.

Giấc mơ có thật

Thứ Năm, 12/02/2015, 07:26 [GMT+7]

(QBĐT) - “Chuyện đã qua thì hãy để nó “ngủ yên” với quá khứ. Tôi và chú đừng nhắc lại nữa nhé. Cái quan trọng nhất là biết sửa chữa những lỗi lầm đó như thế nào”. Vâng. Tôi đang ngồi đối diện với một con người từng đeo mang án chung thân vì tội “Giết người”. Và sau 5 năm được đặc xá trở về, giờ đây anh đã là chủ của một cơ sở mộc mỹ nghệ ở thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch). Đầu "đinh", dáng xương xẩu, bụi bặm pha chút phong trần, anh là Lê Văn Chiến (SN 1973).

Từ trong “bóng đêm” cùng quẫn

Những chắp nối kia kể ra, tôi không muốn khơi thêm một chút nào nữa về quãng đường tội lỗi của con người này. Nhưng với ý chí và những nỗ lực không mệt mỏi cho cuộc “phục sinh”, phải chăng, đó là nguyên cớ làm nên một Lê Văn Chiến ngày hôm nay. Phải khó khăn lắm, tôi mới được anh vỡ vạc cho vài nét câu chuyện về đời mình. Bởi, đó không chỉ là quá khứ, là chuyện đã qua, mà còn là những trang buồn thảm và đầy tội lỗi. Cũng đúng thôi. Có ai muốn vậy. - “Hay chúng ta, bắt đầu từ những bước chuyển biến, hồi tâm từ trong quãng đen tối ấy đến nay vậy?”. Anh đồng ý.

Tốt nghiệp cấp 3, Chiến thi đỗ vào một trường cao đẳng quân sự. Nhưng, một phần vì gia đình khó khăn, phần khác vì niềm đam mê phiêu lãng, thích tự do tự tại của tuổi trẻ, Chiến không theo đuổi đường học mà tìm đến với mảnh đất mới Tây Nguyên để làm ăn và kiếm sống. Ở đây, chính sự nông nổi, bồng bột, trong một lần xích mích, vì thiếu kiềm chế, Chiến đã gây ra án mạng và bị kết án chung thân. Với chàng trai ngoài 20 tuổi lúc ấy, chung thân khác gì “án tử”. Cánh cửa nhà tù đóng lại, cũng đồng nghĩa với tuổi trẻ và cuộc đời của Chiến sẽ khép lại mãi mãi. Tuyệt vọng. Chán nản. Những ngày đầu, Chiến như con ngựa bất kham, có thể ra đòn côn đồ với bất kỳ ai động chạm đến mình. Có lần, Chiến đã dùng gạch đập đầu một phạm nhân cùng trại. Lần khác, vì xích mích với một phạm nhân khác, Chiến đã thủ sẵn một lưỡi đục trong người để trả miếng... Suốt gần 2 năm sau ngày vào trại, sự hung hãn, côn đồ trong Chiến vẫn chưa thôi dứt, kiểu như cách hành xử của người cùng đường, tận kiếp. Nhiều lúc, giữa đêm khuya chợt tỉnh giấc giữa 4 bức tường trại giam, Chiến thoáng giật mình, vẫn không hiểu vì sao mình lại ở đây. Chiến bật dậy, lặng lẽ bước đi như người vô hồn. Bức bí. Khốn cùng. Đứng giữa phòng giam, xung quanh Chiến chỉ có tiếng côn trùng kêu rền rỉ rả. Bầu trời trước mặt vẫn chỉ một màu đen kịt, tối tăm. Chiến vội thu mình lại, khác hẳn với sự hung hãn thường ngày. Trong Chiến vang lên những câu hỏi truy vấn, dằn vặt về những lầm lỗi. Cuộc đời mình rồi sẽ như thế nào đây?

Giờ đây anh Lê Văn Chiến đã là chủ của một cơ sở mộc mỹ nghệ.
Giờ đây anh Lê Văn Chiến đã là chủ của một cơ sở mộc mỹ nghệ.

Như người đi trong bóng tối, Chiến vội lần mò tìm đến những cuốn sách và báo chí có được trong trại và đọc. Cơ hội vẫn chưa phải đã hết. Nếu cải tạo tốt, ai cũng có thể nhận được sự khoan hồng của Nhà nước, báo chí viết vậy. Từ đó, Chiến quyết tâm cải tạo thật tốt với hi vọng mình sẽ được đặc xá. Thế rồi, những tháng ngày cùng quẫn đó cũng qua, khi trại tổ chức các lớp dạy nghề. Chiến liền đăng ký vào lớp học làm mộc mỹ nghệ. Sẵn có năng khiếu nên Chiến học rất nhanh. Chỉ sau một thời gian ngắn hầu hết các sản phẩm mỹ nghệ học được Chiến đều làm rất tốt. “Những khúc gỗ xù xì tưởng chừng là thứ bỏ đi hoặc chỉ tống vào bếp là cùng, vậy mà sau khi được gọt giũa, nó còn trở thành những món hàng mỹ nghệ quý giá, làm đẹp cho đời. Huống chi...”. Anh bỏ lửng câu nói giữa chừng, rồi im lặng tiếp tục đục đục, đẽo đẽo.

Vâng, cũng chính những tháng ngày gọt giũa, đục đục, đẽo đẽo ở trong trại giam kia, Chiến đã tự thanh lọc mình và lột xác trở thành con người khác. “Khi suy nghĩ khác, người ta sẽ làm khác đi mà”, Chiến tâm tư như vậy. Và anh mãi mãi không bao giờ quên cái ngày cuối năm 2009 đó. Bởi đấy là ngày anh được sinh ra lần thứ 2 trong đời, khi biết mình được đặc xá. Chiến đã bật khóc vì cứ tưởng rằng mình đang mơ. Anh nhớ lại: “Gần 15 năm ở trại, mình không biết cuộc sống bên ngoài có nhiều đổi thay đến thế. Lúc về quê, mình còn không thể nhớ và tìm được đường vào nhà”.

Tình yêu chắp cánh

Chị Trần Thị Phương Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết: “Ai chứ, anh Chiến thì ở Đại Trạch ai cũng biết. Bởi, từ khi trở về đến nay anh luôn là một công dân tốt và gương mẫu. Chẳng những thế, hàng xóm láng giềng không có điều gì than phiền cả”. Còn chị Hồ Thị Hà, hàng xóm của anh thì quả quyết rằng: “Nhà tui ở gần nhà Chiến, nhưng suốt ngày chỉ thấy Chiến làm việc quần quật, không ăn chơi, nhậu nhẹt gì cả. Lập gia đình 5, 6 năm mà chưa thấy vợ chồng có tiếng nặng tiếng nhẹ gì”.

Nhưng làm sao xua tan được những mặc cảm tội lỗi. Về nhà, Chiến gần như không bước chân ra khỏi cổng vì điều tiếng và sợ điều tiếng. Thấy Chiến ở nhà mãi, cô em họ thường rủ Chiến đi chơi. Và rồi, cái duyên cái số nó "vồ lấy nhau", khi tình cờ anh đến nhà Nguyệt chơi. Tôi hỏi chị về chuyện tình của mình. Chị chỉ cười, rồi đưa mắt âu yếm nhìn về phía chồng và 2 đứa con nhỏ, đứa lên 5, đứa lên 2 đang chơi bên cạnh. Chiến bảo: “Ngay từ đầu, tôi chẳng giấu Nguyệt điều gì. Nhưng Nguyệt biết thông cảm, sẻ chia và đồng ý đồng cam cộng khổ cùng tôi bước tiếp trên đoạn đường đời còn lại. Nói đơn giản, đó là tình yêu”.

Và cũng bắt đầu từ tình yêu đó, anh quyết tâm mở xưởng mộc mỹ nghệ này để mưu sinh, và nói như anh, cũng là cái công việc “làm đẹp cho cuộc đời”. Vậy là một cơ sở mộc mỹ nghệ ra đời với cái biển trưng ra với họ tên đầy đủ và tự tin là: Lê Văn Chiến, chuyên làm đồ mỹ nghệ, đồ gỗ trang trí. Ban đầu, cũng chỉ làm những sản phẩm đặt hàng của những người quen biết, rồi đến khách hàng ngoại tỉnh. Khi làm không hết việc, anh phải thuê thêm 3, 4 người nữa, với công thợ từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2014, khi mái ấm khang trang của anh được dựng lên, không còn chỗ, anh phải ra thuê mặt bằng khác bên cạnh quốc lộ1 để làm, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất.

Hôm tôi đến, đã quá 11 giờ trưa, anh vẫn say sưa ngồi lui lui đục đục, mài mài bên gốc gỗ xù xì. Dưới đôi bàn tay khéo léo đó, chiếc bàn gỗ mỹ nghệ dần dần thành hình hài. “Sắp đến ngày hẹn của khách nên cố làm cho xong. Làm ăn phải có uy tín mới tồn tại được chú à. Và khi niềm tin của khách hàng đã đặt trọn vào mình, thì từng đường cưa, mũi đục trên sản phẩm, mình phải cố gắng làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm. Muốn đẹp mới khó, chứ sa sẩy là phải sửa chữa, làm lại từ đầu, có khi khó có cơ hội mà sửa chữa”. Chiến kể chuyện nghề mà như nói chuyện đời.

Dương Công Hợp