.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Chuyện những người lính đá bóng năm xưa

Thứ Năm, 11/12/2014, 16:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình đang là “vùng trũng” của môn thể thao vua”- bóng đá ở thời điểm hiện tại, đó là một thực tế. Nhưng hơn 40 năm về trước tỉnh ta có một đội bóng đá đã khắc dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ trong và ngoài tỉnh. Lúc ấy cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn khốc liệt và cầu thủ trong đội bóng là những người lính…

Tháng 8 năm 1971, đơn vị tôi (đại đội trinh sát thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình- gọi tắt là Tỉnh đội QB) nhận thêm một tân binh có tên “rất con gái”: Lê Thanh Hương. Anh bạn trong  đơn vị, người cùng làng với Hương nói, nó đá bóng giỏi lắm. Mới về hôm trước, hôm sau Hương lại khoác ba lô về đội bóng của Tỉnh đội. Té ra Hương nhập ngũ theo diện... đá bóng và cái giấy gọi nhập ngũ vào đơn vị trinh sát chỉ là “thủ tục” để tránh cách gọi đi...  đá bóng. Và sau này Hương là hậu vệ cánh nổi tiếng với cái chân trái “thép”.

Gặp lại anh Hương tại xã Lộc Ninh (thành phố Đồng Hới) sau một thời gian khá dài, nhưng anh vẫn vậy, hiền lành, ít nói chỉ có thời gian đã hiển hiện trên mái đầu và con cháu đủ một... đội bóng.  Hương nhớ lại, khi tôi về thì đội bóng đã “thành danh”.

Những cựu binh của đơn vị như anh Hài, anh Thi, anh Phú đã chinh chiến nhiều nơi với nhiều trận bóng trong và ngoài tỉnh... Nhưng cũng như những người lính thời đó, vào đơn vị hôm trước hôm sau đã là quen thân và nhanh chóng hòa nhập với các thế hệ khác trong đội để được thực hiện niềm đam mê của mình- đá bóng...

Chắc hẳn những người lớn lên trong chiến tranh không lạ lắm với một đội bóng đá của Tỉnh đội QB thời đó và cả Đoàn văn công Tỉnh đội nữa. Nhưng thế hệ sau chắc sẽ không khỏi thắc mắc, bởi đấy là giai đoạn chiến tranh, là bom đạn, là chết chóc sao lại có... một đội bóng đá? Điều mà sau chẵn 40 năm hòa bình, dựng xây vẫn còn xa vời với tỉnh nhà?

Các thành viên đội bóng gặp mặt tháng 5-2013.
Các thành viên đội bóng gặp mặt tháng 5-2013.

Vâng, một đội bóng đá trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ vào hồi khốc liệt, có thể coi đấy là một sự táo bạo của những người “nghĩ” ra nó. Nhưng có lẽ chỉ những người biết vượt lên những điều không bình thường mới mang lại cho cuộc sống những bất ngờ, để rồi hôm nay cả một thế hệ nhớ về một thời như thế.

Anh Hương nói, tôi là thế hệ thứ ba của đội bóng, biết nhiều về đội bóng có bác Hài cũng ở xã Lộc Ninh. Ông Nguyễn Thanh Hài, thủ môn kỳ cựu của đội bóng Tỉnh đội ngày nào đã bước qua tuổi 75, nhớ lại: tôi cũng chỉ là thế hệ thứ 2, trước đó còn một lứa cầu thủ nữa... Và qua ông Hài tôi mới hiểu thêm về đội bóng Tỉnh đội ngày nào một cách cặn kẽ. 

Theo ông Hài, những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Quảng Bình không phải là “vùng trũng” của môn thể thao “vua”! Những trung tâm bóng đá như Ba Đồn, Thanh Khê, Cảnh Dương, Đồng Hới... có nhiều đội bóng có tiếng với các lứa cầu thủ tài hoa đã cống hiến cho người hâm mộ những trận đấu bóng hấp dẫn...

Trong chiến tranh, hầu hết thanh niên đều nhập ngũ và hẳn nhiên trong số đó có không ít những chàng trai đá bóng giỏi. Và trong bối cảnh phong trào thể thao nói chung và bóng đá nói riêng trong tỉnh đang rất sôi động thì việc Tỉnh đội QB thành lập đội bóng đá cũng là điều thuận lòng người hâm mộ. Theo ông Hài, từ năm 1958, đội bóng đã hình thành, lúc đó chỉ là đội bóng chân đất và đá bóng cũng chỉ là... phụ. Đến năm 1970 mới chính thức thành lập đội bóng chân giày và các chiến sỹ thực sự là cầu thủ. Cũng từ lúc này đội bóng mới thực sự có vị thế không chỉ trong làng bóng đá tỉnh nhà mà cả các khu vực có phong trào bóng đá mạnh.

Trong những năm tháng tồn tại, đội bóng Tỉnh đội ngoài các trận đấu “nội bộ” với các đội bóng trong tỉnh, đã “chạm trán” với nhiều đội bóng tên tuổi ngoài tỉnh như đội Thể công trẻ, đội Sư 341, đội bóng tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, đội bóng Tỉnh đội Hà Tĩnh, Quân giải phóng Quảng Trị ... Các trận bóng đá có mặt đội bóng Tỉnh đội QB luôn có người xem đông nghịt và đến từ rất sớm. Lúc ấy chỉ có sân bóng Tỉnh đội trên đồi Mỹ Cương (Lý Ninh cũ, nay là Nam Lý- Đồng Hới) là sân bóng lớn. Sân bóng này chỉ là bãi đất bằng, không có khán đài... Khán giả đứng sát đường biên kẻ bằng vôi mà la hét, cổ vũ...

Trong những trận bóng đó để lại nhiều ấn tượng nhất là trận gặp đội bóng Tỉnh đội Hà Tĩnh. Cái tỷ số 2-1 nghiêng về đội bóng Tỉnh đội QB là một việc nhưng còn câu chuyện thú vị khác thuộc về lĩnh vực... đấu pháp. Biết đội Hà Tĩnh có chất lượng chuyên môn cao, lại vừa được đi tập huấn tại đội Thể công về nên mọi đường đi nước bước của trận đấu được chỉ huy cao nhất của Tỉnh đội căn ke khá kỹ. Ngô Trường Phúc là một cầu thủ trẻ, tài hoa ở nhiều vị trí, cả thủ môn và tiền đạo. Vào trận, Phúc được bắt chính, trong khi thủ môn kỳ cựu là Hài dự bị.

Trong thời gian thi đấu đầu trận, Phúc đã quá xuất sắc, bay lượn trong khung thành làm nản lòng nhiều chân sút từ phía đội bạn. Nhưng khi tỷ số giữa hai đội là 1-1, đội ta bị phạt 11 mét. Lãnh đạo hội ý và lập tức đưa thủ môn Hài vào thay Phúc, Phúc được đôn lên đá tiền đạo. Có lẽ chân sút 11 mét phía Hà Tĩnh đã mất bình tĩnh khi thấy có thủ môn giỏi hơn Phúc nên chùn chân và cú sút khá nhẹ, bị thủ môn Hài bắt gọn. Sau trận đấu, mọi người cứ bàn tán mãi về đòn tâm lý đánh vào chân sút đội bạn.

Sau ngày đất nước thống nhất, sân bóng Cộn được đầu tư nâng cấp và tại đây đội bóng Tỉnh đội QB đã có trận đấu giao hữu mừng khánh thành công trình thể thao lớn nhất tỉnh lúc ấy với đội bóng Quân giải phóng tỉnh Quảng Trị. Lần đầu tiên Quảng Bình có một sân bóng đá “hiện đại”, về kích thước khá đúng chuẩn, có bậc cho khán giả ngồi tất nhiên bằng đất, còn mặt sân chưa có cỏ chỉ mới là đất nện... Thế nhưng trận đấu vẫn diễn ra với chất lượng chuyên môn khá cao, làm nức lòng người hâm mộ... Đến 10-1975, đội bóng được giải thể  sau 18 năm tồn tại, một số anh ra đội bóng Quân khu 4 như Hương, Phúc, Tính... , một số về các đơn vị chiến đấu, một số ra quân.

40 năm đã trôi qua, những người lính đá bóng ấy đã về già, nhưng kỷ niệm về những năm tháng đầy cống hiến ấy không bao giờ nhạt phai. Hàng năm vào dịp 19-5 họ lại gặp nhau để ôn lại những tháng ngày sôi động đã để lại dấu ấn một chặng đường cho các thế hệ hôm nay phải ngoái nhìn và ngưỡng mộ.

V.H