.

Quê hương của những mảnh đời bất hạnh

Thứ Tư, 18/02/2015, 15:27 [GMT+7]

(QBĐT) - “Quê” theo định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2004 là “nơi gia đình, dòng họ đã qua nhiều đời làm ăn sinh sống, thường có sự gắn bó tự nhiên về tình cảm”. Thế nhưng có một ngôi làng, dù chỉ mới ra đời hơn một thập kỷ, đã trở thành chốn đi về thân thương của bao cuộc đời…

Đó là Làng trẻ em SOS Đồng Hới, nơi mỗi độ tết đến xuân về, những đứa con của làng dù đã trưởng thành, tung cánh bay xa vẫn mong mỏi ngày sum họp tại ngôi làng mà các em đã gắn bó và xem đó là quê hương của mình.

Chiều 29 tết, Làng trẻ em SOS rộn rã hơn bao giờ hết. Cùng với 140 trẻ đang sinh sống tại làng, 15 em là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong toàn quốc đã kịp trở về để đón tết tại làng. Những ngôi nhà mang tên các loài hoa như Mẫu đơn, Hướng Dương, Lưu Ly… vui mừng đón những đứa con xa trở về.

Mẹ Dương Thị Thăm và các con tại nhà Hoa Mẫu Đơn chuẩn bị đón tết
Mẹ Dương Thị Thăm và các con tại nhà Hoa Mẫu Đơn chuẩn bị đón tết

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng, anh Nguyến Minh Hiếu, Giám đốc cho biết: Năm nào cũng thế, cùng với việc chuẩn bị một cái tết vui tươi, đầm ấm cho các con ở làng, thì niềm vui đón các con đang học tập, lao động từ khắp nơi trở về đã khiến cho những ngày cuối năm rộn ràng và tất bật hơn.

Các em tại Khu lưu xá thanh niên đang chuẩn bị cho tiệc tất niên
Các em tại Khu lưu xá thanh niên đang chuẩn bị cho tiệc tất niên

Tại Khu lưu xá thanh niên, Mai Thành Tuấn (sinh năm 1994) hiện là sinh viên năm thứ ba Trường đại học Thể dục – Thể thao Đà Nẵng đang cùng các em nướng thịt cho tiệc liên hoan cuối năm và chuẩn bị lá, nếp, thịt heo để gói bánh chưng. Tuấn là một trong những thành viên đầu tiên của Làng trẻ em SOS. Quê Tuấn ở Cam Thủy (Lệ Thủy). Sau khi bố mẹ mất, ba anh em Tuấn không còn nơi nương tựa. May mắn thay, năm 2005, Làng trẻ em SOS đã đón cả ba anh em Tuấn. Hơn mười năm ở làng, Tuấn và các em đã được các mẹ, các dì nơi đây chăm sóc, yêu thương như ruột thịt. Kiên trì, chăm chỉ và sáng dạ, sau khi học hết phổ thông, Tuấn đã thi đỗ đại học. Ba năm đi học xa, em luôn mong mỏi tết đến để trở về làng, sum họp cùng các em và các mẹ, các dì cùng cán bộ của Làng, những người đã nuôi anh em Tuấn lớn khôn. Dù không nói nhiều nhưng nhìn ánh mắt rạng ngời của Tuấn khi cùng các em chuẩn bị cho ngày tết cũng hiểu được niềm vui ngày sum họp…

Mẹ Nguyễn Thị Hiền và các con tại nhà Hoa Lưu Ly
Mẹ Nguyễn Thị Hiền và các con tại nhà Hoa Lưu Ly

Rời Khu lưu xá thanh niên, chúng tôi đến nhà Hoa Lưu Ly, ngôi nhà hiện có 3 em là sinh viên vừa trở về đón tết. Em Trương Thị Duyên (sinh năm 1996, quê ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) hiện là sinh viên khoa Địa, Trường đại học sư phạm Huế. Duyên mồ côi bố mẹ và được đón vào làng từ năm 9 tuổi. Suốt những năm tháng sống ở làng, Duyên đã xem ngôi nhà Hoa Lưu Ly là quê hương của mình. Tất bật giúp mẹ là chị Nguyễn Thị Hiền gói bánh và bồng em, nhìn Duyên hệt như bao cô sinh viên khác với niềm vui về quê đón tết cùng người thân. Bế trên tay một cô bé khoảng hơn một tuổi, Duyên kể: Đây là em Nguyễn Ngọc Bảo Thy, người ta “bỏ quên” em ở cổng làng vào một đêm mùa đông, các mẹ nhặt được và mang về nuôi. Em được ở nhà Hoa Lưu Ly cùng Duyên và các bạn. Giờ thì em đã mười bốn tháng tuổi, ngoan ngoãn, khỏe mạnh và rất quấn mẹ cũng như các anh chị em trong gia đình.

Sinh viên Trương Thị Duyên đang bế Nguyễn Ngọc Bảo Thy và sinh viên Lê Thị Khuyên
Sinh viên Trương Thị Duyên đang bế Nguyễn Ngọc Bảo Thy và sinh viên Lê Thị Khuyên

Cùng với Duyên và Lê Thị Khuyên (sinh năm 1995, quê ở Cam Thủy, Lệ Thủy). Sau khi bố mất và mẹ bỏ đi làm ăn xa, Khuyên được đón về làng vào năm 2006. Từ đó đến nay nhà Hoa Lưu Ly đã trở thành chốn thân thương của em. Nhà có hai anh em, anh trai của Khuyên hiện vẫn sống ở quê cùng họ hàng. Tết năm ngoái, Khuyên tranh thủ về thăm anh, còn năm nay em về làng đón tết cùng mẹ và các em trong gia đình. Khuyên hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành Công tác Xã hội, Đại học Khoa học Huế.

Người thứ ba trở về nhà Hoa Lưu Ly đón tết là Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1996, quê ở Nam Đàn, Nghệ An). Vừa bận rộn giúp mẹ và các em chuẩn bị đón tết, Hoài ríu rít tâm sự với Duyên và Khuyên về những ngày học nghề ở Hà Nội, thân thương như những chị em ruột thịt.

Những ngôi nhà rộn ràng đón tết
Những ngôi nhà rộn ràng đón tết

Đến thời điểm này có lẽ mẹ Nguyễn Thị Hiền là bà mẹ “mát tay” nhất khi từ ngôi nhà Hoa Lưu Ly, khi đã có 3 đứa con trở thành sinh viên trường đại học và trung cấp nghề. Hơn 10 năm làm mẹ của những đứa con ở làng, mỗi năm chị Hiền chỉ tranh thủ về quê vài ngày để thắp hương cho mẹ cha, còn lại chị tất bật lo cho các con. Nhất là dịp tết đến, chị càng bận rộn chuẩn bị trong niềm háo hức mong chờ các con về nhà ăn tết. Bên hiên nhà sáng hôm ấy, chị Hiền tỉ mẩn ngồi gọt tỉa các loại củ quả. Và bên cạnh chị là 11 đứa con lớn nhỏ quây quần. Hạnh phúc hiển hiện rõ nét trong ngày mẹ con hội ngộ.  

Từ những ngôi nhà mang tên các loài hoa, từ sự âm thầm chăm lo đầy tình thương của các mẹ, các dì, những đứa trẻ bất hạnh dường như đã nguôi ngoai nỗi đau ngày cũ. Các em khôn lớn, trưởng thành và tự lúc nào chẳng biết, mặc nhiên xem Làng trẻ em SOS là chốn quê thân thương của mình. Ngôi làng nhỏ trên 2 ha, bình yên trong lòng thành phố trẻ đã trở thành nơi trở về của những đứa trẻ bất hạnh. Quê hương trong lòng các em giản dị như hình ảnh những mẹ, những dì và các thầy cô giáo, cán bộ của làng, để mỗi khi hoa mai hoa đào hé nụ, nỗi náo nức, mong chờ lại ngập tràn trong lòng, các em lại bồn chồn mong ngóng ngày về…

Với nỗ lực và tình yêu của mình, chắc chắn những mùa xuân sau, Làng trẻ em SOS sẽ được đón nhiều hơn nữa những đứa con thân yêu về quê ăn tết. Làng hiện có nhiều em đang học tại Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Đào Duy Từ, Phan Đình Phùng… Và có lẽ, mai này dù có đi xa, trong lòng các em, ngôi làng đặc biệt này vẫn mãi mãi là chốn quê bình yên luôn đợi các em trở về.

Ngọc Mai – Nội Hà