.

Nhà thiếu nhi cấp huyện: Bao giờ vui trở lại?

Thứ Năm, 30/10/2014, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở tỉnh ta, hoạt động của hệ thống nhà thiếu nhi cấp huyện chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một số nơi, nhà thiếu nhi đang rơi vào tình trạng "chết yểu" và dần bị lãng quên. Để vực dậy và duy trì hoạt động cho những nhà thiếu nhi này cần phải có sự quan tâm đúng mức và những chính sách phù hợp hơn.

Hoạt động không hiệu quả

Nằm trong khuôn viên rộng chừng 4.000 m2, nếu không chú ý quan sát tấm bảng đặt ở cổng có dòng chữ: Cung văn hóa thiếu nhi huyện Quảng Ninh thì khó ai có thể nhận ra nhà thiếu nhi huyện, nơi đã từng diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho thiếu nhi. Nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh được xây dựng năm 1994, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu đồng. Qua nhiều năm, đến nay, thứ cuối cùng còn sót lại trong khuôn viên là một nhà ném banh đã gỉ sét.

Ông Đỗ Ngọc Sơn, Bí thư Huyện đoàn cho hay: Trước đây, nhà thiếu nhi huyện được đầu tư sắm các thiết bị phục vụ cho việc vui chơi của thiếu nhi như đu quay, cầu trượt, bập bênh... Tuy nhiên, sau khi đưa vào hoạt động khoảng 5 năm thì không thể sử dụng tiếp vì chúng xuống cấp và quá cũ kỹ. Năm 2009, do không được đầu tư tu bổ, toàn bộ số trang thiết bị này được thu gom và đem đi thanh lý. Hiện tại một phần khuôn viên của nhà thiếu nhi được xây dựng làm trụ sở của Huyện đoàn, nhà ném banh được giữ lại dùng làm nơi để xe cho cán bộ, nhân viên.

Cũng giống như Quảng Ninh, Bố Trạch là một trong ít những địa phương quan tâm xây dựng nhà thiếu nhi huyện. Với mức vốn đầu tư lên đến 2 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ ở thời điểm năm 1998, nhà thiếu nhi huyện được đánh giá có quy mô đẹp và trang thiết bị tương đối đầy đủ so với những địa phương khác.

Để có thêm kinh phí, Nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch buộc phải cho thuê một phần khuôn viên để kinh doanh.
Để có thêm kinh phí, Nhà thiếu nhi huyện Bố Trạch buộc phải cho thuê một phần khuôn viên để kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch chia sẻ: Những năm đầu đi vào hoạt động, nhà thiếu nhi huyện đã thu hút rất nhiều em đến sinh hoạt và vui chơi. Với mức giá rẻ và phù hợp, nên vào những dịp lễ tết, nhà thiếu nhi huyện phục vụ không kịp do số lượng quá đông. Thế nhưng, hoạt động thiếu bộ máy quản lý và thiết bị xuống cấp khiến cho nhà thiếu nhi này cũng chịu chung số phận với Nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh.

Sau đợt thanh lý, hiện tại trong khuôn viên nhà thiếu nhi này vẫn còn giữ lại những mô hình trò chơi như đu quay, đạp vịt, xe đụng... Chúng được xếp gọn và nằm một góc trong khuôn viên, nhường chỗ cho một sân trượt pa-tanh và quán cà phê mở cách đây gần 3 năm. Đây là quán cà phê được cho thuê với mục đích giúp tạo nguồn kinh phí trả lương cho nhân viên bảo vệ nhà thiếu nhi.         

3 thiếu

Trong khi nhiều nhà thiếu nhi đã trải qua chặng đường dài hoạt động kém hiệu quả thì hiện nay, một số huyện vẫn chưa có điều kiện để xây dựng nhà văn hóa thiếu nhi.

Lệ Thủy là huyện nhiều năm nay phải loay hoay tìm nguồn vốn để xây dựng nhà thiếu nhi huyện. Nhưng đến nay, các em thiếu nhi trên địa bàn phải tự tìm cho mình những điểm vui chơi ở các xã hoặc các câu lạc bộ ở trường học để tham gia sinh hoạt. Vì vậy, mong muốn có nhà thiếu nhi để các em có thể tham gia các hoạt động trong dịp hè, từ đó phát huy năng khiếu, thế mạnh của mình luôn là trăn trở của nhiều người. Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho hay: "Là huyện có phong trào thể dục thể thao phát triển, trong đó bộ môn bơi lội là một thế mạnh. Nhưng do thiếu cơ sở vật chất, chúng tôi đã phát triển mô hình bơi lội trên sông.

Đối với huyện miền núi có hoàn cảnh khó khăn như Minh Hóa, việc huy động ngân sách địa phương để xây dựng nhà văn hóa thiếu nhi là chuyện không hề dễ. Bởi vậy, lâu nay, việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi cho trẻ em trong huyện dường như còn bỏ ngõ. Một số hoạt động như mở lớp múa hay võ đều phải tổ chức nhờ ở Trung tâm Văn hóa huyện. Được biết, trong thời gian tới, Minh Hóa sẽ là địa phương được tỉnh ưu tiên chọn để xây dựng nhà thiếu nhi với số vốn lên đến 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy một điều rằng, dù được xây dựng và đầu tư quy mô lớn hay nhỏ, nhưng nếu không xây dựng được cơ chế hoạt động thì cũng dễ rơi vào hoàn cảnh của những địa phương trên. Thực tế, sau khi xây dựng, nhà thiếu nhi các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch đều được cho Phòng Văn hóa huyện quản lý. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả thì chuyển cho Huyện đoàn quản lý. Thế nhưng, quản lý không đúng chuyên môn và chưa thực sự trách nhiệm khiến cho nhà thiếu nhi huyện ngày càng rơi vào bế tắc. Theo giải thích của một cán bộ Huyện đoàn, số nhân viên phụ trách Đoàn cũng chỉ 4 đến 5 người, trong khi các hoạt động Đoàn lại quá nhiều khiến cho đơn vị này nhiều lúc không thể kham nổi trách nhiệm quản lý thêm nhà thiếu nhi.

Bên cạnh đó, kinh phí thu từ hoạt động của nhà thiếu nhi huyện không thể duy trì hoạt động. Trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm để tu bổ và xây dựng thêm cơ sở vật chất đang dần xuống cấp gần như không có. Vì vậy, hoạt động nhà thiếu nhi dần không đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi là điều dễ hiểu.

Với thực trạng trên, trong tương lai, để những nhà thiếu nhi huyện có thể hoạt động hiệu quả và đúng hướng thì đòi hỏi các cấp, ngành chức năng phải xây dựng được cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động thật hợp lý. Có như vậy mới phát huy được công năng của nhà thiếu nhi; đồng thời vực dậy những nhà thiếu nhi huyện đang dần "chết yểu" như hiện nay.    

Đ.NGUYỆT