.

Ghi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội

Thứ Ba, 09/12/2014, 13:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn, song cán bộ, nhân viên Trung tâm động viên nhau để cố gắng đã vượt qua. Nhiều cháu đã được ăn học trưởng thành, lập thân, lập nghiệp, có cuộc sống gia đình ổn định. Đối với các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, chúng tôi đã chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương”.

Mái nhà chung

Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình được thành lập từ năm 1995 với mục đích tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho các đối tượng là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người già cô đơn, người có công với cách mạng không có ai phụng dưỡng...

Ngày mới thành lập, Trung tâm chỉ có 8 cán bộ, nhân viên chăm sóc cho 15 đối tượng. Trải qua thời gian, Trung tâm đã từng ngày phát triển và trở thành mái nhà chung cho 66 đối tượng có số phận éo le. Cháu Trần Đại Thắng là một trong những trường hợp nêu trên. Chị Trần Thị Nguyệt, cán bộ của Trung tâm kể lại: “Khoảng 12 giờ đêm, ngoài trời rét buốt. Tôi đang trực thì nghe tiếng trẻ khóc, bước ra thấy 1 đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài cổng. Tôi bế đứa trẻ vào phòng giữ ấm cho cháu rồi gọi lãnh đạo Trung tâm cùng công an đến giải quyết”. Giờ Thắng đã gần 1 tuổi, nét mặt khôi ngô tuấn tú, bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên.
Cháu Phan Thị Kim Oanh bộc bạch: “Từ ngày vào Trung tâm cháu mới được ăn no, được đi học, được vui chơi với bạn bè cùng cảnh ngộ”. Năm nay Oanh 10 tuổi. Cháu mất cả cha và mẹ nên phải sống lang thang cơ nhỡ. May cho em được một người quen đưa vào Trung tâm gửi gắm. Ngày mới vào, Oanh rất nhút nhát, gầy ốm và đen nhẻm. Nay em có quần áo mới, được đi học, vui chơi.

Bà Võ Thị Nghiêm (83 tuổi) ở xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, thuộc đối tượng người già cô đơn không nơi nương tựa. Trước đây còn sức khỏe, bà làm nghề buôn bán cũng tự nuôi sống được bản thân. Nhưng giờ tuổi cao, sức yếu, mắt mờ nên bà xin vào Trung tâm để dưỡng già. Bà nói: “Vào đây sống tôi rất yên tâm. Được trò chuyện với các cụ cùng cảnh ngộ nên bao buồn phiền, lo âu đều tan biến. Khi rảnh rỗi thì giúp các cô nhặt rau, rửa bát cho khuây khỏa. Nếu được, tôi sẽ ở lại đây cho hết đời”...

Trung tâm đã trở thành nơi hội tụ của hàng chục cụ già không nơi nương tựa.
Trung tâm đã trở thành nơi hội tụ của hàng chục cụ già không nơi nương tựa.

Lặng lẽ nuôi “người thân”

Hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Bình có tất cả 29 cán bộ, nhân viên được đào tạo cơ bản, có tâm huyết với công việc. Ngoài chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng xã hội và người có công, Trung tâm còn là địa chỉ chia sẻ, kết nối và hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong Đề án 32 của Chính phủ (hoạt động dịch vụ công tác xã hội).  Trong số 66 đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm có 18 cụ già không nơi nương tựa, có 7 trung niên bị tàn tật, 29 cháu mồ côi... Khi vào Trung tâm, các đối tượng được cán bộ, nhân viên nơi đây quan tâm như người thân của mình.

Cũng như chị Nguyệt, chị Hòa vào làm việc cách đây 2 năm. Nhà chị ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Từ khi nhận công tác ở đây, chị gần như không còn thời gian để chăm sóc cho gia đình. Chị tâm sự: “Cũng may gia đình chồng hiểu và thông cảm nên tôi cũng yên tâm làm việc. Bởi tôi biết rằng, các đối tượng ở đây đã chịu thiệt thòi quá nhiều và họ đang cần sự yêu thương, chăm sóc của chúng tôi. Và hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy các cụ khỏe mạnh, các cháu học hành chăm chỉ, tiến bộ”. Cháu Nguyễn Hữu Danh nói: “Ở đây, cháu được các mẹ cho ăn no, mẹ còn dạy cháu học, cho cháu tắm nữa”. Danh thuộc đối tượng con mồ côi, kém trí nhớ... Vì vậy, nhân viên ở đây đã dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ nên cháu nhanh chóng tiến bộ và trở thành một học sinh khá...

Ở Trung tâm, cán bộ, nhân viên và nhân viên phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Nhưng vất vả nhất là việc chăm sóc cho những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mắc các bệnh ngoài da, sốt, có cháu bị nhiễm HIV. Sự tâm huyết, nhiệt tình của cán bộ đã góp phần giúp Trung tâm tiếp nhận, nuôi dưỡng cho 320 mảnh đời bất hạnh. Trong đó có 110 đối tượng đã trưởng thành hòa nhập với cộng đồng; 101 cháu tìm được gia đình thay thế; tổ chức mai táng cho 17 cụ già. Các cháu ở Trung tâm học hành ngày càng tiến bộ, năm học 2013-2014, số học sinh giỏi chiếm 26%, không có học sinh yếu kém...

Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn, song cán bộ, nhân viên Trung tâm động viên nhau để cố gắng đã vượt qua. Nhiều cháu đã được ăn học trưởng thành, lập thân, lập nghiệp, có cuộc sống gia đình ổn định. Đối với các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, chúng tôi đã chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương”.

Xuân Vương