.

Giữ gìn an toàn giao thông trên đường 12A

Thứ Tư, 22/10/2014, 09:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Được xem là con đường đối ngoại huyết mạch nối Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn (Lào), vùng đông bắc Thái Lan để đi về phía biển với cảng Hòn La, Vũng Áng (Hà Tĩnh), nên tuyến 12A có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hệ thống đường giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, với địa hình quanh co hiểm trở, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Khe Ve đến Cửa khẩu quốc tế Cha Lo nên việc giữ gìn an toàn giao thông trên tuyến là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng...

Ai đã từng theo đường 12A lên với Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (đoạn từ ngã ba Khe Ve, xã Hóa Thanh đến Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Km104-Km142) hẳn đã trải qua cảm giác bất an khi cả tuyến là đường đèo dốc, một bên là núi cao còn phía bên kia là vực sâu thăm thẳm.

Là tuyến độc đạo nên đi trên đường này chỉ cần không chắc tay lái và lơ là một chút là cả người và phương tiện có thể gặp phải tai nạn đáng tiếc. Chính vì vậy, từ tháng 11-2009, Phòng CSGT Công an tỉnh đã gấp rút thành lập Đội tuần tra kiểm soát số 7, nhằm giữ gìn an toàn giao thông trên toàn tuyến, từ Km00-Km42+200.

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Võ Văn Chính, Đội tuần tra kiểm soát số 7, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, là tuyến đường đối ngoại nhưng lượng xe qua lại cửa khẩu cũng theo mùa vụ, khi nhiều khi ít vì phải tùy thuộc vào thời tiết của hai tỉnh. Xã Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hoá), nơi đường 12A đi qua lại chịu ảnh hưởng của thời tiết bên Lào rõ rệt, nhất là mùa mưa, do vậy, cán bộ chiến sĩ trong Đội phải thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, nhanh chóng xử lý khi có sự việc xảy ra, vì nếu chậm một chút là cả tuyến đường sẽ bị tắc.

Đường 12A đoạn qua cầu Cha Quang, xã Dân Hóa.
Đường 12A đoạn qua cầu Cha Quang, xã Dân Hóa.

Ách tắc giao thông ở vùng đồng bằng đã rất vất vả cho cả CSGT, cánh tài xế và sự thông suốt của tuyến đường, nhưng tắc đường trên này thì càng nhọc nhằn hơn. Bởi lẽ, ngoài chuyện xa trung tâm, đường 12A lại là tuyến độc đạo nên các phương tiện cứu hộ, cứu nạn rất khó tiếp cận hiện trường.

Mỗi khi xảy ra vụ việc, lực lượng CSGT phải vừa thực hiện nhiệm vụ điều tiết giao thông, vừa trực tiếp cùng với các đơn vị phối hợp giải phóng hiện trường. Nếu không nhanh chóng xử lý tình huống, thì vào lúc cao điểm hàng trăm chiếc xe chở hàng hóa sẽ ùn tắc, rất khó khăn cho doanh nghiệp, người và phương tiện khác đi lại.

Ngoài số lượng xe của các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh, trên đường 12A có rất nhiều phương tiện vận tải của Lào và Thái Lan, nên ngoài việc thực hiện nghiêm túc điều lệnh của lực lượng, cán bộ chiến sĩ của Đội còn được Phòng CSGT trang bị một cuốn song ngữ Việt-Lào với các câu chào hỏi thông dụng để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ, trung tá Võ Văn Chính cho biết thêm.

Với đặc điểm là đường đèo dốc quanh co, khuất tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông, nên tuyến 12A đoạn từ Khe Ve đến Cha Lo có rất nhiều “điểm đen” dễ xảy ra tai nạn. Nhất là khu vực cầu Cha Quang, Bãi Dinh (Dân Hóa) và dốc La Trọng (Trọng Hóa). Ngoài ra, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn do am hiểu về Luật Giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, lại sinh sống rải rác nên rất khó để tuyên truyền gìn giữ an toàn giao thông và huy động lực lượng ứng cứu khi tình huống xảy ra.

Ở trên vùng này, một số bà con không có thói quen đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, chở người quá quy định... khi điều khiển phương tiện, trong khi đời sống kinh tế còn khó khăn nên rất khó cho lực lượng CSGT xử lý vi phạm.Có nhiều trường hợp, CSGT sau khi kiểm tra thấy bà con vi phạm quá nhiều lỗi đã tạm giữ phương tiện, nhưng quá thời gian xử lý cũng chẳng thấy ai đến để giải quyết.

Một vụ tai nạn trên đường 12A.
Một vụ tai nạn trên đường 12A.

Trung tá Võ Văn Chính cho hay, hiện tại Đội chưa có trụ sở để làm việc, cán bộ chiến sỹ phải thuê nhà ở tạm, còn ăn uống cũng phải nhờ người nấu nướng. Tuy vất vả nhưng mấy anh em động viên nhau túc trực 24/24 giờ để bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho người dân trên toàn tuyến.

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Trần Đức Dương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, để nâng cao công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 12A, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, trường học tuyên truyền pháp luật liên quan đến an toàn giao thông cho người dân, trong đó chú trọng đến đối tượng học sinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Nắm bắt tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến để có những kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý những vướng mắc, bất cập về đường sá, biển báo, khắc phục các “điểm đen” thường xuất hiện tai nạn giao thông.

Chẳng hạn, tại khu vực cầu Cha Quang, đơn vị đã kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành cắm biển hạn chế tốc độ, sơn gồ trên đường nên ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đã có những chuyển biến nhất định.

Tin rằng, với sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng về bảo đảm an toàn giao thông, tuyến đường 12A sẽ phát huy thế mạnh, để trở thành huyết mạch giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Trong 10 tháng năm 2014, trên tuyến đường 12A xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 23 người, bị thương 16 người, thiệt hại tài sản khoảng 902 triệu đồng.

Trong đó, TNGT ít nghiêm trọng 3 vụ, làm bị thương 3 người, thiệt hại tài sản khoảng 38 triệu đồng; TNGT nghiêm trọng 26 vụ, làm chết 21 người, bị thương 12 người, thiệt hại tài sản khoảng 864 triệu đồng; TNGT rất nghiêm trọng 1 vụ, làm chết 2 người, bị thương 1 người.

Minh Văn-Ngọc Hải-Xuân Phú