.

Về Thái Thủy xem "lâm tặc" trả nợ rừng

Thứ Sáu, 14/11/2014, 18:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, trước đây quanh năm suốt tháng người dân sống chỉ biết dựa vào việc khai thác gỗ lậu. Điều đáng nói, khi nhiều cánh rừng nguyên sinh, nhiều loại gỗ quý hiếm bị chặt hạ nhưng người dân vẫn quẩn quanh trong đói nghèo. Từ chuyện cả làng làm "lâm tặc", mấy năm trở lại đây người dân Thái Thủy quay sang trồng rừng. Nhà ít vài ha, nhiều nhà trong làng trồng trên 50 ha rừng. Từ đói nghèo, người dân nơi đây đã đổi đời khấm khá hơn. Cách làm ở Thái Thủy cần được nhân rộng đến nhiều địa phương khác.

“Lâm tặc là tụi tui đây chớ ai”

Chúng tôi tìm đến Thái Thủy khi trời đã đổ bóng, loanh quanh trong làng để tìm tư liệu viết bài. Cùng anh cán bộ Đoàn xã, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Văn Trạng, người từng được coi là lâm tặc khét tiếng nhất vùng miền tây huyện Lệ Thủy. Gặp chúng tôi, Trạng cười khà khà “Lâm tặc là tui đây chớ ai, trồng nhiều rừng cũng là tui đây chớ ai”.

Người vạm vỡ như cây rừng, Trạng kể về quá khứ làm lâm tặc đầy màu sắc cuộc sống núi rừng. Cách đây độ dăm năm, rất nhiều người dân Thái Thủy làm "lâm tặc". Thậm chí một số cán bộ xã cũng vào rừng đốn gỗ để bán. Vùng đất mở mắt ra đã thấy núi, không ruộng đồng canh tác, không sẵn đất chăn nuôi nên người dân chỉ biết bám vào rừng. Trạng và thanh niên làng thường mang theo gạo, cưa, rìu, đục vào rừng đốn gỗ hàng chục ngày trời, rồi bán cho các trùm gỗ lậu mang về xuôi. Rừng bị phá chỉ làm giàu cho các trùm gỗ, còn cuộc sống người dân Thái Thủy vẫn quẩn quanh trong đói nghèo. Trong rừng vì tranh nhau gỗ, không ít toán "lâm tặc" đã dùng gậy gộc, dao búa thanh toán nhau. Có nhiều người gặp sốt rét chết giữa rừng già.

Anh Trần Văn Trạng kể về chuyện ngày xưa làm “lâm tặc” và ngày nay trồng rừng với phóng viên.
Anh Trần Văn Trạng kể về chuyện ngày xưa làm “lâm tặc” và ngày nay trồng rừng với phóng viên.

Là đại ca "lâm tặc" khét tiếng, nhưng mỗi lần vào rừng Trần Văn Trạng vẫn luôn cảm thấy bất an, bởi Trạng cũng có thể bị các nhóm khác thanh toán bất cứ lúc nào. “Ăn của rừng xanh nước mắt”, Trạng nghĩ vậy. Trong một lần hiếm hoi ngồi xem ti vi nói về việc trồng rừng cho lợi nhuận cao. Trạng bật dậy, họ trồng được mình trồng được. Ngày vợ chồng Trạng tiến hành khai hoang trồng rừng, nhiều người làng bảo thằng Trạng điên rồi. Tay đào đất đá đến xạc cả máu, nhưng Trạng và vợ không nản chí. Từ tờ mờ sáng đến tối mịt anh vẫn quăng quật với cây trồng. Chỉ sau 5 năm năm, mồ hôi nước mắt đã không phụ công anh, 10 ha rừng keo, bạch đàn của anh cho thu hoạch với giá cao. Tiếp tục khai hoang, đến nay Trần Văn Trạng đã trồng được gần 40 ha rừng...

Rời nhà anh Trần Văn Trạng, chúng tôi tìm đến một “lâm tặc” khác là anh Phan Văn Tuấn. Cũng như Trạng, Tuấn được xem là người bỏ con đường "lâm tặc" đầu tiên của Thái Thủy để trồng rừng. Từ đồng vốn ít ỏi ban đầu, đến nay  Phan Văn Tuấn đã trồng được gần 50 ha rừng, nuôi 4 đứa con ăn học, cháu đầu đã vào đại học. Khi nói đến việc trồng rừng, anh Tuấn hồ hởi “đất quê mình nhiều, lúc trước do nhác và không nghĩ ra cách làm nên cứ vô rừng phá, cây chặt mãi cũng hết, đói nghèo lại hoàn đói nghèo. Giờ trồng rừng, cứ 5 năm năm thu hoạch một lần cho hàng trăm triệu đồng, rừng lại không bị phá nữa. Từ làm "lâm tặc" giờ chúng tôi quay sang trồng hàng chục ha rừng, vừa làm giàu vừa trả lại nợ cho rừng vậy”.

Hàng ngàn ha rừng đã được trồng chỉ trong vòng 3 năm

Thái Thủy đã phủ màu xanh bởi hàng nghìn ha rừng trồng
Thái Thủy đã phủ màu xanh bởi hàng nghìn ha rừng trồng

Những ngày về Thái Thủy, chúng tôi được biết, kỷ lục về phá rừng và trồng rừng có lẽ không nơi nào so được với vùng đất này. Cách đây độ mươi năm, mỗi năm “lâm tặc” là người vùng này có thể triệt hạ nhiều ha rừng. Nhưng từ khi có chủ trương trồng rừng, làm giàu từ rừng, chỉ trong vòng 3 năm (từ 2008-2011), người dân Thái Thủy đã trồng được 3.145ha rừng. Với 1.104 hộ dân trên địa bàn, trung bình mỗi năm một hộ dân nơi đây trồng được hơn 3 ha rừng. Hiện có nhiều hộ đã trồng trên 50ha rừng, như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Đồng, Lê Văn Thế, Võ Văn Xướng...

Nhờ trồng rừng, người dân Thái Thủy đã chăm lo cho con cái đến trường, xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang. Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Thủy khẳng định: “Từ một xã miền núi nghèo khó, hầu như hàng năm người dân không đủ cơm ăn, đến nay nhờ trồng rừng nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ rừng, một số hộ mua được xe ô tô, xe cơ giới để phục vụ công tác trồng rừng”. Ông Dũng cho biết thêm, việc cả làng làm lâm tặc rồi chuyển qua trồng rừng có công lớn của lực lượng Kiểm lâm. Trước đây, người dân đi phá rừng nhiều, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã cắt cử kiểm lâm viên xuống ở tận từng thôn, xóm phân tích, động viên, rồi chỉ cho cách trồng rừng đưa lại hiệu quả kinh tế. Giờ nhân dân trồng rừng nhiều, lực lượng Kiểm lâm lại phối hợp với nhân dân trên địa bàn để vừa bảo vệ rừng, vừa chống cháy cho rừng trồng.

Từ một làng quê nghèo đói đến nay nhờ trồng rừng, thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy có nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Từ một làng quê nghèo đói đến nay nhờ trồng rừng, thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy có nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Ông Lê Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng:  Trong thời gian qua, ở một số tỉnh, thành ở miền Trung liên tục xảy ra việc "lâm tặc" đánh trọng thương kiểm lâm, và rừng liên tục xảy ra cháy, nhưng ở Lệ Thủy không hề xảy ra những việc này. Để đạt được hiệu quả đó, tôi nghĩ địa phương đã tìm ra được hướng đi riêng, lực lượng Kiểm lâm đã sâu sát với địa bàn, gắn bó với người dân vùng rừng, cùng phối hợp với các cấp chính quyền giúp đỡ người dân chuyển đổi phát triển kinh tế, những người bỏ phá rừng quay sang trồng rừng làm giàu chính đáng. Bài học về việc từ bỏ phá rừng quay sang trồng rừng để làm giàu ở Thái Thủy, Lệ Thủy trở thành mô hình cần được nhân rộng.

Dương Sông Lam