.

Tương lai của trẻ em phụ thuộc vào cộng đồng!

Thứ Tư, 17/12/2014, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội như tỉnh ta, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng” được ký kết giữa Plan Việt Nam và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giai đoạn 2012-2014 được đánh giá là một trong những bước chuyển mình ấn tượng trong công tác trẻ em của tỉnh nhà, qua đó, góp phần đẩy mạnh hơn nữa sự quan tâm của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và nhất là cộng đồng đối với đối tượng dễ bị tổn thương này.

Năm 2013, thôn Kim Sen (Trường Xuân, Quảng Ninh) có một trường hợp em gái 12 tuổi bị xâm hại tình dục. Rất nhanh chóng, sau khi nắm bắt thông tin, cộng tác viên của mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng của xã, chị Trần Thị Thương, đã thông báo ngay cho Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em của xã Trường Xuân để có hướng giải quyết phù hợp. Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em xã đã tiếp nhận thông tin, thông báo cho các đơn vị liên quan và kịp thời phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, như: Công an xã, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.... Chị Trần Thị Thương chia sẻ, chị và đại diện các đoàn thể đã đến tận nhà nạn nhân và thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên, thuyết phục em đi học trở lại. Bé gái sau khi nghỉ học 2 tuần đã quay trở lại trường, hòa nhập cùng bạn bè và tiếp tục được hỗ trợ, động viên về mặt tinh thần. Kẻ thủ ác đã bị pháp luật trừng trị một cách đích đáng. Được tập huấn đầy đủ những nội dung liên quan đến kỹ năng làm việc với trẻ em, như: tiếp cận, giao tiếp, lắng nghe, cho và nhận phản hồi, khích lệ, động viên..., các cộng tác viên của mô hình như chị Thương không còn bỡ ngỡ, lo lắng cách thức xử lý trước những tình huống xấu xảy ra với trẻ em trên địa bàn mình phụ trách.

Nhóm trẻ nòng cốt ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) là minh chứng cho tính hiệu quả của dự án bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng
Nhóm trẻ nòng cốt ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) là minh chứng cho tính hiệu quả của dự án bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng

Theo chị Trần Thanh Hiền, Phó Trưởng ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em xã Trường Xuân, mô hình triển khai tại xã đã mang lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đối với việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em xã có 11 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, thường xuyên họp, giao ban, cập nhật thông tin về trẻ em trên địa bàn. Đội ngũ cộng tác viên hơn 11 đồng chí ở các thôn, bản thường là kiêm nhiệm của Dân số, Hội Phụ nữ..., do đó, việc nắm bắt thông tin hay vận động, thuyết phục gặp nhiều thuận lợi hơn. Bên cạnh tập huấn cho các cộng tác viên, dự án còn tập huấn chuyên sâu cho cán bộ xã, trưởng thôn, bản, nam nữ trong độ tuổi tiền hôn nhân, trẻ em và cả phụ huynh. Nhóm trẻ nòng cốt gồm 30 em luôn được tham gia tập huấn, hội thi tuyên truyền, sinh hoạt nội bộ hoặc liên kết với các địa phương khác...

Mặc dù vậy, với 832 trẻ em từ 0 đến 18 tuổi, chiếm 32,3% dân số, trong đó, số trẻ là người Bru Vân Kiều chiếm 26,20% và trẻ em nghèo chiếm 22,3%, khó khăn lớn nhất của Trường Xuân là vẫn còn không ít hộ gia đình chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ trẻ em, một số trẻ em phải làm việc nặng nhọc quá sức hay thiếu tình thương, sự quan tâm để nên người. Chính vì vậy, chị Trần Thanh Hiền bày tỏ mong muốn cần thiết mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức hơn nữa cho các bậc phụ huynh ở các xã miền núi như Trường Xuân, nhất là dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau ba năm triển khai dự án với 5 xã tham gia (Trường Xuân, Trường Sơn, Hải Ninh, Hàm Ninh, Vạn Ninh), huyện Quảng Ninh đã thành lập được các Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em từ cấp huyện đến xã, cùng đội ngũ cộng tác viên, hoạt động tích cực và có hiệu quả cao. Thông qua nhiều hoạt động, như: hỗ trợ, giám sát, giao ban hàng quý, tập huấn nâng cao kỹ năng làm việc, kỹ năng truyền thông, tổ chức hội thi tuyên truyền viên bảo vệ trẻ em...., công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã nhận được sự quan tâm đầy đủ, kịp thời hơn từ phía cộng đồng.

Theo số liệu thống kê từ Ban điều hành dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng”, toàn tỉnh hiện có 221.180 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,57% dân số, trong đó, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi là 885 em, trẻ em khuyết tật là 1.994 em, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam là 269 em. Từ đầu năm đến nay, có 4 em đã bị xâm hại tình dục, 58 em bị tai nạn thương tích (20 em đã tử vong). Những con số trên đã cho thấy sự cấp thiết của việc quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở tỉnh ta. Mặc dù chỉ mới triển khai tại 5 xã của huyện Quảng Ninh, nhưng dự án đã cho thấy sức mạnh của cộng đồng luôn phát huy được hiệu quả cao nhất. Chỉ trong vòng 3 năm đã có một số lượng lớn các văn bản cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được ban hành hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng công tác trẻ em. Bên cạnh đó, dự án được triển khai theo hệ thống đồng bộ, chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và thường xuyên có sự liên kết, trao đổi, cập nhật thông tin. Đặc biệt, cấp xã chỉ đạo các thôn, bản khảo sát, phân tích, tổng hợp, đánh giá số liệu trẻ em, lập kế hoạch nội dung thực hiện trong tháng tiếp theo. Dự án đã góp phần tạo sự gắn kết bền chặt giữa các ngành, đoàn thể, trường học cấp xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.

Ngoài các khó khăn về vốn đối ứng ở địa phương, nguồn ngân sách hỗ trợ còn hạn chế, thách thức lớn nhất đối với dự án chính là trình độ, năng lực của một số cộng tác viên, nhất là trong việc nắm bắt các vấn đề liên quan đến trẻ em còn thiếu kịp thời. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn mang tính hình thức, thời vụ, chưa chú trọng xây dựng, phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của dự án, trong thời gian tới, tỉnh đề xuất với tổ chức Plan tiếp tục duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại 5 xã đã triển khai và mở rộng hơn địa bàn các xã, huyện tham gia dự án. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn cho cán bộ huyện, xã, cộng tác viên và trẻ em về phòng ngừa ứng phó thảm hoạ, thiên tai do biến đổi khí hậu; hướng dẫn, giám sát việc cập nhật, quản lý các đối tượng trẻ em và thành lập các câu lạc bộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã triển khai dự án.

Mai Nhân