.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Chuyện của mẹ

Thứ Sáu, 19/12/2014, 16:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Còn nhớ cách đây tròn 4 năm, tôi đã có một chuyến đi nhiều cảm xúc đến thăm những mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) để nghe họ kể câu chuyện đời đẫm nước mắt nhưng cũng rất đỗi tự hào. Và tháng 10 vừa qua, khi Chủ tịch nước có quyết định phong tặng đợt 1 cho 17 mẹ VNAH ở Quảng Bình, tôi lại tìm về những người mẹ ấy, viết tiếp câu chuyện về những người mẹ anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng.

>> Tướng Hoàng Sâm-Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

>> Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

>> Xã luận: Nối tiếp trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới

Ở tuổi 103, mẹ VNAH Nguyễn Thị Gìn đang được sống trong sự quan tâm, chăm sóc tận tình của con cháu.
Ở tuổi 103, mẹ VNAH Nguyễn Thị Gìn đang được sống trong sự quan tâm, chăm sóc tận tình của con cháu.

“Vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang”

17 mẹ VNAH Quảng Bình vừa được phong tặng đều đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Mẹ ít tuổi nhất cũng đã gần 90. Đối với các mẹ, ký ức nhập nhằng giữa cõi quên và cõi nhớ, chỉ còn là những chuỗi chắp nối và mờ nhạt, vậy mà nỗi đau quá khứ như vẫn còn lắng lại trong những đôi mắt đã mờ đục vì thời gian.

Ngày các mẹ tiễn chồng, con lên đường ra chiến trận, nơi mà sự sống và cái chết gần kề bên nhau, là đã chấp nhận hy sinh và mất mát. Thế nhưng, nỗi đau mất đi người thân thì mãi mãi không gì bù đắp được. Nỗi đau ấy cứ đeo đẳng, ám ảnh mãi cho đến ngày hôm nay.

Chúng tôi đến thăm mẹ VNAH Nguyễn Thị Gia (92 tuổi, Dương Thủy, Lệ Thủy) lúc trời đã xế chiều. Dáng mẹ hao gầy, làn da nhăn nheo, một bên đôi mắt đã bị mù hoàn toàn, hình ảnh đó cứ làm lòng chúng tôi trĩu nặng mỗi khi nghĩ về mẹ. Tưởng chừng tuổi già đã làm héo hắt đi một tấm thân gầy, làm mờ nhạt đi những gì thuộc về quá vãng, vậy mà người mẹ ấy vẫn đau đáu một nỗi nhớ khôn nguôi về người chồng và đứa con trai đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.

Cái ngày cách đây tròn 65 năm, khi mẹ hay tin chồng đã bị giặc giết sau 1 tháng 8 ngày bị giam cầm, người vợ trẻ ấy đã đi bộ lên đồn Thượng Lâm để tìm xác chồng. Đến hôm nay, hình ảnh thân xác ông đã không còn nguyên vẹn cứ ám ảnh mẹ trong những đêm thức trắng. Nỗi đau càng nhức nhối khi 17 năm sau, mẹ lại nhận được tin đứa con trai đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.

Năm tháng trôi đi, vết thương vẫn đau đớn như mới ngày hôm qua. Người con gái của mẹ cho hay, cứ mỗi buổi chiều về, mẹ lại đi ra đầu làng chờ dáng anh. Hễ cứ nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa của anh ngày trước, mẹ lại khóc. Nước mắt không ngừng chảy suốt mấy chục năm qua đã làm cho một bên mắt của mẹ bị mù hoàn toàn. “Nếu hắn còn sống, thì chừ cũng gần 60 tuổi rồi, con cháu chắc cũng đông đủ lắm rồi”, vừa thắp hương lên ban thờ của con, mẹ VNAH Nguyễn Thị Gia vừa nghẹn ngào.

Toàn tỉnh hiện có 13.603 liệt sỹ nhưng không ít trong số họ vẫn còn nằm lại đâu đó trong những cánh rừng già hay trong những mộ chí vô danh và cũng chừng ấy người mẹ mãi mãi mang nặng nỗi đau khi chưa một lần tìm thấy hài cốt của con. Trong số những mẹ VNAH chúng tôi đã được gặp, cũng không ít mẹ vẫn mang trong lòng nỗi niềm canh cánh ấy. Và nỗi đau vì thế càng nhân lên, dai dẳng, ám ảnh khôn nguôi. Thời gian vô tình đến tàn nhẫn mà tuổi già như “ngọn đèn trước gió”, chỉ mong sao ở cuối con đường đời, các mẹ được thoả lòng ước nguyện.

Những người mẹ anh hùng

Vùng biển Hải Thành là mảnh đất kiên trung qua bao cuộc chiến chinh. Bên chân sóng, bao người con của mảnh đất ấy tựa như “ngọc trong cát”, kiên trung bám biển, giữ làng. Và người mẹ ấy, vượt qua bao đau thương khi chồng con hy sinh, vẫn một lòng đi theo cách mạng, phục vụ kháng chiến. Mẹ là Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cúc, ở Hải Thành, Đồng Hới. Cái tuổi 91 đã khiến cho sức khỏe mẹ rệu rã đi nhiều, mọi sự đi lại đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của con cháu nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn lắm.

Mẹ kể rằng, năm mẹ 25 tuổi thì chồng hy sinh không tìm được xác. Gần 20 năm sau, con gái mẹ là nữ dân quân địa phương Trần Thị Nồng, lúc bấy giờ là vợ sắp cưới của anh hùng Trương Pháp cũng hy sinh trong một đợt ném bom oanh tạc của không quân Mỹ.

Trong những ngày cả gia đình sơ tán lên Nghĩa Ninh, nén chặt nỗi đau vào trong, mẹ tham gia vận chuyển gạo cho bộ đội, rồi nhiều năm liền nấu ăn cho dân quân. Bao năm chiến tranh ác liệt, người mẹ ấy vẫn không quản ngại vất vả, mặc bom rơi, đạn nổ, vẫn một lòng phục vụ cách mạng. Năm 1970, trở về từ khu sơ tán, mẹ lại tiếp tục tham gia vào HTX chế biến hải sản Hải Thành, cùng bao người dân vùng cát vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Với những đóng góp của mẹ trong những năm kháng chiến, năm 1999, Chủ tịch nước đã trao tặng cho mẹ Nguyễn Thị Cúc Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Nhớ lại những ngày đã qua, đôi mắt mờ đục vì thời gian và tuổi tác của mẹ cứ ngân ngấn nước: “Lúc nớ, cũng buồn đau lắm nhưng mà vẫn phải nén lại mà sống tiếp và phục vụ cách mạng thôi. Ai trong hoàn cảnh mệ thì cũng sẽ mần in rứa”.

Mẹ Nguyễn Thị Gìn (Quảng Xá, Tân Ninh, Quảng Ninh) là Mẹ VNAH lớn tuổi nhất được phong tặng vào tháng 10 vừa qua. Gặp mẹ, chúng tôi ngạc nhiên bởi sự minh mẫn hiếm có ở một con người đã bước vào tuổi 103. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Xá giàu truyền thống cách mạng, đến năm 34 tuổi thì chồng hy sinh trong một trận càn của giặc Pháp, người mẹ ấy một mình nuôi năm người con khôn lớn.

Những người con của mẹ lớn lên, người đi học, người vào quân ngũ. Một ngày mùa thu năm 1973, mẹ nhận được tin người con trai đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Một mình mẹ trong căn nhà đất xác xơ, nhận được tin sét đánh mà đớn đau khôn tả. Và cái ngày mùa thu nghiệt ngã ấy sẽ là ký ức ám ảnh mẹ đến suốt cuộc đời.

Vậy mà gạt nước mắt vào trong, mẹ vẫn một lòng đi theo cách mạng. Những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, như bao người con Quảng Xá kiên trung trong chiến đấu, mẹ vừa dệt vải, vất vả nuôi con, vừa tham gia kháng chiến. Căn nhà của mẹ trở thành căn cứ nuôi giấu bao thế hệ chiến sỹ sống và chiến đấu trên mảnh đất Quảng Xá anh hùng.

Lễ phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng đợt I, tháng 10-2014.
Lễ phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng đợt I, tháng 10-2014.

Nhiều lắm những bà mẹ trên mảnh đất lửa Quảng Bình này đã phải chịu bao nỗi đau mất mát nhưng cũng chính các mẹ lại trở thành tấm gương của lòng yêu nước, kiên trung với cách mạng. Đó là mẹ VNAH Lê Thị Nính (Lương Ninh, Quảng Ninh), mẹ VNAH Đặng Thị Chấn (Đức Ninh, Đồng Hới), mẹ VNAH Lê Thị Rè (Liên Thủy, Lệ Thủy), mẹ VNAH Đỗ Thị Điểm (Hưng Trạch, Bố Trạch)... Đặt nỗi thù chung lên nỗi đau riêng, những người mẹ anh hùng ấy vẫn một lòng đi theo cách mạng, bởi tựa câu nói như có lửa của mẹ VNAH Lê Thị Rè: “Có nỗi đau mô hơn nỗi đau mất nước?”.

“Mẹ không cô đơn”

Dẫu rằng, có những “vết thương khi trở gió lại đau nhức nhối” và còn đó những người mẹ vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chưa một lần được thắp nén hương lên phần mộ của con nhưng ở cuối con đường đời, những người mẹ ấy vẫn được an ủi bởi tình yêu thương của những người đang sống. Được gặp các mẹ, được nắm lấy những đôi bàn tay đã loang lổ vết đồi mồi, nghe những câu chuyện đời đẫm nỗi đau mất mát nhưng lòng chúng tôi vẫn thấy ấm áp bởi chính cuộc sống của các mẹ hôm nay.

Trong căn nhà khang trang nơi vùng cát Hải Thành rì rào sóng vỗ, mẹ VNAH Nguyễn Thị Cúc đang được chăm sóc chu đáo bởi ba người con trai đã quá lục tuần. Nhìn những mái đầu cũng đã bạc đầu quá nửa tận tình trò chuyện, xoa bóp tay chân cho người mẹ già xấp xỉ trăm tuổi, người viết chợt thấy lòng nghẹn ngào.

Ông Trần Thanh Khôi, người con trai út của mẹ chia sẻ: “Gần chục năm ni, mệ không thể đi lại được, sức khỏe cũng giảm sút đi nhiều. May là anh em tui đều đã về hưu cả nên có nhiều thời gian để thay nhau chăm sóc chu đáo cho mệ”. Hay như lời chia sẻ của mẹ VNAH Nguyễn Thị Gia (Dương Thủy, Lệ Thủy) thì “Phúc cuối đời của mệ là được con cháu quan tâm tận tình. Mệ hay đau ốm, nhưng nhờ những đứa cháu lo lắng thuốc thang thường xuyên nên mệ mới có thể sống được đến ngày hôm ni”.

Vượt qua mọi nỗi đau, mẹ Nguyễn Thị Gìn (Tân Ninh, Quảng Ninh) giờ đang sống vui vẻ trong tình yêu thương và sự thành đạt của con cháu. Ở tuổi 103, mẹ có đến 14 cháu nội, ngoại, 8 chắt, 4 chiu. Những khi hay tin mẹ ngã bệnh, con cháu lại tập trung đông đủ, thay nhau chăm sóc mẹ. Trong căn nhà có đến 5 thế hệ ấy luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ.

“Cứ thấy cháu chắt về đông đủ là mệ vui lắm nên mệ không khi mô cô đơn cả”, ông Trần Đình Quốc, con út của mẹ cười mãn nguyện. Và những câu chuyện về mẹ, về những tháng ngày mẹ nuôi giấu cán bộ hay gương hy sinh anh dũng của các anh, chính là bài học lịch sử ý nghĩa nhất cho bao thế hệ con cháu lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ấy.

Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã có 473 mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và còn trên 400 hồ sơ của các bà mẹ đề nghị xét phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những người mẹ ấy đã nếm trải đủ mọi tủi đau và mất mát, đã đi gần hết con đường số phận, nhưng tôi vẫn tin rằng những gì các mẹ đã cống hiến, đã hy sinh sẽ là hơi ấm mãi lan tỏa trong lòng của bao thế hệ. Lịch sử sẽ hát mãi những bài ca bất tử, bài ca về những người mẹ anh hùng đã sản sinh ra những người con anh hùng.

Diệu Hương