.

Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội dân số vàng?

Thứ Năm, 18/12/2014, 18:37 [GMT+7]

Theo Trưởng đại diện UNFPA, cần tận dụng lực lượng lao động trẻ, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo nghề công nghệ cao với giới trẻ.

Kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 1-4-2014, do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Hà Nội ngày 17-12 cho thấy, tỷ suất sinh của Việt Nam ở mức 2,09 con/phụ nữ, đạt mức sinh thay thế. Nước ta đang tiếp tục ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi dân số dưới 15 tuổi đã đạt 23,5%, tỷ trọng dân số hơn 65 tuổi đạt mức 7,1%, hệ số phụ thuộc chung là đạt 44%.

Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần tận dung cơ hội cơ cấu dân số vàng để đề ra những chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo... Trong đó, một trong những trọng tâm là tận dụng lực lượng lao động trẻ, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo nghề công nghệ cao với giới trẻ.

Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Kết quả điều tra dân số và nhà ở công bố hôm nay?

Ông Arthur Erken: Tổng cục Thống kê (GSO) là đơn vị có năng lực tốt và UNFPA có tham gia hỗ trợ GSO ngay từ khi bắt đầu triển khai thu thập dữ liệu. Tôi tin tưởng chất lượng số liệu công bố đạt kết quả cao nhất và phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ GSO trong giai đoạn tiếp theo, như phân tích thứ cấp, tìm hiểu các số liệu có ý nghĩa và xu hướng như thế nào, kể cả về tài chính và kỹ thuật. Đây là điều quan trọng, vì số liệu là cơ sở để đưa ra các chính sách phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Dữ liệu sau mỗi một đợt khảo sát 5 năm có vai trò hết sức quan trọng, mang tính toàn diện, phổ quát trong bối cảnh Việt Nam đưa ra các quyết sách trong những năm tới đây.

PV: Kết quả công bố cho thấy Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, vậy đâu và thách thức và cơ hội của Việt Nam, thưa ông?

Ông Arthur Erken: Rất nhiều thông tin ở đây có vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta có thể thấy được những xu hướng, cũng như thông tin hữu ích trong thay đổi dân số. Đó là: tỷ lệ sinh đang giảm trong 10 năm qua, tiếp tục ở mức thấp. Hiện mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình có hai con. Vấn đề ở đây là chuyển từ trọng tâm từ kiểm soát sang nâng cao chất lượng dân số, không phải hạn chế sinh đẻ mà làm sao dân số có chất lượng cao hơn. Tỷ lệ đô thị hóa nhanh chóng cũng cần chú ý tới quy hoạch đô thị. Số lượng dân già hóa nhanh chóng, số lượng người cao tuổi tăng lên, đặt ra vấn đề về phát triển hệ thống an sinh xã hội, hưu trí để chăm sóc cho thành phần dân số đang già hóa đi.

Việt Nam có lực lượng dân số trẻ lớn, đồng nghĩa lực lượng dân số trong độ tuổi lao động ở mức lớn. Điều này đặt ra yêu cầu về đầu tư hơn nữa vào công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm.

Những đầu tư này không chỉ dành cho an sinh xã hội và hưu trí, mà còn cho đầu tư vào giáo dục và dạy nghề, để giúp Việt Nam chuyển từ một nước có mức thu nhập trung bình sang nước có mức thu nhập cao hơn trong tương lai.

Tại thời điểm 0h ngày 1-4-2014, dân số Việt Nam đã là 90.493.352 người
Tại thời điểm 0h ngày 1-4-2014, dân số Việt Nam đã là 90.493.352 người

PV: Đối với Việt Nam, UNFPA có khuyến nghị gì khi công bố kết quả Điều tra lần này?

Ông Arthur Erken: Có thể thấy, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, bắt đầu từ 2009, và giai đoạn này chỉ kéo dài 30 năm. Đến nay đã mất 5 năm và Việt Nam còn 25 năm tới đây. Dân số vàng có nghĩa là 2/3 người dân trong độ tuổi lao động, 1/3 người phụ thuộc là trẻ em và người hơn 65 tuổi. Đây là thời gian cần tận dụng tối đa để chuyển từ quốc gia có mức thu nhập thấp, sang thu nhập trung bình và sang thu nhập cao.
Vậy chúng ta cần phải làm gì? Đó là cần phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo nghề, làm sao để cầu của doanh nghiệp cần lao động có trình độ cao cũng phải được đáp ứng nguồn lao động trẻ ở Việt Nam có trình độ cao. Vấn đề này ở Việt Nam chưa được đáp ứng tốt.

Việt Nam cần đầu tư hơn nữa về an sinh hưu trí, chăm sóc cho người dân và chăm sóc y tế sức khỏe sinh sản cho người trẻ để bảo đảm mọi người trong xã hội được hưởng hạnh phúc, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này, vì một khi nó đã trôi qua thì không trở lại cho nên cần tận dụng tối đa, giống như những gì Hàn Quốc hay Đài Loan đã làm được.

Vấn đề là làm sao phát triển được kinh tế Việt Nam trước khi dân số đất nước trở nên quá già. Điều này cần sự chung tay góp sức của Chính phủ, các doanh nghiệp, toàn bộ người dân để đầu tư tốt nhất cho thế hệ trẻ của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN