông đã bước vào cái tuổi lục tuần cũng đang phải chịu nỗi đau mất vợ và ông cũng đang cùng lúc chăm bẵm hai đứa con tật nguyền. Hai đứa em chị là Trương Thị Thí và Trương Văn Bảy bị thiểu năng từ nhỏ. Đứa ngây ngây, ngô ngô, đứa lại thi thoảng lên cơn, phá tan hoang căn nhà vốn đã trống huơ, trống hoác. Thương cha, ngày đoạn tang chồng, chị bồng bế con về quê.

Chị Liền đang chăm sóc hai đứa em khuyết tật.
Chị Liền đang chăm sóc hai đứa em khuyết tật.

Nhưng lấy gì để sống tiếp khi chị không nghề nghiệp, chẳng bằng cấp, nhất là khi ở mảnh đất quê chị, bước chân ra khỏi cổng đã vấp phải cát và khó khăn cũng vì thế mà đeo đẳng suốt bao đời người dân xứ cát? Bao bận bồng con bước ra khỏi vùng quê ấy, cũng kiếm được công việc ổn định nhưng nghĩ đến cha già và hai đứa em thơ dại, chị lại quặn lòng.

Thằng cu Bảy còn đỡ, còn cái Thí, ngây ngô thế nhưng dù sao cũng là đứa con gái đã bước vào tuổi 31. Một mình cha làm sao lo lắng, tắm rửa, vệ sinh cho nó những khi “đến tháng”, “đến ngày”? Nghĩ thế, nên chị lại bồng con quay về, để thay cha già và người mẹ đã khuất chăm sóc cho hai đứa em ngây ngô, tội nghiệp.

Những ngày đầu quá đỗi khó khăn với người mẹ trẻ không nghề nghiệp như chị. Mấy phận người chỉ nương nhờ vào đồng tiền tiết kiệm dạo trước. Đôi tay cha cũng đã một đời bợt bạt vì biển, giờ chẳng đủ sức để nương nhờ vào biển như thuở nào. Đó là chưa kể hai đứa em ngây ngô đôi lúc “dở chứng”, nhằm lúc không ai để ý, đứa sau đẩy đứa trước bỏ đi lang thang. Không biết đâu là đường, đâu là nhà, chúng cứ dật dờ bước đi trong những rú cát mênh mang, chỉ rặt rười và cỏ dại. Tháng cũng đôi ba bận chị phải lần mò tìm chúng về từ trong những rú cát ấy.

Khi nỗi đau được san sẻ

Chị quyết định bước ra khỏi “rú cát” của cuộc đời mình, hay đúng hơn là của chính gia đình chị. Việc đầu tiên chị làm là đến Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật, trẻ nạn nhân chất độc da cam (TNNCĐDC) Quảng Ninh, tìm gặp những người đồng cảnh ngộ để học hỏi họ cách chăm sóc cho hai đứa em tật nguyền.

Gặp những người cha, người mẹ ấy, chị như tìm thấy hình ảnh cha mẹ và cả chính mình trong đó: cũng khổ sở lắm nhưng cũng đầy tình thương với chính những đứa con, đứa em tật nguyền. Bước ra khỏi những rú cát mênh mông quê mình, chị đã thấy còn biết bao phận người còn khốn khổ hơn thế, nhất là những người một đời sống trong thân thể khiếm khuyết.

Càng nghĩ càng thương họ, chị đăng ký làm cộng tác viên (CTV) của CLB người khuyết tật xã Hiền Ninh, rồi CTV của Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật, TNNCĐDC huyện Quảng Ninh. Gần 3 năm nay, ngoài 4 buổi/tuần đến làm việc thường xuyên tại Trung tâm, chị dành thời gian tham gia các hoạt động của CLB Người khuyết tật xã Hiền Ninh. Bất kể trời nắng, mưa, chị vẫn “chạy đôn, chạy đáo” tìm các nguồn tài trợ để giúp họ vơi bớt những gánh nặng vật chất.

Lúc thì người ta thấy chị đến “gõ cửa” các Mạnh Thường Quân, kể về những số phận bất hạnh đang rất cần sự giúp đỡ cưu mang. Nghe chị kể, họ xúc động, mở lòng mua xe lăn, hỗ trợ kinh phí cho người khuyết tật. Có lúc người ta lại thấy chị cùng hàng chục thành viên CLB khác đi nhặt ve chai, sách báo cũ để gom góp tiền mua áo quần, sách vở cho những đứa trẻ kém may mắn được đến trường.

Dù xa xôi, vất vả, dù nắng mưa hay bằng bất cứ phương tiện gì, chị vẫn lặn lội đến tìm đến những địa chỉ nhân đạo để giúp đỡ họ. Nghe họ kể về cuộc đời mình, chị thấy bóng dáng của hai đứa em ngây dại của mình trong đó, rồi tự nhiên thấy thương thương lạ.

“Nãy có cha chị ở đó, nên chị mới nói là có lương cho ông yên tâm, nhưng thực sự, tụi chị tham gia CLB ni chẳng có lương hay khoản hỗ trợ mô em ạ, chứ chưa nói đến việc đủ tiền xăng xe đi lại. Chỉ thấy thương họ và xuất phát từ tâm mà làm thôi”, chị Liền bộc bạch. Nói như anh Lê Thanh Tuấn-một người khuyết tật và là bạn thân thiết của chị trong CLB thì “Liền có trái tim nhân hậu lắm và nhất là khi nhà lại có hai đứa em khuyết tật nên càng dễ thông cảm, càng làm việc nhiệt tình, dù chẳng có khoản lương cố định mô”.

Trò chuyện với chị, càng hiểu hơn sự “nhiệt tình” của người phụ nữ có trái tim giàu tình yêu thương ấy. Chị hồ hởi kể về những mảnh đời bất hạnh đã được CLB giúp đỡ, rồi bao nhiêu kế hoạch, dự định thiện nguyện trong tương lai.

Gặp chị vào những ngày chị đang sửa soạn cho “Ngày hội Thể thao-Văn hóa-Văn nghệ" cho người khuyết tật ở 3 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới mà ở đó, chị làm MC cho chương trình. Vất vả chạy ngược, chạy xuôi giữa chỗ làm và về nhà, để vừa lo cho công việc, vừa không quên cơm nước, tắm rửa cho hai đứa em.

Vất vả thế nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực nở trên môi người phụ nữ miền cát ấy, bởi một lẽ thường tình, chị đã tìm được ngã rẽ để thoát ra khỏi chính những bế tắc, thoát ra khỏi những “rú cát” của cuộc đời mình.

Diệu Hương