.
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI:

Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri (phần 4)

Thứ Sáu, 19/12/2014, 14:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVI Chủ tọa kỳ họp đã dành nhiều thời gian để lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu. Trong phần này, Báo Quảng Bình xin lược ghi lại ý kiến trả lời của lãnh đạo Công an tỉnh và Sở Tư pháp về những vấn đề nổi lên mà cử tri quan tâm.

>> Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri (phần 1)

>> Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri (phần 2)

>> Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri (phần 3)

Cử tri huyện Minh Hoá đề nghị lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các loại xe tải trọng nặng, xe rơ moóc chạy quá tốc độ quy định trên Quốc lộ 12A, đoạn từ ngã ba Khe Ve đến Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Đại tá Trần Minh Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh trả lời như sau:

Qua theo dõi, Phòng Cảnh sát giao thông nhận thấy: Vào ban ngày, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường tương đối đông. Các phương tiện ô tô hoạt động trên tuyến chủ yếu là xe tải ngoại tỉnh và xe của nước bạn Lào. Các xe này khi qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã được các cơ quan chức năng làm thủ tục kiểm tra tải trọng hàng hoá trước khi cho nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy vậy, trên thực tế vẫn có  một số phương tiện chở quá trọng tải quy định, nhưng việc xác định rất khó khăn, bởi các hàng hoá trên phương tiện đa số đều được niêm phong, kẹp chì Hải quan. Hiện nay, Phòng Cảnh sát giao thông nói chung và Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 7 (đơn vị được giao nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến Quốc lộ 12A) nói riêng chưa được trang bị cân trọng tải để thực hiện việc kiểm soát tải trọng. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến, trong năm 2014, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Thanh tra giao thông tiến hành khảo sát, tìm vị trí đặt cân trọng tải lưu động liên ngành trên Quốc lộ 12A (đoạn từ Cửa khẩu Cha Lo đến ngã ba Khe Ve), nhưng do mặt đường có chiều rộng không bảo đảm an toàn theo quy định để đặt cân và làm thủ tục hạ tải, do đó việc kiểm soát trọng tải trên tuyến gặp nhiều khó khăn do không đủ căn cứ để xác định vi phạm.

Theo quy định thì tuyến Quốc lộ 12A (đoạn từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến ngã ba Khe Ve) các xe cơ giới được chạy với tốc độ tối đa như sau: Ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ ô tô buýt), ô tô có trọng tải dưới 3,5 tấn tốc độ tối đa là 80km/h; ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ ô tô buýt), ô tô có trọng tải trên 3,5 tấn tốc độ tối đa 70km/h; ô tô buýt, ô tô sơmi rơ moóc, ô tô chuyên dùng, xe mô tô tốc độ tối đa là 60km/h. Quốc lộ 12A được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi. Đoạn đi qua huyện Minh Hoá có đặc điểm chung là đường hẹp, đèo dốc, quanh co, hiểm trở; đường cong phần lớn ngược chiều nhau, tầm nhìn nhiều đoạn dưới 140m, đặc biệt nguy hiểm khi có mưa hoặc sương mù. Do đó, các loại xe cơ giới lưu thông trên tuyến đường này thường không đạt đến tốc độ tối đa cho phép đối với mỗi loại xe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Từ năm 2012 đến nay, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 7 đã bố trí các máy đo tốc độ ghi hình trên tuyến, nhưng chưa phát hiện được các trường hợp phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ quy định.

Hậu quả của xe chở vật liệu thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 chở quá trọng tải quy định đã gây hư hỏng, xuống cấp nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Hậu quả của xe chở vật liệu thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 chở quá trọng tải quy định đã gây hư hỏng, xuống cấp nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

Năm 2014, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông thường xuyên thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, khảo sát tuyến, địa bàn. Trên cơ sở đó đã có hai công văn kiến nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công ty Cổ phần sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp II có biện pháp giải quyết các “Điểm đen tai nạn” trên tuyến Quốc lộ 12A, nhằm góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến. Trong 10 tháng đầu năm 2014, đội tuần tra kiểm soát giao thông số 7 đã tổ chức thực hiện 1.098 ca tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 12A, qua đó đã phát hiện và xử lý 1.383 trường hợp vi phạm (trong đó có 700 xe tải), tạm giữ 64 phương tiện, thu tiền phạt qua Kho bạc Nhà nước 1,516 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, sau khi được UBND tỉnh trang bị cân trọng tải xách tay, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông  tổ chức thực hiện quyết liệt công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi chạy quá tốc độ, chở quá trọng tải quy định, qua đó góp phần kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cho nhân dân đi lại được an toàn, thuận lợi.

Cử tri huyện Quảng Ninh phản ánh: Hiện nay, việc thực hiện công chứng, chứng thực tại Phòng Công chứng Kiến Giang xảy ra nhiều bất cập như: Thủ tục quá nhiều công đoạn, chậm thực hiện, gây phiền hà cho nhân dân. Đề nghị mở rộng quyền được lựa chọn địa điểm công chứng, chứng thực, không nên ràng buộc tại một điểm công chứng như hiện nay. Ông Trần Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Tư pháp trả lời:

Tại buổi kiểm tra, xác minh, UBND thị trấn Quán Hàu cho biết: Nhân dân có phàn nàn về việc phải đi lại nhiều nơi để thực hiện các thủ tục như: Đến Văn phòng công chứng Kiến Giang để công chứng hợp đồng, giao dịch; đến UBND thị trấn để nộp tờ khai, hồ sơ đăng ký biến động đất (tách thửa, sang tên do chuyển nhượng, tặng, cho đất...) hoặc đề nghị cấp các giấy tờ hộ tịch (bản sao giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...); Văn phòng công chứng Kiến Giang chỉ công chứng hợp đồng, giao dịch, bắt nhân dân phải thực hiện các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất, các giấy tờ hộ tịch...
Đối với các ý kiến trên của nhân dân, Sở Tư pháp đã đề nghị UBND thị trấn Quán Hàu, Phòng Tư pháp huyện Quảng Ninh tăng cường giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, đất đai, công chứng... Theo đó, các giấy tờ hộ tịch do UBND xã có thẩm quyền cấp để xác nhận sự kiện pháp lý của một cá nhân khi sinh, kết hôn, chết...; bản sao các giấy tờ hộ tịch không phải là văn bản công chứng; các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất không phải là một bước, trình tự trong thủ tục công chứng, đây là thủ tục hành chính riêng biệt nên theo quy định hiện hành đầu mối tiếp nhận thủ tục là UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Cũng qua tiến hành kiểm tra, xác minh việc thực hiện quy trình thủ tục công chứng và hồ sơ công chứng tại Văn phòng công chứng Kiến Giang, Sở Tư pháp nhận thấy: Văn phòng công chứng Kiến Giang có niêm yết công khai quy trình giải quyết thủ tục công chứng. Trên hồ sơ lưu trữ không phát hiện trường hợp nào giải quyết thủ tục công chứng quá thời hạn quy định, đặt ra thủ tục công chứng trái quy định hoặc yêu cầu nộp thêm các giấy tờ, tài liệu ngoài quy định của pháp luật. Phía Văn phòng công chứng Kiến Giang cũng báo cáo thực trạng có một số trường hợp người yêu cầu công chứng phàn nàn đối với thủ tục công chứng như: Tất cả các bên tham gia giao dịch phải có mặt và ký trực tiếp vào văn bản công chứng tại Văn phòng công chứng; cung cấp giấy tờ, tài liệu để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với tài sản đem ra giao dịch; trong trường hợp Văn phòng công chứng có hướng dẫn, giúp dân viết tờ khai đăng ký biến động đất hoặc các thủ tục liên quan đến việc đăng ký quyền sử dụng đất, nộp thuế... và chỉ dẫn cho người dân nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc UBND cấp xã thì nhân dân nghĩ rằng  đây là trách nhiệm của Văn phòng công chứng, nên cho là thủ tục công chứng qua nhiều công đoạn, gây phiền hà.

(Còn nữa)

Bùi Thành