.

Hiểm hoạ từ những tuyến đường ngang

Thứ Hai, 13/04/2015, 09:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh ta có chiều dài 174,5km với 285 đường ngang đi qua đường sắt, trong đó có đến 210 đường dân sinh tự mở, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông giữa đường bộ với đường sắt. Chỉ tính trong quý 1-2015, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 2 người, bị thương nặng 2 người; so với cùng kỳ 2014 tăng 3 vụ, tăng 1 người chết, tăng 2 người bị thương.

Lo ngại nhất về tai nạn đường sắt là địa bàn huyện Tuyên Hoá và huyện Quảng Ninh. Khu vực này có nhiều đường ngang bất hợp pháp, lưu lượng người và phương tiện qua lại khá đông. Tại Tuyên Hoá, cứ khoảng hơn 50m lại có một đường ngang, lối mở dân sinh đi qua.

Riêng địa bàn xã Sơn Hóa, tuyến đường sắt chạy qua chưa đến 10km mà đã có gần 100 đường dân sinh tự mở. Địa bàn xã Xuân Ninh, Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh cũng có đến 66 tuyến đường ngang, cả hợp pháp và không hợp pháp đi qua đường sắt. Lý do có nhiều đường ngang xem ra rất đơn giản vì đường sắt đi xuyên qua khu dân cư. Từ trước đến nay cứ thấy tiện lợi là người dân tự mở đường đi ngang qua đường sắt; cứ vài hộ dân lại tự mở một tuyến đường ngang băng qua đường sắt để tiện bề đi lại.

Các đường ngang tự phát này không có rào chắn hay bất kỳ cảnh báo nguy hiểm nào khi tàu chạy qua. Người dân sống hai bên đường sắt vẫn biết mở đường qua lại đường sắt là nguy hiểm, nhưng hầu như đã trở thành thói quen nên họ xem việc mở đường ngang và đi qua lại đường sắt là chuyện hết sức bình thường và theo đó là tai nạn giao thông luôn rình rập.

Các tuyến đường ngang đi qua đường sắt chỉ thực sự an toàn khi có gác chắn và hệ thống cảnh báo.
Các tuyến đường ngang đi qua đường sắt chỉ thực sự an toàn khi có gác chắn và hệ thống cảnh báo.

Chỉ tính trong phạm vi 3 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Tất cả các vụ này đều do lỗi của người đi trên đường bộ gây ra. Điển hình như vào lúc 9 giờ 45 phút, ngày 25-3-2015, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, thuộc tiểu khu Tân Lập, thị trấn Đồng Lê đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, làm 1 người chết. Nạn nhân là bà Đinh Thị Tiên (SN 1947, trú tại tiểu khu Tân Lập, thị trấn Đồng Lê).

Nguyên nhân xác định ban đầu là do bà Tiên khi băng qua đường sắt để vào nhà không quan sát nên bị đoàn tàu VĐ32 chạy tuyến Đồng Hới-Vinh đâm phải kéo lê hơn 100m và chết tại chỗ. Hoặc ngày 14-2-2015, tàu khách SE9 trên hành trình Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh đến địa phận xã An Ninh thì đâm vào xe máy mang biển kiểm soát 73N1-8305 do chị Trần Thị Luân (SN 1987, trú tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy).

Chị Luân cùng xe máy bị hất ra xa hơn 30 mét. Hậu quả, chị Luân bị gãy cả chân, tay, bị đa chấn thương, được chuyển đi cấp cứu ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng hết sức nguy kịch, xe máy bị hư hỏng nặng. Đây là đoạn đường đổ dốc nên tàu chạy với tốc độ cao và khuất tầm nhìn. Hiện trường vụ tai nạn cho thấy, tại km 543+370 thuộc địa phận xã An Ninh có con đường dân sinh băng qua đường sắt không có rào chắn, nhưng có hệ thống đèn cảnh báo. Nhiều nhân chứng cho biết, tại thời điểm xảy ra tai nạn, hệ thống đèn tín hiệu đường sắt tại đây vẫn hoạt động bình thường.

Vào khoảng 8h ngày 13-1, tàu khách SE 6 trên hành trình Nam - Bắc đến khu vực Mỹ Đức - Long Đại thuộc địa phận xã Xuân Ninh đã đâm vào xe máy mang biển kiểm soát 73-B1 12432 do anh Lê Văn Hùng (46 tuổi, trú tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) điều khiển theo tuyến đường bộ cắt ngang qua đường tàu không có rào chắn. Cú tông mạnh đã hất tung anh Hùng ra xa khoảng 10 mét. Hậu quả, xe máy bị hư hỏng nặng; anh Hùng được đưa đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cấp cứu trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, bị gãy 2 chân và chấn thương nặng vùng đầu...

Qua tìm hiểu ở Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Quảng Bình, được biết trung bình mỗi ngày có khoảng 35 chuyến tàu chạy qua địa bàn, những dịp tết, lễ tăng lên đến 40-43 chuyến. Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh ta có nhiều cua gấp, nhiều đoạn bị cây cối che khuất tầm nhìn cả phía đường sắt lẫn đường bộ nên rất dễ xảy ra tai nạn.

Để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, ngày 19-3-2015, Ban ATGT tỉnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương đơn vị tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Theo đó, cần tập trung kiểm tra các tuyến đường ngang, tổ chức phát quang cây cối, cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Đặc biệt chú trọng nâng cấp cải tạo đường ngang lối đi qua đường sắt bằng phẳng, êm thuận, tăng cường cảnh giới ở các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt có mật độ người và phương tiện qua lại đông...

Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với ngành đường sắt, UBND các xã, Công an xã tổ chức kiểm tra, giám sát hành lang an toàn đường sắt; hướng dẫn ATGT cho các xã có tuyến đường sắt chạy qua; duy trì phong trào “Em yêu đường sắt quê em” trong các trường học; nhắc nhở các trường hợp để vật liệu lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với UBND các xã kiểm tra, xử lý các rào chắn đường ngang dân sinh tự phát trên địa bàn.

Tr.T