.

Đón Tết quê giữa xứ lạ

Thứ Tư, 18/02/2015, 20:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Tết đến là dịp để đoàn viên, để những bước chân xa xứ tìm về với mảnh đất quê hương, sum họp bên người thân, gia đình. Nhưng với những du học sinh Quảng Bình đang sinh sống và học tập tại nước ngoài, những cái Tết xa quê luôn mang đến cho họ thật nhiều xúc cảm.

Hương bánh chưng giữa xứ tuyết

Cô gái sinh năm 1989 Nguyễn Thị Dịu (Lộc Ninh, Đồng Hới) hiện đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành báo chí, Trường đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc (Mátxcova, Nga). Sáu năm sinh sống và học tập ở xứ sở bạch dương, cô gái ấy đã trải qua 5 cái Tết xa nhà. Với Dịu, những ngày đón Tết xa xứ luôn có hạnh phúc, niềm vui nhưng cũng có cả những giọt nước mắt đong đầy nỗi nhớ. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trong chuyến về thăm quê của cô gái nhỏ đầy ắp những câu chuyện về Tết quê nơi xứ lạ.

Dịu kể rằng, ở Nga không đón Tết cổ truyền như ở Việt Nam nên trong những ngày cận Tết, du học sinh Việt vẫn đi học bình thường. Bởi thế, công tác chuẩn bị năm mới bao giờ cũng được lên kế hoạch trước đó 2-3 tuần. Dù khá bận rộn nhưng sinh viên Việt Nam trong ký túc xá vẫn thường tập trung nhau lại, phân công kỹ các khâu chuẩn bị... “Ngoài giờ học, mọi người mới có thời gian để sửa soạn cho năm mới. Mỗi nhóm từ 3-5 người phụ trách mỗi việc khác nhau, nhóm lo phần cắt chữ, làm băng rôn, nhóm chuẩn bị cây đào, nhóm chuẩn bị các món ăn”, Dịu hồ hởi kể.

Du học sinh Việt Nam tại Mátxcơva (Nga) chuẩn bị lá gói bánh chưng
Du học sinh Việt Nam tại Mátxcơva (Nga) chuẩn bị lá gói bánh chưng

Những ngày này, thời tiết ở Nga vô cùng khắc nghiệt, thường âm dưới mười mấy độ, có năm âm đến 30 độ. Tuyết phủ trắng cả những lối đi. Mặc cái giá rét đến tái tê, để có cây hoa đào, hoa mai như ở quê nhà, trước Tết khoảng 2 tuần, những nam sinh viên vào rừng chọn một cành cây “có vẻ giống” cây đào hoặc mai. Lúc này, các bạn nữ khéo tay sẽ dùng giấy màu cắt thành hoa đào hoặc hoa mai rồi gắn lên cây cho thật giống cây thật. Một nhóm khác đi đến chợ Châu Á để mua sắm thực phẩm chuẩn bị nấu những món ăn truyền thống. Dù bận rộn nhưng ai cũng vui vẻ, hào hứng, cảm giác Tết đang đến thật gần.

Với những người con ăn Tết xa quê ấy, niềm vui lớn nhất là được thưởng thức hương vị Tết quê nhà ngay trên chính “đất khách, quê người”. Và đôi khi hạnh phúc đơn giản là cùng nhau gói một cái bánh, cùng nhau nếm miếng bánh chưng nóng hổi, được hít hà mùi hương quê quen thuộc. Bao nhiêu ký ức tuổi thơ chợt ùa về vẹn nguyên. Với họ, cảm giác chờ đợi bánh chín rất khó tả. Bánh được vớt ra, không ai nói gì nữa, chỉ ngồi thần nhìn vào rổ bánh. Chỉ ngắm bánh thôi mà ai cũng vui, niềm vui không giấu giếm trong ánh mắt tràn ngập hạnh phúc. “Bên ngoài cửa sổ tuyết trắng xóa, đóng băng hết mọi cảnh vật, thế mà trong phòng lại thấy ấm cúng quá đỗi. Hơi nóng bốc lên từ rổ bánh vừa vớt ra kỳ diệu thật, nó mang chúng tôi về gần với quê hương hơn”, Dịu kể lại trong nỗi xúc động kìm nén.

Mang tết Việt đến với bạn bè quốc tế

anh75.jpg
 Buổi gặp gỡ đầu năm mới của du học sinh Việt tại Nga

Đối với mỗi du học sinh Việt Nam nói chung và du học sinh quê hương Quảng Bình nói riêng, Tết là dịp để những người đồng hương được gặp gỡ, được trải nghiệm hương vị Tết quê nhà ngay giữa đất nước bạn. Những lời chúc năm mới được cất lên bởi chất giọng đặc sệt Quảng Bình đủ sức làm ấm lòng những đứa con xa xứ. Đêm cuối năm, họ lại quây quần bên nhau xem chương trình Táo Quân, ăn tất niên rồi cùng hồi hộp đợi đến giây phút giao thừa, trao nhau những lời chúc tốt đẹp cho năm mới.

Dù ở đâu, cứ mỗi dịp Tết đến, những buổi tất niên, đón Tết cổ truyền của sinh viên Việt Nam đều có sự tham gia của giáo viên và sinh viên các nước. Anh Trần Công Khánh, quê ở Quảng Ninh, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Công nghệ vật liệu bán dẫn và thiết bị điện tử, Đại học Công nghệ Hóa học Mendeleev (Mátxcơva, Nga) kể trong nỗi tự hào: “Ngày Tết, mình có mời mấy bạn thân người nước ngoài đến chơi, gọi là mời đến ăn Tết Việt. Các bạn rất ấn tượng với cái bánh chưng, vì nó có màu xanh lá cây rất đẹp và mùi thơm thơm của thịt, của hạt tiêu trong nhân bánh. Họ thích nhất là ăn nem rán và còn muốn học cách làm nữa”. Với họ, tổ chức đón Tết Việt cũng là cách để giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đến với bạn bè quốc tế. Cái không khí quây quần bên nhau đón giao thừa, những phong tục, tập quán, những món ăn đặc trưng của Tết Việt có sức hút mạnh mẽ đối với những người bạn chưa một lần đặt chân đến Việt Nam. “Ấn tượng về người Việt trong mắt người nước ngoài luôn là tinh thần đoàn kết, lúc nào cũng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Người nước ngoài lúc tham gia đón Tết với sinh viên Việt Nam luôn có chung cảm xúc ngưỡng mộ, họ thán phục ẩm thực và tinh thần dân tộc, luôn cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc của lưu học sinh Việt Nam”, Nguyễn Hữu An (Nam Lý, Đồng Hới), hiện đang học thạc sỹ ngành Xã hội học, Đại học Tổng hợp Warsaw (Ba Lan) chia sẻ.

Dù bận rộn, nhưng vợ chồng anh Lê Đức Anh (Nhật Bản) vẫn tổ chức đón Tết cùng con gái nhỏ
Dù bận rộn, nhưng vợ chồng anh Lê Đức Anh (Nhật Bản) vẫn tổ chức đón Tết cùng con gái nhỏ

Với những gia đình nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài, việc tổ chức đón Tết cổ truyền cũng chính là dạy con cái về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Họ luôn trăn trở làm sao để con cái mình – những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở một đất nước xa xôi – vẫn hiểu về những giá trị văn hóa của quê hương “Ngày xưa chỉ có hai vợ chồng thì Tết thích đi chơi, nhưng khi có con nhỏ mình ý thức được rằng, chuẩn bị Tết cũng là lưu ký ức, giữ văn hoá cho con nên dù vất vả một chút, hai vợ chồng vẫn động viên nhau cùng làm”, anh Lê Đức Anh (quê Lệ Thủy), nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) trải lòng. Vậy là dù bận rộn, vợ chồng anh vẫn tranh thủ chuẩn bị một cái Tết Việt thật tươm tất với đủ thứ bánh trái, hoa quả: cũng có bánh chưng, dưa hành, cũng có xôi, có gà và cả món bánh lọc đặc sản Quảng Bình. Rồi sáng mồng 1 Tết, hai vợ chồng lại lì xì mừng tuổi cho con gái, mong ước một năm mới trọn vẹn sức khoẻ và hạnh phúc.

Tết xa quê dẫu còn thiếu hơi ấm tình thân, nhưng với những du học sinh Quảng Bình, đó là những cái Tết nhiều cảm xúc. Dẫu nỗi nhớ vẫn đong đầy trong đáy mắt, nhưng đi qua nhiều cái Tết như thế, ai cũng trưởng thành hơn, không còn dễ dàng bật khóc khi nhận điện thoại từ gia đình trong đêm giao thừa, nghe bản nhạc xuân cồn cào nhớ mẹ, rồi dần dà, họ đã biết giấu nỗi nhớ vào trong, lặng lẽ hơn nhưng cũng sâu sắc hơn. “Tết là để đoàn viên, là để hạnh phúc và yêu thương, cho nên dù là Tết ở ta hay ở tây, em vẫn sẽ trân trọng từng khoảnh khắc đáng quý này”, cô gái nhỏ Nguyễn Thị Dịu chân tình chia sẻ.

Diệu Hương