.

Chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được nâng cao

Thứ Năm, 11/12/2014, 14:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2014, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân lại gia tăng. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình bên lề kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI về lĩnh vực này, đồng chí Lê Minh Tuyên, Tỉnh uỷ viên, Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh cho biết như sau:

>> Ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh họp phiên thảo luận

Năm 2014, các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh ta đã tiếp 1.254 lượt công dân, tăng 238 lượt so với năm 2013. Có 16 đoàn đông người, trong đó đến trụ sở UBND huyện Bố Trạch có 2 đoàn, UBND huyện Quảng Ninh 5 đoàn, tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh có 9 đoàn. Đặc biệt có 1 đoàn đông người ra Trung ương.

Cùng với đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã nhận 1.113 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tăng 385 lượt đơn so với năm 2013. Qua xử lý, phân loại có 221 vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan hành chính, tăng 36 vụ so với năm 2013 (trong đó khiếu nại tăng 29 vụ, tố cáo 7 vụ). Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng đột biến có nhiều nguyên nhân, nhất là do việc thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, ô nhiễm môi trường do một số nhà máy xi măng...

Nội dung khiếu nại tập trung vào lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư chiếm 76,5%; chế độ, chính sách xã hội 10,5%; quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5,4%; môi trường 5,8% và khiếu nại khác 2,8%. Nội dung tố cáo tập trung vào các lĩnh vực vi phạm luật đất đai 45,7%; vi phạm chính sách xã hội 29,2%; làm sai nguyên  tắc  quản lý  kinh tế 10,7%;  tham nhũng 7,1%  và một số tố cáo khác 7,3%.  Đối tượng bị tố cáo nhiều nhất là lãnh đạo cấp xã chiếm 29,3%, cán bộ nghiệp vụ chiếm 18,8%, trưởng, phó phòng cấp huyện chiếm 14,6%...

Trong năm, tuy khiếu nại, tố cáo của công dân tăng, nhưng nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp ủng hộ của các cấp, ngành và sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nên kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ cao.

Tính đến ngày 30-11-2014, các ngành, cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đã giải quyết được 207/221 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 93,66% (trong đó,  khiếu nại 153/164  vụ, đạt 93,2%; tố cáo 54/57 vụ, đạt 94.7%). Qua giải quyết cho thấy, khiếu nại đúng chiếm 28,2%, khiếu nại sai chiếm 48,6%, khiếu nại có đúng, có sai chiếm 23,2%. Tố cáo đúng chiếm 11,3%, tố cáo sai chiếm 68%, tố cáo có đúng, có sai chiếm 20,7%. Hiện còn 14 vụ (khiếu nại 11 vụ, tố cáo 3 vụ) đang được các cấp, ngành tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2014.

Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, thẳng thắn mà nói thì công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đang còn một số khuyết điểm, hạn chế cần sớm có biện pháp, giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời trong thời gian tới. Cụ thể như: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và sâu rộng.

Vì vậy, còn nhiều công dân chưa  nắm được  các quy định của pháp luật, nhận thức chưa đầy đủ về các quy định của pháp luật hoặc chưa hiểu đúng quy trình, thủ tục trong gửi đơn khiếu nại, tố cáo, dẫn đến việc gửi đơn đến nhiều cấp, ngành, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết  và đây là nguyên nhân của việc chuyển đơn vòng vo, vượt cấp.

Một số công dân chây ỳ, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng dân chủ hoặc do lợi ích cá nhân nên người khiếu nại, tố cáo vẫn cố tình đeo bám các cơ quan nhà nước để tái khiếu, tái tố, khiếu kiện hành chính, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Cá biệt đã có không ít công dân còn kích động, lôi kéo gây ra khiếu kiện đông người, vượt cấp. Vẫn còn một số đơn vị, địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm và  chưa quyết liệt trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh hoặc sợ trách nhiệm dẫn đến tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài, chậm được giải quyết, gây bức xúc cho người dân. Một số địa phương, đơn vị giải quyết chưa đúng quy định, quy trình, thủ tục dẫn đến ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng luật và chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, nhiều vụ việc chưa tổ chức đối thoại với công dân theo quy định dẫn tới kết quả giải quyết chưa khách quan, chính xác. Việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại còn chậm và thiếu triệt để, do đó quyền lợi hợp pháp, chính đáng của một số người khiếu nại chưa được giải quyết kịp thời.

Sự vào cuộc của một số tổ chức, đoàn thể... nhất là ở cơ sở trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa mạnh mẽ và hầu như đang giao phó cho các cơ quan hành chính nhà nước. Sự phối hợp của các cơ quan, địa phương trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, đồng bộ. Đội ngũ cán bộ tham mưu làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cơ sở còn thiếu về số lượng và một số yếu về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm. Cơ sở vật chất, phương tiện và điều kiện phục vụ cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu của công việc...

Từ thực tiễn nói trên đòi hỏi cần chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là về lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, đoàn thể trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm cho đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện phục vụ cho công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo...   

Đ.T (thực hiện)