.

Giải bài toán tái nghèo: Cần sự chung tay của cộng đồng - Bài 2: Lời giải cho bài toán khó

Thứ Ba, 14/10/2014, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Rõ ràng hệ quả của tái nghèo đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân và giảm nghèo bền vững là một thách thức không chỉ đối với họ mà còn là đối với cộng đồng xã hội. Bài toán đặt ra là làm sao để hạn chế được tình trạng tái nghèo?

>> Bài 1: Muôn nẻo... tái nghèo

Người dân xã Tân Hóa làm nhà nổi để bảo vệ tài sản, vật nuôi trước mùa mưa lũ.
Người dân xã Tân Hóa làm nhà nổi để bảo vệ tài sản, vật nuôi trước mùa mưa lũ.

Theo báo cáo từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Năm 2011, tỉnh ta có 12.523 hộ thoát nghèo, số hộ tái nghèo là 4.118 hộ. Năm 2012, có 9.526 hộ thoát nghèo, số hộ tái nghèo là 3.501 hộ. Trong năm 2013, số hộ thoát nghèo toàn tỉnh là 10.151 hộ, số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới là 3.916 hộ.

Tính đến cuối năm 2013, số hộ nghèo toàn tỉnh 31.796 hộ, chiếm tỉ lệ 14,18%; số hộ cận nghèo là 40.848 hộ, chiếm tỉ lệ 18,22 % tổng số hộ toàn tỉnh.

Như vậy, qua các năm, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thực tế, tỉ lệ tái nghèo vẫn còn cao.

Vậy đâu là lời giải cho bài toán tái nghèo? Vấn đề trước hết là việc chống chọi với thiên tai bão lũ, một trong những nguyên nhân gây tái nghèo cho nhiều hộ dân. Bảo vệ tài sản, luồn lách thời tiết để sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập là điều cần được quan tâm.

Xã Tân Hóa có 664 hộ với 3.162 khẩu là một xã có tỉ lệ tái nghèo cao của huyện Minh Hóa. Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tân Hóa là một vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa. Hầu như năm nào xã cũng gánh chịu những trận lũ khá nặng. Sau những đợt thiên tai thì cuối năm tỉ lệ tái nghèo của xã lại tăng lên.

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm giải pháp để khắc phục. Tân Hóa là một xã thuần nông nên Đảng ủy, UBND xã xác định hướng đi trước mắt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng vào sản xuất. Các cấp chính quyền và ban, ngành chức năng hướng dẫn bà con trồng cây ngắn ngày như ngô, đậu xanh... để thu hoạch trước mùa mưa lũ, tránh tình trạng mất mùa; chủ động thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Hiện nay, nhiều người dân trong xã đã làm nhà nổi để bảo vệ tài sản, đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ. Thứ hai, đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những hướng đi cơ bản để giúp người dân có thu nhập ổn định, hạn chế tình trạng tái nghèo xảy ra.

Do đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, lao động nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số, làm cơ sở để họ tự tạo thêm việc làm, khôi phục và phát huy các ngành nghề truyền thống, nghề mới. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1956/ QĐ- TTg, ngày 27-11-2012, phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với mục tiêu trợ giúp lao động nghèo, mới thoát nghèo có tay nghề để họ tự tạo việc làm, tăng thu nhập. Các địa phương đều đã triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án.

Theo hướng đi trên, năm 2013, toàn tỉnh có 3.100 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, trong đó có 966 người thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Tổng số lao động có việc làm sau khi học nghề là 2.362 người (chiếm 76,19% số lao động được đào tạo nghề). Toàn tỉnh cũng đã giải quyết việc làm cho 31.430 người, trong đó tạo việc làm mới cho 21.022 người (xuất khẩu lao động 2.397 người), số lao động được tạo thêm việc làm là 10.408 người.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn hết sức quan trọng, tuy nhiên, đào tạo nghề cần phải phù hợp với điều kiện của địa phương. Ông Phạm Hồng Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết: Xã Quảng Hợp có diện tích đất tự nhiên là 11.643,8 ha, có 1607 hộ với 6175 khẩu.

Tuy nhiên, diện tích đất trồng lúa lại rất ít, chỉ 225,53 ha. Chính vì vậy UBND xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác thế mạnh từ rừng. Hiện nay, diện tích đất rừng sản xuất của xã là 4.063,81 ha, chủ yếu là trồng keo, tràm. Công tác đào tạo nghề chủ yếu ở xã là mộc gia dụng và nuôi ong. Đặc biệt, mô hình nuôi ong đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao ở địa phương.

Thứ ba, để hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Một thực tế lâu nay là trong lúc những hộ thuộc diện hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước như: Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, học sinh sinh viên hộ nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện... thì những hộ mới thoát nghèo (chưa thực sự bền vững) lại không có nhiều sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng nên nguy cơ tái nghèo cao. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần mở rộng các chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình mới thoát nghèo để giúp họ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trước thực trạng đó, vừa qua, Chính phủ đã có một số chính sách quan tâm đến hộ cận nghèo. Từ Quyết định số 15/2013/QĐ- TTg, ngày 23-2-2013, của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có Quyết định số 34/QĐ- HĐQT quy định kể từ ngày 1-5-2014, hộ cận nghèo cũng được nâng mức vay từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/ hộ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 705/QĐ- TTg, ngày 8-5-2013, về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, trong đó quy định: kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2013, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo.

Mới đây, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có Thông tư 24/2014/TT- BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2012/TT- BLĐTBXH, ngày 5 tháng 9 năm 2012, hướng dẫn quy định điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Nếu như trước đây, theo Thông tư 21, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được tổng kết vào đợt điều tra cuối năm thì theo Thông tư 24 có thể bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo khi gia đình phát sinh khó khăn đột xuất trong năm do các yếu tố như tai nạn, rủi ro, đau ốm, bệnh tật... Thông tư 24 sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2014.

Như vậy, những hộ mới thoát nghèo sẽ được nâng mức vay vốn nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, có cơ hội thoát nghèo bền vững hơn. Hơn nữa, họ được hỗ trợ về bảo hiểm y tế và sắp tới (khi Thông tư 24 có hiệu lực) những hộ thoát nghèo có thể hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước kịp thời trong năm khi gia đình gặp biến cố.

Cuối cùng, một điều hết sức quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững, để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Giảm nghèo, chống tái nghèo không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội mà trước hết đó là nghĩa vụ, bổn phận của chính người dân.

Để tránh tư tưởng ỷ lại, thiết nghĩ, cần giảm các chính sách hỗ trợ cho không, không gắn điều kiện; tăng các chính sách hỗ trợ sinh kế có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ có điều kiện để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo theo phương châm Nhà nước tạo cơ chế, làm “đòn bẩy” để các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Có như vậy mới kiềm chế được tình trạng tái nghèo do ỷ lại.

Thực tế cho thấy, dù Nhà nước, xã hội quan tâm nhiều nhưng bản thân người dân thiếu tự giác, luôn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì khó có thể giảm nghèo bền vững.

Ông Cao Hữu Mựu, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa cho biết: Cùng với việc phát huy vai trò cộng đồng, phải đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò tích cực, tự giác vươn lên của người dân. Vì vậy, UBND xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đổi mới cách làm của người dân. Những hộ mới thoát nghèo cần phải tái đầu tư sản xuất, tái đầu tư chăn nuôi... hướng đến lâu dài. Có như vậy mới giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo.

Bài toán tái nghèo không thể giải quyết thấu đáo một sớm, một chiều mà đó là một chặng đường dài với nhiều trăn trở và vô vàn khó khăn. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Nguyễn Lê Minh