.
Chuyện quản lý:

Đối phó với biến đổi khí hậu

Thứ Ba, 09/12/2014, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành nguy cơ làm ảnh hưởng đến sinh kế và đảo lộn mọi dự tính, dự báo xưa nay.

Trong dân gian, ai cũng từng biết những bài học kinh nghiệm về thời tiết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như: Mỗi khi hoa lau nở là bắt đầu thời điểm mưa thuận gió hòa, không lo bão lũ và người dân có thể yên tâm xuống đồng gieo cấy mùa vụ mới, ngư dân vững tin ra khơi đánh bắt... Vậy mà bây giờ những kinh nghiệm dân gian xưa đã bị phá vỡ bởi biến đổi khí hậu.

Ở tỉnh ta, do đặc điểm địa lý, địa hình nên hiện tượng này cùng với những bất hợp lý trong quy hoạch tổng thể từng vùng miền đã và đang từng ngày, từng giờ âm thầm len lỏi gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Nguồn nước chứa ở hồ An Mã (Lệ Thủy) thấp hơn nhiều so với những năm trước.
Nguồn nước chứa ở hồ An Mã (Lệ Thủy) thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Năm nay, biến đổi khí hậu thể hiện rất rõ, như lượng mưa giảm hẳn nên các hồ đập thủy lợi không tích đủ nước, nguy cơ thiếu nước tưới tiêu cho niên vụ 2014-2015 là điều có thể xảy ra. Như ở hồ thủy lợi An Mã với dung tích 64 triệu m3 nước để tưới cho vựa lúa Lệ Thủy nhưng vào đầu tháng 12-2014 khi chúng tôi đến mục sở thị lượng nước ở đây cũng đang vơi cạn.

Mọi người hẳn còn nhớ, một vài năm trở lại đây ở vùng gò đồi xã Thuận Đức đã bắt đầu làm quen với lũ lụt, điều mà trước đây người dân không bao giờ nghĩ tới. Tiếp đó là vùng Bắc Lý và một số nơi trên địa bàn thành phố Đồng Hới, nước bắt đầu “hỏi thăm” gây nên hiện tượng ngập cục bộ.

Với vị trí gần cửa biển và sông Nhật Lệ cùng với một số kênh mương tạo thành hệ thống thoát nước tự nhiên rất hiệu quả nên người dân Đồng Hới ít ai nghĩ rằng có lúc phải chống chọi với nước lụt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, là do Đồng Hới đang phải đối mặt với hiện tượng nước biển dâng, trong khi ruộng đồng, ao hồ đang dần thu hẹp, do vậy vào mùa mưa bão nước từ các con sông đổ về không thoát ra biển đã thẩm thấu ngược trở lại vào đất liền gây ra ngập lụt.

Qua những hiện tượng bất thường của thời tiết từ trước đến nay nên nguy cơ thiệt hại về người và tài sản do các hiểm họa thiên nhiên gây ra là rất cao đối với tỉnh ta. Từ thực tế trên, việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thông qua nâng cao năng lực dự báo thời tiết, xây dựng hệ thống cảnh bảo sớm, kỹ năng phòng chống và kế hoạch quản lý đồng bộ... là những việc làm hết sức cấp thiết để góp phần giảm thiểu tổn thương cho người dân.

Trần Minh Văn