.

Tăng cường thực thi pháp luật tạo môi trường hoạt động báo chí lành mạnh

Thứ Tư, 12/11/2014, 10:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 8 cơ quan báo chí địa phương, 2 cơ quan đại diện, 15 cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành và báo địa phương khác cử phóng viên thường trú và 6 cơ quan báo chí đăng ký phóng viên, cộng tác viên theo dõi, phản ánh tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh hoạ (internet)
Ảnh minh hoạ (internet)

Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình đã tích cực triển khai, hướng dẫn thực hiện Luật Báo chí và các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước về báo chí; tham mưu cho cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý nhà nước về hoạt động báo chí tại địa phương, tạo hành lang pháp lý cơ bản và điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng, bình đẳng, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Bên cạnh triển khai các văn bản, trong năm 2014, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí cho các đối tượng hoạt động liên quan đến báo chí, trong đó có 2 lớp tập huấn kỹ năng ứng xử với truyền thông; 8 lớp tập huấn nghiệp vụ phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí; 2 lớp tập huấn nghiệp vụ truyên truyền về biển đảo; 1 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về báo chí cho phóng viên các cơ quan báo chí, phóng viên thường trú. Sở tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quyết định 23/2013 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 26-4-2013 về tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Sở cũng đã tổ chức tập huấn các văn bản này đến tận người phát ngôn từ xã, phường, huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành, các doanh nghiệp. Hiện tại 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã cử người phát ngôn đủ tiêu chuẩn để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Sở cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo tổ chức họp báo định kỳ hàng tháng, họp báo và gặp mặt báo chí Trung ương 3 tháng một lần để đánh giá, nhận xét và bàn biện pháp phối hợp quản lý cơ quan đại diện, phóng viên thường trú. Nhìn chung, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí và các quy định hiện hành của Nhà nước về báo chí. Cơ quan đại diện, phóng viên thường trú đã phát huy tác dụng là cầu nối trong việc thu thập và cung cấp thông tin về các địa phương, cơ sở.

Tuy vậy, trong thời gian qua, hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần kịp thời khắc phục. Một số phóng viên, nhà báo không tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật; một số văn phòng đại diện của cơ quan báo chí bố trí phóng viên không đủ tiêu chuẩn quy định để hoạt động báo chí; phóng viên hoạt động thu thập và đăng tải thông tin về địa phương không đúng sự thật, không đúng thời điểm, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả tuyên truyền của báo chí, gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền địa phương.

Các phóng viên thường trú chưa tập trung tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các chương trình mục tiêu quốc gia...; trong khi quá nhiều bài viết tập trung vào mảng khai thác điều tra, xử lý tiêu cực... Một số phóng viên thường trú không hoạt động tại tỉnh, không tham gia hội họp, gặp mặt, giao ban, chưa tập trung tuyên truyền các sự kiện, hoạt động của tỉnh. Ngoài ra, còn có các phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí hoạt động trên địa tỉnh không đăng ký với cơ quan chức năng. Một số trường hợp sử dụng các giấy tờ không đúng quy định pháp lý để hoạt động báo chí gây bức xúc ở cơ sở, hoặc sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí không đúng quy định để tác nghiệp.

Với quan điểm phát triển phải đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng, tạo môi trường cho hoạt động báo chí phát triển lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, trong thời gian tới, cùng với việc động viên, phát huy những yếu tố tích cực trong hoạt động báo chí, các cơ quan, tổ chức, cơ quan báo chí và nhà báo cần phát huy trách nhiệm, tăng cường thực thi pháp luật về báo chí, bảo đảm các nội dung sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Tăng cường kiểm tra, giám sát báo chí chặt chẽ và linh hoạt. Kiên quyết chống các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để hoạt động thông tin tuyên truyền trái pháp luật, xa rời tôn chỉ, mục đích; tăng cường triển khai, hướng dẫn pháp luật về báo chí; bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin tuyên tuyền; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền có hiệu quả các mặt đời sống xã hội; tăng cường công tác phát ngôn và cung cấp thông tin chính thống cho báo chí.

Đối với các cơ quan báo chí, cơ quan đại diện cần nghiêm túc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy định về quản lý và hoạt động báo chí; cử phóng viên tác nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn chính trị và nghiệp vụ báo chí; khi tác nghiệp tại các hội nghị, hội thảo, lễ tân phải thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an ninh, trật tự của hoạt động lễ tân và nội quy, quy định làm việc chung của cơ quan chủ trì tổ chức hoạt động lễ tân.

Đối với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã được quy định tại Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí để thực hiện các hoạt động liên quan đến báo chí; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 26-4-2013 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn. Khi làm việc với báo chí, cơ quan, đơn vị có quyền yêu cầu phóng viên xuất trình Thẻ Nhà báo. Trường hợp chưa có Thẻ Nhà báo phải có giấy giới thiệu do Tổng Biên tập hoặc Phó Tổng Biên tập ký kèm theo chứng minh nhân dân. Các loại thẻ khác do cơ quan báo chí cấp không có giá trị hành nghề. Nếu phát hiện có dấu hiệu giả mạo, giả danh nhà báo, phóng viên thì phải từ chối làm việc, đồng thời báo ngay cho Công an sở tại phối hợp các ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Để tăng cường hiệu quả quản lý báo chí và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí đòi hỏi sự góp sức của nhiều cấp, nhiều ngành, của các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt chú trọng công tác giám sát và hướng dẫn việc thực thi pháp luật một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm bảo đảm cho các hoạt động báo chí tại địa phương diễn ra đúng pháp luật và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước.

Phạm Minh Hải
  (PGĐ Sở Thông tin-Truyền thông)