.

Để người nhiễm HIV được hòa nhập cộng đồng

Thứ Sáu, 28/11/2014, 12:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là một trong những nội dung được tỉnh ta hết sức chú trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động như cung cấp dịch vụ y tế thân thiện, tăng cường công tác truyền thông... đã tạo điều kiện cho người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và không ít người đã tự nguyện tham gia vào những hoạt động phòng chống HIV ở các địa phương.

Những năm gần đây, tỉnh ta luôn tăng cường các dịch vụ cần thiết cho công tác phòng chống HIV/AIDS, bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ về tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao. Công tác truyền thông, đặc biệt là các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngành Y tế mà vai trò hoạt nhân là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là nhóm người có hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV cao như người chích ma tuý, người mua, bán dâm.

Sinh viên Trường đại học Quảng Bình hưởng ứng các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS
Sinh viên Trường đại học Quảng Bình hưởng ứng các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS

Nhờ truyền thông một cách đầy đủ, chính xác, giải thích rõ những đường lây truyền và đường không lây truyền HIV mà mọi người đã có kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng tránh bệnh cho bản thân và cộng đồng. Đơn vị cũng hết sức chú trọng đến việc tuyên truyền về những lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, đây là loại thuốc đặc hiệu cho việc ức chế sự nhân lên của vi rút làm cho sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS được cải thiện rõ rệt để có thể tiếp tục lao động, học tập nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị liên quan như Báo Quảng Bình, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, các trường học... trong việc xây dựng những hoạt động tuyên truyền. Nhờ vậy, nhiều tấm gương người nhiễm HIV vượt lên số phận, sống có ích cho cộng đồng xã hội được biểu dương kịp thời, ngày càng nhiều người nhiễm HIV trở thành tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Ngành đã thực hiện có hiệu quả việc giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã, duy trì hệ thống quản lý HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến cơ sở và triển khai thực hiện tốt các chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV tập trung cho 3 nội dung là giáo dục đồng đẳng, cấp phát bơm kim tiêm sạch, phát bao cao su miễn phí cho các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nhiều dịch vụ thân thiện khác được duy trì như tư vấn qua điện thoại, cung cấp bao cao su miễn phí cho các nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm có hoạt động mua, bán dâm; lắp đặt các hộp đựng bơm kim tiêm sạch ở các địa bàn trọng điểm nơi có nhiều đối tượng sử dụng ma  túy và thu gom bơm kim tiêm bẩn để xử lý.... Qua đó, lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS.

Sự nỗ lực đó đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng, ngày càng nhiều người đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để được tư vấn, xét nghiệm HIV. Người nhiễm HIV đã chủ động hợp tác với đơn vị y tế trong nhiều hoạt động như chăm sóc sức khỏe, điều trị ARV, tham gia vào các các tổ, nhóm, câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở. Đặc biệt, thời gian gần đây, số người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ngày càng tăng.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 từ ngày 10-11 đến ngày 10-12-2014, toàn tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Các hoạt động truyền thông được chú trọng bằng nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, lồng ghép trong tư vấn sức khỏe ở các đơn vị y tế... nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng chống HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV.

Ngành Y tế đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động cụ thể thiết thực để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.

Một trong những hoạt động được toàn tỉnh hết sức chú trọng là tăng cường phổ biến các nội dung của Luật Phòng chống HIV; Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ dự phòng trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

P.V