.

Cần quan tâm đào tạo nghề miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Thứ Tư, 22/04/2015, 11:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là rất nặng nề. Không thể kể hết được những đau thương và mất mát của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Nhiều nạn nhân đã chết trong đau đớn. Nhiều nạn nhân vẫn đang chịu sống đời sống khổ cực, cô đơn, không nơi nương tựa. Đại đa số các nạn nhân không có việc làm.

Tỉnh ta là một trong những địa phương có nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, đến đầu năm 2013 toàn tỉnh có 26.796 người bị nhiễm và nghi bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó người trực tiếp tham gia kháng chiến 19.207 người (đã chết 3.991), con của người tham gia kháng chiến 3.719 người, thế hệ F2 (cháu) 470 người, số đã được hưởng chế độ 5.971 người, trong đó tham gia kháng chiến 3.742 người, gián tiếp 2.229 người.

Nhằm chung tay thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thời gian qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động xoa dịu nỗi đau cho đối tượng yếu thế này. Hội đã tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”do Trung ương Hội phát động, với 5 mục tiêu: phát triển, kiện toàn tổ chức, khảo sát tình hình nạn nhân, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân, công tác tuyên truyền, vận động, công tác quản lý tài chính. Các cấp hội biết kết hợp phong trào thi đua của hội với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”... làm cho phong trào thi đua có hiệu quả thiết thực.

Trao quà cho nạn nhân chất độc da cam tại lễ khánh thành nhà điều hành và hội trường Trung tâm Đồng Hới (Ảnh: T.Long)
Trao quà cho nạn nhân chất độc da cam tại lễ khánh thành nhà điều hành và hội trường Trung tâm bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở TP. Đồng Hới (Ảnh: T.Long)

Bên cạnh việc phối hợp tham mưu thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, công tác vận động nguồn lực ủng hộ nạn nhân cũng đạt được một số kết quả đáng khích lệ. 5 năm qua hội đã chi quỹ giúp đỡ nạn nhân xây mới và sửa chữa 51 ngôi nhà, cấp 180 suất học bổng cho học sinh là nạn nhân hóa học, tặng 3.151 suất quà, hỗ trợ vốn để sản xuất 388 triệu đồng; cấp 145 xe lăn, xe lắc trị giá 240 triệu đồng, khám chữa bệnh cho 119 nạn nhân. Triển khai xây dựng Trung tâm bán trú cho nạn nhân ở thành phố Đồng Hới và xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch).

Tuy nhiên khó khăn của công tác hỗ trợ chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn rất lớn. Hạn chế lớn của công tác này là các cấp hội chưa có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân mang tính bền vững. Một trong những vấn đề đang được nạn nhân chất độc da cam/dioxin quan tâm là vấn đề đào tạo nghề miễn phí. Đây là hoạt động mang tính nhân văn cao cả, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Bởi lẽ, đào tạo nghề cho người bình thường đã khó, đào tạo nghề miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin càng khó gấp bội.

Đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho biết: “Mong muốn được đào tạo nghề để giảm bớt phần nào khó khăn của gia đình và xã hội là một nguyện vọng rất chính đáng của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bởi có nghề sẽ là cứu cánh và là hướng xóa nghèo bền vững. Nếu có nghề, nạn nhân sẽ tự tin hơn trong việc hòa nhập với xã hội. Thấy rõ vấn đề này, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã kêu gọi các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng  trung tâm đào tạo nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ngay trong khu vực khuôn viên Hội tại phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới. Hội đang có kế hoạch khảo sát thăm dò nhu cầu của các nạn nhân trong vấn đề đào tạo nghề miễn phí. Từ đó có bước tiếp theo là lập dự án, vận động nguồn kinh phí mua sắm máy móc thiết bị, hợp tác với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh để có giáo viên dạy nghề phù hợp với công tác đào tạo nghề cho nạn nhân".

Qua khảo sát bước đầu về nguyện vọng của một số nạn nhân chất độc da cam/dioxin, một số thân nhân gia đình nạn nhân đề nghị: Việc đào tạo nghề cho nạn nhân chất độc da cam /dioxin cần được nhà nước, cộng đồng xã hội tài trợ bởi đa số gia đình nạn nhân rất khó khăn. Tại các trung tâm đào tạo nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần có nhiều loại hình nghề phù hợp với năng lực,điều kiện, hoàn cảnh của nạn nhân.

Đào tạo nghề miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin là vấn đề nhân đạo cần được các cấp, các ngành, các đơn vị có trách nhiệm chú trọng quan tâm.

Phan Hòa