.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Nhìn từ ý thức người dân

Thứ Hai, 26/01/2015, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các ngành chức năng quan tâm, thế nhưng ý thức của người dân về vấn đề này vẫn chưa cao. Không khó để tìm thấy những điểm bày bán thức ăn trên lề đường, vỉa hè và người dân vẫn cứ vô tư ngồi thưởng thức mặc dù kế bên xe cộ chạy ầm ầm, khói bụi bay mù mịt.

Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, toàn tỉnh có 3.290 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cố định. Trong những năm qua, việc quản lý an toàn thưc phẩm (ATTP) đã được phân cấp cho UBND cấp xã, phường, thị trấn. Nhìn chung, UBND các xã, phường, thị trấn đã làm tốt công tác triển khai phổ biến, tuyên truyền ATTP kết hợp kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành quy định pháp luật.

Bước đầu cho thấy, trên 65% người kinh doanh dịch vụ ăn uống có kiến thức và nhận thức đúng về ATTP. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều hộ kinh doanh chưa ý thức và hành động đúng quy định pháp luật về ATTP để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Dạo quanh một vòng trên các đường phố của Đồng Hới, chúng tôi bắt gặp không ít những quán ăn vỉa hè không bảo đảm vệ sinh thực phẩm, hứng đầy bụi bẩn. Những quán vỉa hè, hàng rong quanh cổng trường là hình ảnh đã quen thuộc với các bậc phụ huynh và học sinh trong nhiều năm qua.

Những quán hàng di động thế này vẫn luôn hút khách.
Những quán hàng di động thế này vẫn luôn hút khách.

Ngoài các loại bánh kẹo có nhãn hiệu của các thương hiệu quen thuộc còn có rất nhiều loại được đóng gói với bao bì bắt mắt nhưng lại không có tên và hạn sử dụng. Nhiều loại bánh kẹo còn kèm theo khuyến mãi là các đồ chơi bắt mắt để tăng thêm sức hấp dẫn. Giá của những loại bánh, kẹo này khá rẻ, nên các em học sinh với số tiền bố mẹ cho để ăn sáng có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một món ăn ưng ý.

Bên cạnh đó, các loại thức ăn nhanh như xiên chiên, xúc xích rán, chả mực, bánh tôm... cùng các đồ uống như trà sữa trân châu, chè, sữa chua... được chế biến ngay trên vỉa hè có màu sắc và hương vị hấp dẫn, giá lại rẻ nên thu hút rất đông các thực khách nhí.

Không chỉ ở trước trường học, ngay ở những quán vỉa hè vào buổi sáng hoặc tối như chè, ốc, bánh canh, bánh xèo, hủ tiếu... dù ngồi ngay sát đường đầy khói bụi, rác thải nhưng đa số khách hàng không quan tâm gì đến vệ sinh và môi trường bị ô nhiễm bụi đường.

Người ăn không tỏ ra ái ngại, lo lắng về vấn đề ATVSTP, vẫn cứ thản nhiên ăn uống, nói cười. Bên cạnh đó, vì là quán hàng vỉa hè nên nước rửa chén, ly cũng khá khan hiếm, các chủ hàng quán cứ tận dụng tráng qua loa trong một xô nước, có khi mỡ, đồ ăn thừa, nước rửa bát... còn dính đầy trên bát, đĩa rồi lại tiếp tục được dùng đựng thức ăn cho khách. Một xô nước được dùng để rửa hàng trăm cái bát trong một ngày, rất nhiều người kinh doanh còn tranh thủ đổ nước thải xuống đường ngay tại nơi bán; dưới chân bàn, ghế, giấy ăn, rác vứt bừa bãi...

Bắt đầu từ ngày 20-1-2013, Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thờ ơ, mơ hồ với thông tư này. Thậm chí, nhiều người chưa biết đến những quy định mới như: Phải có giấy chứng nhận sức khỏe, quầy hàng phải để xa cống rãnh và địa điểm ô nhiễm; có phương tiện bảo quản, che chắn thức ăn, chống bụi, côn trùng; người bán hàng phải sử dụng găng tay nylon dùng một lần để bốc thức ăn hoặc dụng cụ gắp thức ăn; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Theo số liệu của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2014, có 470 cơ sở kinh doanh bị xử lý vì vi phạm điều kiện kinh doanh. Trong đó: 302 cơ sở bị phạt cảnh cáo, buộc 151 cơ sở huỷ sản phẩm, 17 cơ sở bị phạt tiền.

Điều đáng nói, trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế thì người tiêu dùng lại tỏ ra dễ dãi, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Ngoài ra, chính thói quen chế biến một số loại thức ăn theo cách truyền thống của người dân như: Tiết canh, gỏi cá, nem chua... cũng rất dễ phát sinh dịch bệnh.

Từ thực trạng nói trên, thiết nghĩ người dân cần có ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình nói riêng và cộng đồng nói chung.

Phạm Hà