.

Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Khởi kiện... vẫn khó đòi!

Thứ Sáu, 24/10/2014, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Khó khăn về vốn, quy mô sản xuất kinh doanh bị thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, ngừng hoạt động, phá sản… ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ). Nhiều đơn vị, DN nợ BHXH kéo dài, dù BHXH tỉnh đã làm thủ tục khởi kiện ra tòa án vẫn khó lòng truy thu được như: Công ty cổ phần Cosevco 6, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco I Quảng Bình, Nhà máy xi măng Cosevco 11, Công ty cổ phần Đại Trường Phát, Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia Vina- Taiwan...

Người lao động của Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát bị ăn chặn tiền BHXH.
Người lao động của Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát bị ăn chặn tiền BHXH.

Theo số liệu của BHXH tỉnh cung cấp, tính đến hết tháng 9-2014, toàn tỉnh có đến 665 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên. Tổng số tiền nợ BHXH lên đến 116,8 tỷ đồng. BHXH tỉnh chính thức làm thủ tục khởi kiện ra tòa án 54 đơn vị, DN. Trong đó, 20 DN nợ từ hơn 500 triệu đồng đến trên 15 tỷ đồng.

Xin “điểm mặt” một số đơn vị, DN có số nợ BHXH lớn, thời gian nợ dài: Công ty cổ phần Cosevco 6 nợ 15.129 triệu đồng, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco I Quảng Bình 14.483 triệu đồng,Nhà máy xi măng Cosevco 11, 2.224 triệu đồng, Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia Vina- Taiwan 1.952 triệu đồng, Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát 1.927 triệu đồng, Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng công trình 405 nợ 1.702 triệu đồng, Công ty cổ phần hóa chất và cao su Cosevco 1.308 triệu đồng, Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 12 nợ 1.232 triệu đồng và Công ty TNHH một thành viên Việt Trung 1.192 triệu đồng...

Theo phản ánh của ngành BHXH tỉnh: tình trạng nợ đọng BHXH của các DN trên địa bàn cơ bản chia làm 3 dạng: những DN có điều kiện đóng BHXH cho NLĐ nhưng lại dùng nguồn kinh phí này để đầu tư vào sản xuất kinh doanh chấp nhận phạt lãi chậm nộp vì lãi phạt dạng này thấp hơn lãi vay ngân hàng; một số DN không có khả năng đóng BHXH vì quá khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khó thực hiện đúng Luật BHXH đối với NLĐ; cuối cùng là DN đã trích thu của NLĐ nhưng cố tình không đóng BHXH vì quyền lợi riêng của một bộ phận cá nhân.

Xu hướng nợ đọng BHXH ngày càng gia tăng cả về số đơn vị sử dụng lao động và cả tổng số nợ. DN nợ BHXH, chịu hệ lụy cuối cùng và nặng nề nhất chính là NLĐ. Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết: “Giải pháp chủ yếu nhằm bảo đảm nguồn thu BHXH vẫn là tuyên truyền, vận động, trong đó tập trung tuyên truyền sâu rộng về Luật BHXH, BHYT. BHXH các huyện, thành phố, thị xã bám chặt những đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, có kế hoạch đôn đốc, thu BHXH ngay từ đầu năm. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, việc khởi kiện ra tòa đối với DN chây ì, nợ đọng tiền BHXH số lượng lớn, kéo dài cũng đã được BHXH tỉnh thực hiện bắt đầu từ năm 2002. Cho đến nay đã có 54 DN bị khởi kiện ra tòa án, nhưng việc thu hồi nợ BHXH vẫn không có hiệu quả vì không thể thi hành án được. Nguyên nhân là tài sản các DN đều bị đem thế chấp ngân hàng”.

Trụ sở Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia Vina- Taiwan im lìm vắng vẻ
Trụ sở Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia Vina- Taiwan im lìm vắng vẻ

Điển hình cho tình trạng chây ỳ đóng BHXH là Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát và Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia Vina- Taiwan (DN thành viên của Đại Trường Phát) khi số nợ BHXH của cả “mẹ con” gần 4 tỷ đồng. Quản lý yếu kém, sản xuất kinh doanh đình trệ, làm ăn thua lỗ... khiến DN kiệt quệ dần. Điều đáng nói, người lao động tại Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát nhiều năm liền bị “ăn chặn” tiền BHXH. Thậm chí người lao động phải tự bỏ tiền túi ra đóng BHXH, BHYT, BHTN đến khi DN tuyên bố phá sản thì họ mới “tá hỏa” vì tiền BHXH đã nộp nhưng công ty không nộp cho cơ quan BHXH, quyền lợi nguy cơ bị mất trắng hoàn toàn.

Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia Vina- Taiwan chính thức tuyên bố phá sản từ ngày 1-8-2014. Toàn bộ tài sản của công ty đều bị ngân hàng cầm cố và phong tỏa. Người lao động một thời gắn bó với công ty bỗng nhiên bị “trắng tay”, bị đẩy ra đường bơ vơ. Từ đầu năm 2012, công nhân của công ty thiếu việc làm trầm trọng, tiền lương không đủ trừ vào tiền bảo hiểm. Chính vì vậy, công nhân phải tự nộp tiền túi cá nhân để đóng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi. Tuy nhiên, số tiền trên bị công ty “ăn chặn” không được lãnh đạo công ty nộp cho BHXH tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc công nhân không được hưởng quyền lợi gì mặc dù nghĩa vụ tham gia bảo hiểm đã thực hiện đầy đủ cho công ty. Các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... hoàn toàn phải tự túc vì xem như chưa đóng BHXH.

Chế tài, khung pháp lý chưa đủ mạnh, sự phối kết hợp giữa BHXH và các ngành hữu quan như tòa án, ngân hàng, Liên đoàn Lao động tỉnh... chưa chặt chẽ, người lao động trong các DN khó kiểm soát nghĩa vụ đóng BHXH của mình đã được chủ sở hữu lao động thực hiện hay chưa... là những kẻ hở cho nhiều DN lợi dụng nhằm trục lợi chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Hậu quả cuối cùng chỉ có người lao động thiệt thòi.

Thanh Long