.

Đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em: Khi giờ "G" điểm

Thứ Ba, 14/04/2015, 09:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Hưởng ứng kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về "Thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên phạm vi toàn quốc", từ đầu tháng 4-2015, lực lượng chức năng tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Ngày 10-4-2015, có mặt tại các trường tiểu học và những tuyến đường chính trong tỉnh, phóng viên Báo Quảng Bình đã ghi nhận những kết quả bước đầu của việc thực hiện kế hoạch này, hướng đến "Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ" do Liên hiệp quốc phát động.

Sáng 10-4-2015, mốc thời gian lực lượng chức năng tổ chức ngày cao điểm, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, tập trung tại khu vực các trường học, một điều dễ nhận thấy là hầu hết các bậc phụ huynh đã tuân thủ quy định.

Tại Trường tiểu học Đồng Phú (thành phố Đồng Hới), vào giờ phụ huynh đưa con đến trường, hệ thống phát thanh măng non của trường đang tiến hành tuyên truyền các nội dung về trật tự an toàn giao thông, trong đó nhấn mạnh nội dung Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 về đội mũ bảo hiểm bắt buộc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Hầu hết các bậc phụ huynh đều tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em 6 tuổi trở lên
Hầu hết các bậc phụ huynh đều tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em 6 tuổi trở lên

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, phường Bắc Lý, cho biết: Những ngày qua, con trai chị đang học lớp ba đã nhắc nhở mẹ phải mang mũ bảo hiểm cho cháu mỗi ngày đến trường. Khi nghe mẹ hỏi tại sao con biết quy định này, cháu cho biết suốt cả tuần nay, chương trình phát thanh măng non của trường thường xuyên tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em 6 tuổi trở lên. Ngoài ra cô giáo chủ nhiệm và các bạn cán sự lớp cũng nhắc nhở mỗi ngày. Và trong ngày 10-4, tại Trường tiểu học Đồng Phú chỉ có khoảng trên 10 trường hợp vi phạm, so với gần 1.300 học sinh, con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ, đây là tín hiệu đáng mừng về ý thức của phụ huynh và học sinh.

Không chỉ ở các trường thành phố Đồng Hới, nơi mật độ dân số cao và số lượng học sinh các trường nhiều mới tích cực triển khai kế hoạch, mà tại những trường học nông thôn, công tác tuyên truyền và thực hiện quy định cũng được tiến hành nghiêm túc và hiệu quả.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Trường (huyện Quảng Trạch), cho biết: Trường hiện có trên 200 học sinh. Trong số này chỉ có khoảng trên 50% các cháu được bố mẹ đưa đến trường bằng xe máy. Mặc dù tình hình giao thông trên địa bàn cơ bản ổn định, nhưng thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên cũng như ý thức tuân thủ về trật tự an toàn giao thông, những ngày qua nhà trường đã tích cực tuyên truyền đến tận phụ huynh và học sinh thông qua hệ thống phát thanh của trường và các buổi chào cờ, sinh hoạt chung. Ngoài ra các thành viên đội cờ đỏ đã tích cực giám sát, nhắc nhở học sinh và phụ huynh mỗi ngày đến trường. Với sự vào cuộc nhiệt tình và kịp thời của đội ngũ thầy cô giáo và học sinh, phụ huynh toàn trường, hầu như tất cả các em đều đã được bố mẹ trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm và đội mũ đúng quy cách.

"Từ những khởi đầu thuận lợi, sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường - gia đình và xã hội, tin rằng việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi sẽ đi vào nền nếp thực sự, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho các em!", cô giáo Hường chia sẻ.

 Lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm
Lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm

Trao đổi về vấn đề này, trung tá Từ Nhật Tú, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết: Sau thời gian kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm của học sinh tại các trường học; phối hợp với ngành giáo dục, các trường tổ chức phê bình học sinh vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm và gửi thông báo về gia đình, địa phương, gửi danh sách học sinh vi phạm về nhà trường để nhà trường tiếp tục có biện pháp nhắc nhở đối với học sinh, ngày 10-4, lực lượng chức năng tiến hành tổ chức "Ngày cao điểm" tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc "đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em".

Trước mắt sẽ chú trọng tập trung khu vực xung quanh các trường học, sau đó duy trì kế hoạch tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó chú ý phát hiện, xử lý vi phạm quy định bắt buộc "đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em" trên tất cả các tuyến đường.

Và để duy trì tốt hiệu quả việc thực hiện Nghị định 17/2013/NĐ-CP, sau thời gian triển khai các hoạt động cao điểm, lực lượng chức năng và các địa phương, đơn vị sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, từ đó có các kiến nghị, đề xuất với Ban ATGT tỉnh xem xét đưa vào tiêu chí bình xét thi đua đối với tổ chức, cá nhân liên quan...

Tin rằng với việc phối hợp hiệu quả của các lực lượng và ban ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên sẽ đi vào cuộc sống, góp phần phát triển văn hóa giao thông của người dân nói chung và các bậc phụ huynh, đặc biệt là đối với thế hệ tương lai của đất nước. Những thông điệp: "Trẻ em phải đội mũ bảo hiểm khi đi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy"; "Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ" ; "Nhớ lời cô dặn: Đội mũ khi đi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy"... sẽ là lời nhắn nhủ quen thuộc đối với người tham gia giao thông nói chung và các bậc phụ huynh, các em học sinh nói riêng.

Ngọc Mai
 

Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định: Người điều khiển, người ngồi trên mô tô, gắn máy, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm, cài quai đúng quy cách. Đối với trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi; chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người phạm pháp tội sẽ không bị xử phạt, còn lại những người khác vi phạm đều bị xử phạt.

Trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm cài quai đúng quy cách. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách cho trẻ em ngồi trên xe từ 6 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.