.

Sàn Giao dịch việc làm tỉnh: Cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp

Thứ Ba, 28/10/2014, 16:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Sàn giao dịch việc làm tỉnh trực thuộc Trung tâm giải quyết việc làm tỉnh được thành lập từ năm 2009. Qua 5 năm hoạt động, Sàn giao dịch việc làm tỉnh đã khẳng định được vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có nhu cầu tuyển dụng và người lao động tìm việc làm.

Ông Lê Hồng Cẩm, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Tỉnh ta là một trong số địa phương sớm xây dựng và đưa vào hoạt động loại hình Sàn giao dịch việc làm. Sau 5 năm hoạt động, ước tính có đến hàng vạn lượt người đến giao dịch tại sàn. Riêng 10 tháng đầu năm 2014, đã có hơn 8.000 lượt người. Hàng nghìn lao động đã tìm được việc làm từ đây.

Qua tìm hiểu chúng tôi biết thêm, ngoài việc tư vấn giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, Sàn giao dịch việc làm còn giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Hàng trăm lượt người lao động tỉnh ta tham gia lao động ở Bình Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng... đã được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện, góp phần giải quyết khó khăn trong thời gian họ tìm kiếm việc làm mới.

Hoạt động của sàn tại một phiên giao dịch.
Hoạt động của sàn tại một phiên giao dịch.

Thay cho tâm lý ngại tham gia sàn giao dịch vì chưa hiểu chức năng nhiệm vụ, nay có khá nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động đã quen thuộc với địa chỉ này. Chị Phạm Thị Diệu Huyền, phụ trách nhân sự Công ty cổ phần viễn thông FPT chi nhánh Quảng Bình tâm sự: “Chúng tôi xem việc duy trì hoạt động của sàn giao dịch việc làm là sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh đối với lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Nhờ sàn giao dịch, công ty đã có cơ hội tìm kiếm tuyển dụng được nguồn nhân lực khá tốt. Chỉ riêng thời gian gần đây, để tìm kiếm tuyển dụng lao động, bản thân tôi đã 5 lần tham gia sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Bình”. Chị Huyền còn cho biết thêm, những lao động chị tuyển qua sàn  bảo đảm việc làm và mức thu nhập ổn định. Công việc chủ yếu của những người được tuyển dụng gồm: nhân viên kinh doanh, kế toán. Trình độ chỉ cần trung cấp nhưng yêu cầu giao tiếp tốt, cần cù, chịu khó. Những lao động trúng tuyển sẽ qua một lớp đào tạo kỹ năng nghề để phù hợp với môi trường làm việc mới của công ty.

Cũng tại phiên giao dịch giữa tháng 10-2014, chúng tôi đã có cuộc gặp với anh Nguyễn Văn Bình, đại diện Công ty TNHH MTV Lệ Ninh. Anh Bình cho biết: “Qua các phương tiện thông tin, chúng tôi biết được tỉnh ta đã có sàn giao dịch việc làm. Điều này rất có lợi cho thị trường lao động. Công ty chúng tôi đang muốn tuyển lao động phổ thông. Hy vọng qua Sàn giao dịch việc làm tỉnh chúng tôi sẽ tuyển được số lao động phù hợp với công việc cưa xẻ gỗ”.

Điều đáng ghi nhận là không chỉ có thông tin thị trường lao động trong địa bàn tỉnh, trong nước, Sàn giao dịch việc làm tỉnh còn có nhiều thông tin chính thống về hoạt động xuất khẩu lao động. Qua sàn giao dịch việc làm, người lao động đã được tư vấn, cung cấp thông tin về các thị trường lao động nước ngoài như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Belarus, Singapore... Qua 5 năm hoạt động, Sàn giao dịch việc làm đã đưa được gần 1.000 lao động tỉnh ta đến với những thị trường giàu tiềm năng này. Đây là một công việc thiết thực thúc đẩy công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, sàn vẫn gặp không ít  khó khăn như chịu tác động của một địa bàn tỉnh đang có nền kinh tế - xã hội chưa phát triển, các doanh nghiệp chưa đủ khả năng thu hút nhiều lao động. Bên cạnh đó người lao động luôn có tâm lý thích vào đại học bằng mọi giá trong khi thiếu lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao đã khiến tạo nghịch cảnh: “thừa thầy thiếu thợ”. Vì thiếu lao động được đào tạo tại các trường nghề nên nhiều phiên giao dịch các doanh nghiệp rất khó tìm được nguồn nhân lực cần tuyển. Và cũng không ít người lao động phải rời phiên giao dịch mà chưa tìm kiếm được việc làm.

Trên bước đường xây dựng và trưởng thành, Sàn  giao dịch việc làm tỉnh Quảng Bình đang hướng tới phục vụ cho người lao động ở các địa bàn vùng nông thôn, miền núi, vùng biển đảo đang gặp nhiều khó khăn. Định hướng mới này sẽ là khâu đột phá cho thị trường lao động nhằm chung tay cùng xã hội xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là bước đi phù hợp nhằm tạo chuyển biến mới trong hoạt động tháo gỡ khó khăn cho công tác đào tạo nghề nông thôn. Trước mắt, bên cạnh những phiên giao dịch tại trung tâm thành phố Đồng Hới, Sàn giao dịch việc làm tỉnh đang hướng tới mở nhiều phiên giao dịch lưu động tại các địa bàn vùng xa như Phúc Trạch (Bố Trạch), Phú Thủy (Lệ Thủy), Hải Ninh (Quảng Ninh), Quảng Xuân (Quảng Trạch)... Với định hướng này cùng với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ công chức, chắc chắn Sàn giao dịch việc làm tỉnh sẽ góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

                    Phan Hòa