.

Xóm chạy thận ngày giáp Tết

Thứ Sáu, 13/02/2015, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày cuối năm, không khí Tết đã ngập tràn trên từng nẻo đường, mọi người ai cũng tất bật mua sắm, sửa sang nhà cửa để đón Tết. Thế nhưng, với những cư dân ở “xóm chạy thận” nằm khuất sau Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Tết còn rất xa...

“Tết về lại thêm lo”

Gọi là “xóm” nhưng thực ra đó là một dãy nhà trọ được những người bị bệnh thận thuê để tiện chữa chạy. Về xóm chạy thận những ngày cuối năm,  dưới tiết trời se lạnh, những thân hình tiều tụy, xanh xao lặng lẽ đi về càng khiến không khí trong xóm trở nên hiu hắt, cô quạnh.

Ôm bó củi khô nhặt nhạnh từ khuôn viên bệnh viện, bà Nguyễn Thị Tiền, ở Quảng Phú, Quảng Trạch mệt nhọc lê bước vào xóm trọ. Quãng thời gian gần 8 năm chạy thận đã lấy đi tất cả của bà. Nỗi đau hằn rõ trên gương mặt, vóc dáng và đặc biệt là cánh tay trái nổi đầy những cục u lớn, di chứng của những lần chích kim lọc máu.

Khi được hỏi về chuyện tết nhất đã đến gần, nét mặt của người đàn bà kham khổ trĩu hẳn xuống. Cả “xóm trọ chạy thận” hiện còn 14 người. Nhiều năm nay, việc đón tết đối với bà Tiền và những người khác trong xóm chưa bao giờ được trọn vẹn. Căn bệnh quái ác đã vắt kiệt sức khỏe của họ, kinh tế gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, cùng cực. Bà Tiền nói: “Lịch chạy thận mỗi tuần 3 lần, những ngày nghỉ “chạy”, mọi người trong xóm đều tranh thủ đi lượm ve chai, hoặc chạy xe ôm để có tiền trang trải sinh hoạt và mua thuốc bồi dưỡng mới hi vọng kéo dài thêm sự sống. Cả năm, cư dân trong xóm chẳng sắm sửa được gì, lấy đâu ra tiền lo chuyện sắm tết, tết về lại thêm lo”.

Sau buổi “chạy”, cư dân trong xóm thường quây quần cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.
Sau buổi “chạy”, cư dân trong xóm thường quây quần cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.

Chẳng biết xóm chạy thận hình thành từ bao giờ, nhưng lúc đỉnh điểm cũng có gần 20 người cùng trú chân, họ nương tựa vào nhau, cố gắng giành lấy sự sống từng ngày với thần chết. Ở cái xóm này, người lớn tuổi đã ngoài 70, người ít tuổi cũng đôi mươi, họ đến từ khắp các miền quê và đều bất hạnh chịu đựng căn bệnh nghiệt ngã đeo đẳng.

Gần 3 năm nay, bà Trần Thị Luyện (74 tuổi), ở xã Duy Ninh, Quảng Ninh phải vật lộn với căn bệnh thận hành hạ. Cứ gần tết, người con gái ở quê lại lên đón bà về ăn tết nhưng với bà đó là những ngày khó khăn nhất. Bà ngậm ngùi cho biết: “Lo nhất là mấy ngày tết, mình già rồi, sức cùng lực kiệt không biết ra đi lúc nào. Thương con cháu, tết nhất mà có người bạo bệnh ở trong nhà mất hết không khí tết...”.

10 năm ăn Tết ở xóm chạy thận

Mỗi tuần phải “chạy” đến 3 lần và phải duy trì thường xuyên thì mới mong kéo dài được sự sống, bởi vậy những người bị suy thận, bệnh viện là nhà của họ. Anh Nguyễn Ngọc Lệ (38 tuổi), ở xã Đức Hóa, Tuyên Hóa là một trong những người thâm niên chạy thận lâu nhất. Từ ngày bị bệnh, anh phải vào đây ở trọ, ngoài thời gian “chạy”, anh chịu khó gắng thêm ít cuốc xe ôm kiếm tiền lo thuốc men. Công việc đồng áng, chuyện học hành của con cái đành phó thác cho người vợ ở quê. Thi thoảng vợ con vào thăm, còn anh lấy bệnh viện làm nhà. Mười năm chạy thận cũng là chừng ấy thời gian anh Lệ đón Tết trong căn phòng trọ, hoặc bệnh viện cùng những dây dẫn lọc máu. Anh chia sẻ: “Cực chẳng đã mới phải ở lại đây ăn tết, thấy mọi người sum vầy ăn Tết vui vẻ còn mình lủi thủi hết xóm trọ rồi lại vào viện cũng buồn lắm, thèm một cái tết trọn vẹn cùng gia đình lắm nhưng bệnh tật thế này đành chịu vậy chứ biết sao được. Năm nay, lịch “chạy” vào sáng mồng 2 Tết nên tranh thủ về được một ngày rồi lại khăn gói vào viện nhưng như thế cũng là vui rồi”.

Ở xóm chạy thận, những người đằng đẳng ăn tết xa nhà như anh Lệ chẳng phải là hiếm. Ước ao đơn giản được đón một cái tết cổ truyền đầm ấm, trọn vẹn bên gia đình, không bị bệnh tật hành hạ dường như quá xa vời với những cư dân trong xóm chạy thận. Ở đây, mỗi phận người là một câu chuyện nhưng đều chung nỗi bất hạnh nghèo khó, bệnh tật, họ quy tụ về đây nương tựa vào nhau, động viên nhau vượt lên mà sống. Ngày thường, chia nhau từng bữa cơm, từng cốc nước. Ngày tết, họ dùng số tiền dành dụm ít ỏi mua ít bánh mứt, làm ít dưa hành chia nhau về làm quà cho gia đình.

Bữa cơm chiều giáp Tết, đạm bạc bên những con người cũ, những câu chuyện cũ.

X.Phú – N.Cường