.

Gian nan tìm đầu ra cho sinh viên cử tuyển

Thứ Năm, 30/10/2014, 14:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ khi có chính sách cử tuyển theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP của chính phủ, tỉnh ta đã có 183 sinh viên cử tuyển (SVCT) được gửi đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Việc này không nằm ngoài mục đích tăng cường đội ngũ cán bộ có tri thức về làm việc tại các xã miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít SVCT ra trường nhưng chưa được bố trí việc làm.

Cử tuyển vẫn thất nghiệp

Theo ông Phan Thành, Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp-Thường xuyên, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ GDĐT đã bắt đầu triển khai thực hiện chính sách cử tuyển nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ lâu. Đây là chính sách tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, TCCN mà người học không phải trải qua kỳ thi tuyển sinh và được bố trí công tác sau khi ra trường. Phần lớn SVCT đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có một số xã miền núi cử người Kinh đi học nhưng tỷ lệ không quá 15% so với tổng chỉ tiêu.

Từ năm 2006 cho đến nay, tỉnh ta đã cử 183 người đi đào tạo theo chính sách này. Trong đó, dân tộc Kinh là 54 người, Bru-Vân Kiều 49 người, Chứt 22 người, Sách 13 người, Khùa 8 người, Ma Coong 4 người... Với các ngành chủ yếu như sư phạm có 84 người theo học, y khoa có 41 người, nông lâm có 19 người, bách khoa có 8 người...

Dù có quyết định của Sở Nội vụ tiếp nhận và bố trí công tác năm 2007, nhưng đến nay anh Cao Bá Duyệt vẫn chưa được bố trí việc làm
Dù có quyết định của Sở Nội vụ tiếp nhận và bố trí công tác năm 2007, nhưng đến nay anh Cao Bá Duyệt vẫn chưa được bố trí việc làm

Nhiều SVCT sau khi ra trường đã được sắp xếp việc làm phù hợp với ngành học mà mình đã đăng ký, tuy nhiên, trên thực tế không ít SVCT đã ra trường trở về địa phương nhận quyết định tiếp nhận nhưng vẫn chưa được phân công công tác. Hiện tại, huyện Minh Hóa là địa phương có nhiều SVCT chưa được bố trí việc làm nhiều nhất trong toàn tỉnh.

Anh Cao Bá Duyệt, ở xã Hóa Sơn là một trong số những SVCT có “thâm niên thất nghiệp" cao nhất ở huyện Minh Hóa. Anh Duyệt cho biết, là người Sách được đưa về TP. Đồng Hới học tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh, sau khi học hết THPT, anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện đưa đi học trung cấp quản lý đất đai tại Đồng Hới theo diện cử tuyển. Đến năm 2008 anh tốt nghiệp, Sở Nội vụ đã có quyết định tiếp nhận và bố trí công tác tại UBND huyện Minh Hóa, tuy nhiên, cho đến nay, sau 6 năm anh vẫn chưa được bố trí việc làm. Nhiều lần anh đã lên Phòng Nội vụ của huyện để hỏi nhưng chỉ nhận được câu trả lời là phải đợi vì hiện tại không có biên chế nên chưa bố trí được. “Đợi mãi cũng sốt ruột nên tôi đã bắt xe vào tận Sở Nội vụ để nhờ giúp đỡ nhưng vẫn không thấy có tin gì”, anh Duyệt chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên địa bàn xã Hóa Sơn cũng có 7 trường hợp SVCT ra trường nhưng chưa được bố trí việc làm. Một số SVCT sau khi ra trường, chưa có việc nên phải đi nơi khác để làm thuê kiếm sống như các chị Cao Thị Ngọc Tuyền, Cao Thị Lý và một số trường hợp khác đã lấy chồng như chị Đinh Thị Xoan, học trung cấp lâm sinh, ra trường năm 2008... Cũng tương tự như vậy ở các xã Hóa Hợp, Dân Hóa..., nhiều SVCT sau khi ra trường đã chờ việc từ 3-4 năm vẫn chưa được bố trí.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Trần Đình Doan, Trưởng phòng Công chức-Viên chức, Sở Nội vụ cho biết, theo nguyên tắc cử tuyển thì sau khi SVCT ra trường Sở Nội vụ sẽ có quyết định bố trí công tác về các huyện và huyện sẽ là đơn vị trực tiếp bố trí việc làm cho số lượng sinh viên này. Mặc dù vậy, thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại tình trạng một số SVCT ra trường chưa được bố trí việc làm theo như cam kết ban đầu. Và lý do mà các địa phương đưa ra là không có biên chế, hoặc vị trí công tác chưa phù hợp.

Theo ông Phan Thành, để dẫn đến tình trạng SVCT ra trường nhưng chưa có việc làm có một phần là do việc xác định đăng ký chỉ tiêu cử tuyển hàng năm của các huyện không bám sát theo nhu cầu tuyển dụng của các địa phương, đơn vị dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Mặt khác, một số địa phương trong thời gian đưa con em đi học cử tuyển nhưng hàng năm vẫn xét tuyển thêm biên chế, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không còn biên chế để bố trí việc làm.

Ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Hóa cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện Minh Hóa còn 13 trường hợp SVCT chưa được bố trí việc làm do không có biên chế. Theo ông Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trước đây khi cử sinh viên đi đào tạo, huyện chỉ căn cứ vào chỉ tiêu chứ không tính đến đầu ra, cũng như, chưa có quy hoạch, kế hoạch lâu dài để đăng ký chỉ tiêu, các ngành nghề phù hợp. Vì vậy, sau khi SVCT ra trường thì lại không có chỗ để bố trí công tác.

Bên cạnh đó, số lượng SVCT ra trường ngày càng nhiều, năm này chưa bố trí kịp thì năm khác lại có thêm mấy SVCT nữa chuẩn bị về địa phương để chờ phân công công tác. Trong khi đó, nhiều năm nay huyện không được bổ sung thêm một biên chế nào nên việc bố trí SVCT vào làm việc theo nguyện vọng rất khó khăn.

Ông Sơn cho biết, để khắc phục tình trạng này thì từ năm 2011 cho đến nay, huyện Minh Hóa đã có kế hoạch cụ thể, chỉ cử sinh viên đi đào tạo những ngành đã có đầu ra. Phải dựa theo nguyên tắc địa phương cần cái gì, thiếu cái gì mới đăng ký cho học sinh đi học. Theo ông Sơn, năm 2012 và 2013 huyện Minh Hóa không có học sinh theo học cử tuyển vì hai năm này huyện không có nhu cầu đào tạo cử tuyển. Số lượng SVCT được cử đi đào tạo từ năm 2011 cho đến nay đều được bố trí công việc phù hợp. Số SVCT chưa được bố trí việc làm đều là những trường hợp tồn đọng của các năm trước.

“Vừa rồi, huyện mới bố trí công việc cho 10 em và tới đây sẽ bố trí thêm 2 em để bảo đảm đúng chế độ dành cho SVCT. Thời gian tới Phòng Nội vụ huyện sẽ bố trí việc làm phù hợp cho các em ngay khi có biên chế”, ông Sơn cho hay.

SVCT ra trường nhưng chưa được bố trí công tác không chỉ làm lãng phí nguồn nhân lực mà còn gây lãng phí đối với nguồn ngân sách nhà nước. Theo quy định thì SVCT sẽ được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo. Bình quân trong một năm tỉnh phải chi hơn 10 triệu đồng/1SVCT. Điều này chứng tỏ, số tiền mà tỉnh chi trả cho các SVCT là không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, chất lượng học tập của SVCT còn thấp, nhiều trường hợp sinh viên học phải học lại nhiều năm, thôi học và bỏ học giữa chừng vì không thể theo kịp chương trình tại các trường đã theo học. Vì phần lớn học lực của các SVCT người dân tộc thiểu số đều xếp loại trung bình, có nhiều địa phương mặc dù điểm học lực rất thấp nhưng cũng phải ưu tiên vì nơi đó chưa có cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nhiều trường hợp dù điểm học lực thấp nhưng lại chọn các ngành đào tạo đòi hỏi năng lực cao như y, dược, sư phạm, bách khoa... thì việc gặp khó khăn trong quá trình theo học là điều không tránh khỏi. “Nhiều người trong hội đồng xét tuyển cũng có ý kiến không cho SVCT ngành y dược. Vì học lực nhìn chung của con em dân tộc thiểu số là khá thấp, mà trình độ đào tạo ngành y dược lại rất cao”, ông Thành cho biết.

Theo bảng đánh giá kết quả học tập của Trường đại học bách khoa Đà Nẵng gửi về cho Sở GDĐT thì có rất nhiều SVCT bị xếp loại học lực trung bình và yếu (2013-2014). Điều này, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc SVCT đã được bố trí công tác tại địa phương nhưng lại không làm được việc. Để nâng cao chất lượng của SVCT cần chú trọng vào việc lựa chọn điểm xét tuyển phải phù hợp với các ngành nghề được xét, tránh tình trạng chỉ xét điểm trung bình chung cả học kỳ gây khó khăn trong quá trình đào tạo tại các trường...

Lan Chi