.

Giữ rừng... giữ lấy ấm no

Thứ Năm, 19/02/2015, 22:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Già làng Trần Phúc, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bên bếp lửa hồng ngày cuối năm, hạnh phúc đầy trong mắt. Già bảo với con cháu: “Đồng bào ta bao đời nay sống giữa rừng, trung trinh giữ rừng, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Nay tiếng lòng đồng bào, Đảng, Nhà nước đã tỏ... rừng chuyển giao lại cho cộng đồng, rừng đưa về tận từng hộ gia đình. Ấm no đến sát tận chân cầu thang nhà sàn ta, bản làng cố mà giữ lấy!”.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ trao “sổ đỏ” rừng cộng đồng cho bản Khe Cát.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ trao “sổ đỏ” rừng cộng đồng cho bản Khe Cát.

Già làng Trần Phúc và trưởng bản Khe Cát Hồ Đài say sưa kể cho chúng tôi nghe về hành trình nhận đất của dân bản, về tương lai tươi sáng, ấm no khi đồng bào thực sự trở thành chủ rừng. Hồ Đài cười vang cả đại ngàn: “Bản nhận đến gần 100ha rừng. Ai cũng ưng cái bụng. Người Vân Kiều chào đời đã thấy rừng, nhưng không được làm chủ, buồn lắm! Đói, nghèo triền miên. Đói cơm rách áo lại kêu. Nhà nước cho gạo, cho tiền. Không lẽ cứ trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mãi. Bây giờ thì tốt rồi...”

Đồng bào nhận rừng, đất rừng mùa đầu tiên, họ nhanh chóng bắt tay vào kiến thiết. Rừng cộng đồng khoanh lại, quy ước giữ rừng được bản thảo ra, thông qua. Đất rừng giao đến từng hộ dân, bà con trồng sắn, trồng keo, tràm, lấy ngắn nuôi dài. Khi cây keo, tràm còn nhỏ, sắn xen vào, gặp đất màu mỡ, tốt bời bời. Mỗi hộ trồng khoảng từ một đến hai ha sắn, đến mùa thu hoạch, thương lái lên tận nơi thu mua, một kilôgam sắn giá 1.200 đồng, bình quân một ha sắn cho thu nhập 35 đến 40 triệu đồng.

Gặp vợ chồng Hồ Văn Thái đang thu hoạch sắn ngay trên rẫy của mình. Thái bảo: “Miềng mới trồng sắn vụ này thôi, hơn một ha. Coi tình hình ni là no cái bụng. Nhà nước giao đất cho dân bản, miềng thực sự được làm chủ đất rừng, trồng cây gì, nuôi con gì do miềng tự quyết định, miễn sao thoát đói, giảm nghèo. Chắc chắn chừ trở đi không phải kêu nghèo, kể khổ”. Hồ Thị Giáo, sinh năm 1986, bà mẹ đơn thân ở bản Cổ Tràng, chồng bị mất vì tai nạn giao thông, một mình nuôi con nhỏ.

Giáo kể: “Nhà nghèo lắm, lúc mô cũng đói ăn, thiếu thốn trăm bề. Bản thương giao cho sở hữu 2ha đất rừng, miềng theo dân bản trồng sắn, nhận chăm sóc thêm 2ha rừng cộng đồng từ Dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Một năm cho thu nhập hơn năm chục triệu đồng, đời sống gia đình ổn định”.

Niềm vui được mùa.
Niềm vui được mùa.

Trở lại thị trấn Quán Hàu, những ngày cuối năm công việc bộn bề cứ cuốn hút lấy mỗi người. Nghe tôi nhắc đến chuyện giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở hai xã Trường Xuân, Trường Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Viết Ánh đồng ý tiếp chuyện ngay. Ngồi cùng ông mới hay diện tích đất của hai xã miền núi rẻo cao này lên đến trên 90 nghìn ha, chiếm 78% diện tích tự nhiên toàn huyện.

Đồng bào dân tộc Vân Kiều vùng cao Quảng Ninh có 3.479 hộ, phân bố tại 20 bản, trong đó xã Trường Sơn 603 hộ, 2.627 khẩu; Trường Xuân 222 hộ, 852 khẩu. “Dân số chừng đó, phân bố trên một diện tích chừng đó, có những bản làng sát biên giới Việt- Lào đi bộ mất cả ngày đường. Địa hình chia chắt bởi núi non, sông suối... giao thông lại khó khăn khiến đời sống đồng bào rất nghèo. Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã xây dựng hẳn một nghị quyết ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào thiểu số giai đoạn 2011- 2015. Chủ trương giao đất, giao rừng cho dân thực sự trở thành cứu cánh, hướng thoát nghèo nhanh và bền vững đối với đồng bào” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Ánh chia sẻ.

“Và huyện Quảng Ninh đã làm được gì?” - Tôi hỏi. “Nhiều chứ! Rất nhiều là đằng khác” - Ông Chủ tịch UBND huyện khẳng định. Năm 2014, UBND tỉnh bố trí vốn thuộc các chương trình 135, nguồn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới, hỗ trợ phát triển sản xuất và giúp trực tiếp cho người dân hộ nghèo vùng khó khăn; vốn định canh định cư... cho hai xã Trường Xuân, Trường Sơn 3.561 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2014, kênh Ngân hàng Chính sách xã hội cho 291 hộ đồng bào vay với tổng dư nợ 1.536 triệu đồng.

Nhờ các nguồn vốn hỗ trợ, đồng bào nhiều bản tự túc lương thực tại chỗ như: Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn, Lâm Ninh (Trường Xuân); Sắt, Trung Sơn, Cây Sú, Khe Cát, Hôi Rấy (Trường Sơn). “Công tác giao đất, giao rừng giúp đồng bào yên tâm định canh, định cư, tạo ra tư liệu sản xuất. Chủ trương giao đất, giao rừng tiến hành trong ba năm 2012- 2014 nhận được sự đồng thuận của đồng bào.

Một góc bản Khe Cát, xã Trường Sơn.
Một góc bản Khe Cát, xã Trường Sơn.

Huyện đã giao 2.905ha rừng tại hai xã Trường Xuân và Trường Sơn, trong đó giao cho hộ gia đình trên 16.000ha và rừng giao cộng đồng quản lý hơn 1.300ha. Ở xã Trường Xuân 900ha, xã Trường Sơn trên 2.000ha. Rừng thôi không còn chảy máu mà người dân nhờ đó thoát nghèo” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Ánh cho biết.

Trở lại hai xã Trường Xuân, Trường Sơn những ngày cuối năm, đi giữa bạt ngàn rừng xanh. Chuyến đi này chúng tôi cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Ngọc Thụ và lãnh đạo Dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng lên trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cộng đồng cho 3 cụm dân cư: bản Trung Sơn, thôn Long Sơn và bản Khe Cát, xã Trường Sơn. Khó có thể diễn tả được hạnh phúc đồng bào dân tộc Vân Kiều khi cầm trong tay cuốn “sổ đỏ” - niềm mơ ước từ nhiều đời nay của những người con trung trinh, gắn bó với rừng.

Hồ Văn Phần, trưởng bản Trung Sơn nói với tôi chắc chắn: “Tao về bảo con đem sổ đỏ đi ép nhựa rồi cất cho nó chắc, tài sản quý cả 67 hộ dân bản chứ chắc gì riêng tao. Đến hơn 322ha rừng, chia bình quân ra mỗi nhà gần 5ha rừng, giữ chắc chắn 5ha rừng ni là dân bản có thu nhập. Năm năm, mười năm sau, Nhà nước cho chủ trương khai thác, tin rằng đời sống đồng bào khấm khá. Bản Trung Sơn giữ rừng rất tốt. Bây giờ càng tốt hơn nữa vì có chủ rừng”.

Chủ tịch xã UBND Trường Sơn Nguyễn Văn Sỹ cho biết: “Năm 2015, diện tích rừng được giao cho xã lên đến 1.600ha, tuy nhiên đất rừng chủ yếu xa xôi, hiểm trở, lèn đá vôi nên qua quá trình khảo sát, UBND xã xây dựng kế hoạch giao thêm cho đồng bào khoảng 140ha. Chủ trương giao đất, giao rừng qua thực tế rất hợp lòng dân, người dân phấn khởi chăm lo trồng cây gây rừng, bảo vệ và chăm sóc rừng. Cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng, không ai có thể vào phá hoại trong diện tích rừng thuộc quyền sở hữu của đồng bào, của cộng đồng làng bản. Rừng Trường Sơn những năm qua bình yên hơn, độ che phủ ngày càng dày thêm lên”.

Xuân đã về trên các bản làng vùng sâu, vùng xa huyện Quảng Ninh, năm mới này đồng bào đón Tết chắc chắn đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn. Năm mới, người Vân Kiều Trường Xuân, Trường Sơn chúc nhau bằng lời dặn dò chân tình, mộc mạc “Giữ rừng nhé! Giữ rừng là giữ lấy ấm no!”.

Ngô Thanh