.
Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (25-11-2009 - 25-11-2014) và chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2014-2019)

Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam

Thứ Ba, 25/11/2014, 08:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây đúng 5 năm, ngày 25-11-2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin tỉnh Quảng Bình chính thức thành lập và đi vào hoạt động thể theo nguyện vọng của nhân dân và nạn nhân phơi nhiễm CĐDC, những người “đau khổ nhất trong những người đau khổ” như lời của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch danh dự Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam nhận định.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm các gia đình NNCĐDC.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm các gia đình NNCĐDC.

Ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam dọc theo đường 14 từ Kon Tum đến Đắc Tô, thảm họa da cam chính thức bắt đầu. Cuộc chiến hóa học chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại do đế quốc Mỹ gây ra tại Việt Nam để lại hậu quả cực kỳ khốc liệt ở thời kỳ hậu chiến đối với nhân dân Việt Nam. Với riêng  Quảng Bình, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 26.796 người bị phơi nhiễm.

Có thể nói rằng, Hội NNCĐDC/dioxin ra đời đã đáp ứng được mong ước, trở thành chỗ dựa tinh thần cho NNCĐDC và thân nhân của họ. Sau khi thành lập, Hội chú trọng chỉ đạo, đôn đốc thành lập các tổ chức cơ sở hội. Đến nay 130/159 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội; thành lập 7 hội huyện, thành phố với 5.771 hội viên. Cùng với phát triển số lượng hội viên, các cấp hội luôn chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tập trung vào công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp nạn nhân vượt qua mặc cảm, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.

Quỹ NNCĐDC với quy mô về tận cấp huyện, là nơi tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội với NNCĐDC. Từ khi thành lập đến nay đã huy động trên 17.992 triệu đồng, trong đó cấp tỉnh hơn 9.160 triệu đồng, cấp huyện, thành phố 8.832 triệu đồng. Các phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” hàng năm đã kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm chăm lo đến cuộc sống của NNCĐDC.

Ngoài ra các tổ chức, cá nhân còn trợ giúp làm 15 căn nhà tình nghĩa trị giá 540 triệu đồng; tặng 14 xe lăn, xe lắc trên 240 triệu đồng; cấp học bổng cho các cháu NNCĐDC vượt khó, học giỏi 90 triệu đồng. Bà Nakasako (quốc tịch Nhật Bản) tặng quà trị giá 130 triệu đồng cho NNCĐDC. Quỹ NNCĐDC tập trung vào những hoạt động trọng tâm như: xây dựng các Trung tâm bán trú; xây, sửa chữa nhà; giúp nạn nhân phát triển kinh tế; khám chữa bệnh, trao học bổng...

Trong điều kiện khó khăn chung trong nhiệm kỳ thứ nhất, Hội NNCĐDC/dioxin vẫn cố gắng huy động các nguồn lực triển khai xây dựng Trung tâm bán trú cho NNCĐDC tại thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Trạch, tổng kinh phí xây dựng trên 6.556 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, các cấp hội cố gắng bảo đảm cho NNCĐDC và gia đình họ có cuộc sống ổn định. Hội cùng các ngành chức năng tiến hành tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giải quyết hồ sơ tồn đọng của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để đề nghị làm chế độ...

Khánh thành Trung tâm bán trú cho NNCĐDC thành phố Đồng Hới.
Khánh thành Trung tâm bán trú cho NNCĐDC thành phố Đồng Hới.

Số liệu khảo sát cho thấy, toàn tỉnh có 26.796 người bị phơi nhiễm NNCĐDC, trong đó trực tiếp tham gia kháng chiến 19.207 người; con của đối tượng tham gia kháng chiến 3.719 người; thế hệ F2 470 người. Các nạn nhân hưởng chế độ, chính sách 5.633 người, trong đó tham gia kháng chiến 3.099 người, gián tiếp 2.554 người.

Bên cạnh việc tham mưu thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, công tác vận động nguồn lực ủng hộ nạn nhân cũng được các cấp hội chú trọng. Trong 5 năm qua đã đầu tư 2.353 triệu đồng xây mới, sửa chữa 51 ngôi nhà; cấp 180 suất học bổng cho học sinh là NNCĐDC; tặng 3.151 suất quà trên 1.904 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất 388 triệu đồng...

Với phương châm: phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì NNCĐDC, trong nhiệm kỳ 2014-2019, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh xác định tiếp tục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chính là chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC  và kiên định đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam; thực hiện tốt Kết luận số 292 ngày 18-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “khắc phục hậu quả chất độc hóa học do chiến tranh gây ra là nhiệm vụ vừa lâu dài, vừa quan trọng, vừa cấp bách”.

Theo đó các cấp hội NNCĐDC/dioxin cần tập trung chỉ đạo xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, kết nạp thêm hội viên mới. Đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Phối hợp với các chương trình khác giúp đỡ NNCĐDC có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với các tổ chức Hội CTĐ, Hội CCB, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi... quan tâm thiết thực đến NNCĐDC và gia đình của họ, bảo đảm cho gia đình NNCĐDC có mức sống ngang bằng với mức sống chung của nhân dân trong tỉnh.

Thanh Long