.

Lệ Thủy: Khi người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thứ Sáu, 21/11/2014, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Luật quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) có hiệu lực từ ngày 1- 1- 2008 và được triển khai tại tỉnh ta theo Quyết định 41/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 14-9-2008. So với các địa phương khác, huyện Lệ Thủy là một trong những địa bàn thực hiện thành công BHXHTN và BHYT tự nguyện nhân dân.

Đề tài mang tính khả thi cao

Đề tài chuyên ngành do ông Đặng Ngọc Nghinh, Giám đốc BHXH huyện Lệ Thủy chủ trì với nội dung: “Một số giải pháp khai thác BHXHTN nông dân, nông thôn huyện Lệ Thủy” được ấp ủ khi BHXHTN triển khai tại tỉnh ta mà huyện Lệ Thủy được chọn làm điểm, năm 2008. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 2- 2014.
Theo ông Đặng Ngọc Nghinh: Nông dân Lệ Thủy chiếm 75% dân số và lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXHTN theo quy định pháp luật với 33.410 người. Khảo sát liên ngành Lao động- Thương binh và Xã hội-BHXH trên 16.100 hộ nông dân thì có đến 9.300 hộ có nhu cầu tham gia BHXH, trong đó 1.380 đối tượng có nguyện vọng tham gia loại hình bắt buộc. Trong 33.410 nông dân có 7.980 người thuộc diện kinh doanh, sản xuất mang tính chất kinh tế thị trường.

Ban đầu khi triển khai BHXHTN, BHYTTN nhân dân, BHXH huyện Lệ Thủy lựa chọn hai nhóm đối tượng là phụ nữ giữ “tay hòm chìa khóa” và thanh niên, lực lượng lao động năng động. Tuy nhiên kết quả thu được qua hàng năm lại đạt thấp vì phụ nữ mặc dù giữ “tay hòm chìa khóa” nhưng không phải là người quyết định trong gia đình và thanh niên tuy năng động, sáng tạo, số lượng đông đảo... nhưng phần lớn chưa tạo lập gia đình. Nhóm đối tượng được chọn tiếp theo là nông dân, những người luôn có nguyện vọng chính đáng tham gia BHXH để hưởng thụ an sinh xã hội lâu dài. Đề tài “Một số giải pháp khai thác BHXHTN nông dân, nông thôn huyện Lệ Thủy” áp dụng riêng cho huyện Lệ Thủy ngay năm đầu tiên thu hút 91 đối tượng tham gia, năm 2011 tăng lên 328 người, số tiền trên 418 triệu đồng.

Người dân đến đăng ký tham gia BHXHTN tại BHXH huyện Lệ Thủy.
Người dân đến đăng ký tham gia BHXHTN tại BHXH huyện Lệ Thủy.

Khi tham gia BHXHTN người lao động được hưởng thụ hai chế độ hưu trí và tử tuất. Chế độ hưu trí được tính bằng phần trăm tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó mỗi năm đóng BHXHTN thì tính thêm 2% đối với nam, 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Chế độ tử tuất: người lao động tham gia ít nhất 5 năm BHXHTN hoặc đang hưởng lương hưu khi chết, người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung và thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần.

Những kết quả bước đầu

Tính đến cuối tháng 9-2014, BHXH huyện Lệ Thủy là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về bảo đảm tiến độ thu, đạt 74,18% kế hoạch, là đơn vị có số nợ đọng thấp nhất tỉnh với tỷ lệ 1,8%; đạt 100,6% kế hoạch thu BHYT học sinh, sinh viên, huy động 20.340 học sinh tham gia với số tiền 5,9 tỷ đồng, trở thành địa phương có đối tượng tham gia BHXHTN cao nhất tỉnh với 474 người, vượt 28,1% kế hoạch tỉnh giao, tổng số tiền huy động trên 1.375 triệu đồng.

Kết quả triển khai rộng rãi đề tài “Một số giải pháp khai thác BHXHTN nông dân, nông thôn huyện Lệ Thủy” mang lại những kết quả bước đầu rất khả quan khi đối tượng tham gia năm sau cao hơn năm trước. BHXH huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên... Hình thành hệ thống đại lý thu BHXH về tận xã, thị trấn. Giám đốc BHXH cùng UBND các xã Hưng Thủy, Hoa Thủy tổ chức tiếp xúc, tuyên truyền, giải đáp, đối thoại cho trên 250 đối tượng bao gồm cán bộ cốt cán các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong huyện về tính nhân văn của BHXHTN. Đồng thời, mở rộng, tiếp cận các đối tượng cán bộ không chuyên trách, hợp đồng ở UBND xã, thị trấn, trường học, các cơ quan hành chính sự nghiệp; các tổ chức hội xã hội, nghề nghiệp; HTX dịch vụ nông nghiệp, hộ cá thể, hộ tư thương, kinh doanh buôn bán nhỏ...

Về cơ bản BHXHTN có rất nhiều ưu điểm, tính nhân văn, hiệu ứng xã hội cao; mức độ an toàn luôn bảo đảm, không có yếu tố rủi ro. Người tham gia đóng góp trích một phần tài sản của họ, do chính họ làm ra, sau này chính họ làm chủ quyền lợi. Ở góc độ xã hội, kết quả tham gia BHXHTN đánh giá được sự phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.

Ngoài công tác vận động nhân dân trong đó đối tượng xác định ưu tiên là nông dân tham gia BHXHTN, vấn đề huy động BHYTTN nhân dân cũng được BHXH huyện Lệ Thủy áp dụng thành công, huy động trên 74,6% người tham gia. Theo ông Đặng Ngọc Nghinh, với hiệu quả trong việc áp dụng đề tài “Một số giải pháp khai thác BHXHTN nông dân, nông thôn huyện Lệ Thủy” vào thực tiễn, đến năm 2015, toàn huyện Lệ Thủy sẽ có khoảng 3.000 người dân tham gia BHXHTN.

Mặc dù là địa phương thành công nhất trong thực hiện BHXHTN nhưng trong lộ trình hướng đến BHXH, BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, trên 80% dân số tham gia BHYT thì Lệ Thủy vẫn phải tích cực, phấn đấu lâu dài. Vì vậy giải pháp khai thác BHXHTN, BHYT tự nguyện nhân dân cho nông dân huyện Lệ Thủy vẫn là một giải pháp cần kíp, hợp lòng dân, tạo hiệu quả an sinh xã hội cao trong chính sách “tam nông”, ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thanh Long