.

Dân sống lo âu dưới chân núi đá vôi

Thứ Bảy, 23/05/2015, 19:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng chục hộ dân thuộc các thôn Quyền, Khai Hóa, Tiến Hóa, Phú Nhiêu xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đang sống dưới chân núi đá vôi và lo âu nơm nớp vì những vụ đá lở. Hiện tượng lở đá tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại về hoa màu, nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi gia súc của bà con...

Nhiều nhà dân xã Thượng Hóa vẫn sống lo âu dưới chân núi đá vôi.
Nhiều nhà dân xã Thượng Hóa vẫn sống lo âu dưới chân núi đá vôi.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa dưới những dãy núi đá vôi ở thôn Quyền, Phú Nhiêu, Khai Hóa và Tiến Hóa có 43 hộ dân làm nhà sinh sống. Vì ở khu vực này gần trung tâm xã, có đất canh tác, mạng lưới giao thông, trường học, trạm y tế... nên rất thuận tiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội.

Qua tìm hiểu, được biết các hộ dân nơi đây đã sống từ trước những năm 2000. Sau đó, có thêm một số hộ ở các vùng khác tiếp tục qua đó định cư. Quan sát, chúng tôi thấy các khu vườn và đất canh tác gần nhà có những tảng đá rất to nằm ngổn ngang. Điều đó chứng tỏ trước đây đã có nhiều vụ đá lở từ trên lèn cao rơi xuống.

Vụ lở đá mới xảy ra gần đây nhất khiến người dân lo âu là tháng 3-2011. Khi đó, hàng chục tảng đá to từ trên lèn cao đã rơi xuống nhà anh Đinh Tiến Dũng, một người dân ở thôn Khai Hóa. “Lúc đó, khoảng 7 giờ sáng, cả nhà tôi đang ăn sáng thì nghe tiếng ầm ầm dội lên từ lèn phía sau. Cả gia đình hoảng loạn chạy nhanh ra đường để tránh nạn, sau đó quay lại thì thấy hàng chục tảng đá to nhỏ nằm ngổn ngang sau vườn. Cái chuồng lợn thì bị nát bét, nhiều cây cối bị gãy đổ, may mà nhà cửa và người không can chi. Nhưng tôi lo nhất là ngọn lèn cao gần trăm mét phía sau nhà có thể lở tiếp bất cứ lúc nào, nhất là khi trời mưa gió”, anh Dũng kể lại. Giờ đây, những tảng đá có đường kính 2 đến 3m đó vẫn nằm ngổn ngang sau vườn nhà anh, làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Trước đó năm 2009, cũng tại thôn Khai Hóa đã xảy ra một vụ lở núi đá vôi. Nhiều tảng đá to từ trên cao lăn xuống trúng nhà ông Đinh Minh Khâm làm gãy một cột nhà, hư hỏng nhiều tài sản và hoa màu. Anh Đinh Thanh Tâm, một người dân sống lâu năm ở xã Thượng Hóa cho biết: “Tính từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã Thượng Hóa có hàng chục vụ lở lèn đá xảy ra. Nhưng rất may là không có người chết hoặc bị thương mà chỉ hư hỏng tài sản và hoa màu”.

Anh Đinh Tiến Dũng cho biết, tảng đá này đã đè bẹp chuồng lợn nhà anh.
Anh Đinh Tiến Dũng cho biết, tảng đá này đã đè bẹp chuồng lợn nhà anh.

Tuy chưa có thiệt hại về người xảy ra, nhưng giờ đây, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi đá vôi rất lo sợ, song vẫn không chịu chuyển đi nơi khác. Anh Đinh Xuân Minh, một người dân sống dưới chân lèn núi đá vôi bày tỏ: “Thực sự gia đình tôi rất lo lắng vì tử thần luôn rình rập trên đầu. Nhưng tôi không muốn chuyển đi nơi khác, vì nhà cửa đã được làm kiên cố. Cây cối trong vườn trồng lâu năm cũng sắp cho thu hoạch rồi, giờ mà bỏ đi thì tiếc lắm!”.

Trước thực trạng nguy hiểm đang rình rập hàng chục hộ dân khiến chính quyền địa phương không khỏi lo lắng. Ông Đinh Thanh Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: “Xã đã tuyên truyền, vận động 43 hộ dân các thôn Quyền, Khai Hóa, Phú Nhiêu, Tiến Hóa cần sớm di dời khỏi chân núi đá vôi. Ngoài ra, xã cũng trích quỹ đất dự phòng để cấp cho dân đến ở nhưng bà con vẫn không chịu. Những hộ ở dưới chân núi, xã sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ dân sống dưới chân núi đá vôi không chịu di dời vì một số nơi đất dự phòng bị ngăn khe, cách núi không thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà kiên cố nên rất khó khăn trong việc di dời.

Giờ đây, hàng chục hộ dân xã Thượng Hóa vẫn đang sống trong cảnh lo âu, thấp thỏm. Họ đi cũng khổ, mà ở lại thì sợ "tử thần" trên lèn cao có thể giáng tai họa xuống bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là có nhiều hộ còn bất chấp nguy hiểm, tiếp tục chuyển đến ở và đang xây dựng những ngôi nhà kiên cố.

Xuân Vương