.

Giải bài toán tái nghèo: Cần sự chung tay của cộng đồng - Bài 1: Muôn nẻo... tái nghèo

Thứ Hai, 13/10/2014, 09:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Thoát nghèo-tái nghèo là một vòng luẩn quẩn, là nỗi lo lắng không chỉ của mỗi người dân mà của cả cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, cái vòng luẩn quẩn ấy vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của không ít hộ dân, đặc biệt là ở những nơi khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Để giải bài toán khó ấy, cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Với người nghèo, thoát nghèo đã khó nhưng để không trở lại “con đường mòn” thì càng khó hơn nhiều. Bởi đa phần những hộ mới thoát nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, chỉ cần một lý do khách quan hay chủ quan nào đó cũng dẫn họ về với “điểm xuất phát”.

Đến thăm một số gia đình tái nghèo, chúng tôi mới hiểu được tại sao cái nghèo lại cứ đeo bám họ mãi đến vậy. Men theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, bác trưởng thôn Nguyễn Văn Đản dẫn chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Cường (87 tuổi, thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch). Gia đình ông Cường sống trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, trong nhà trống trơ không có vật dụng gì giá trị ngoài chiếc ti vi đã cũ.

Trước đây, gia đình ông thuộc hộ nghèo nhiều năm. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng và nỗ lực của các thành viên trong gia đình, đến năm 2012 họ mới thoát nghèo, nhưng sang cuối năm 2013 lại tái nghèo. Cuộc sống gia đình ông Cường rất khó khăn.

Anh Tám (con trai ông Cường) kể : Cả nhà tôi 7 miệng ăn nhưng chủ yếu dựa vào sức lao động của vợ tôi. Bản thân tôi bị tàn tật bẩm sinh không có khả năng lao động. Gia đình tôi có 5 sào ruộng nhưng vì không có tiền để đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu... nên hiệu quả thấp.

Đầu năm 2013, ba tôi bị bệnh tai biến, thập tử nhất sinh, may mắn qua khỏi cửa tử nhưng phải thuốc thang thường xuyên. Vợ tôi là lao động chính nhưng cũng đau ốm luôn. Gia đình đã chật vật miếng cơm, manh áo, lại đủ mọi thứ tiền phải lo như tiền thuốc, tiền cho 4 đứa con ăn học... Hoàn cảnh gia đình như vậy nên cuối năm 2013, xã lại đưa vào diện hộ nghèo.

Ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo còn làm điêu đứng những hộ khá giả huống chi những hộ mới thoát nghèo. Gia đình ông Cao Xuân Trưa ở thôn Kiều Tiến, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa cũng là hộ nghèo nhiều năm. Năm 2010, gia đình ông được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng. Có vốn ông Trưa đầu tư vào chăn nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, số lượng bò, lợn, gà của gia đình ông ngày càng tăng lên, qui mô chăn  nuôi dần được mở rộng. Nhờ chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình ngày mỗi khấm khá lên.

Ngôi nhà xập xệ, chật chội của ông Cường.
Ngôi nhà xập xệ, chật chội của ông Cường.

Đến năm 2012, gia đình ông Trưa chính thức rời khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chưa kịp mừng vì gia đình thoát khỏi cảnh ăn bữa nay lo bữa mai thì đầu năm 2013, con trai bác Trưa bị ung thư xương. Bao nhiêu bò, lợn, gà đều đem bán để chữa bệnh cho con khiến gia đình ông khánh kiệt về tài chính. “Họa vô đơn chí”, cơn bão số 10 năm 2013 phá hỏng nhà cửa, chuồng trại gia súc gia cầm làm cho gia đình càng khó khăn bội phần. Thế là cuối năm 2013, gia đình ông Trưa lại rớt xuống hộ nghèo.

Đi xuống tận thôn, đến tận từng hộ gia đình tái nghèo mới thấu hiểu được tại sao họ khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo - thoát nghèo - nghèo như vậy. Gia đình bà Phạm Thị Bồng (50 tuổi, ở thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Thoát nghèo chưa được bao lâu thì cuối năm 2013 gia đình bà lại tái nghèo. Bà Bồng tâm sự: Trước đây, gia đình tôi được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng để nuôi lợn, gà. Tưởng rằng đồng vốn cứu cánh gia đình, chẳng ngờ lợn gà gặp dịch bệnh nên gần như mất trắng.

Tôi có ba đứa con. Một đứa con trai ra trường chưa có việc làm, đứa con gái thì đang theo học một trường cao đẳng. Năm 2013, đứa con trai thứ 2 của tôi bị bệnh u gan. Không nỡ nhìn con nằm đớn đau vì bệnh tật, gia đình đã phải vay mượn hơn 100 triệu đồng để chạy chữa cho nó. Đồng tiền cứ lần lượt ra đi nhưng người cũng chẳng cứu được, đầu năm nay con trai tôi mất.

Bế tắc trước cảnh nhà gieo neo, vợ nó để lại cho tôi đứa cháu mới 15 tháng tuổi để vào miền Nam làm thuê làm mướn. Hiện tại, khoản tiền vay mượn để chữa bệnh cho con, tôi vẫn chưa trả được - bà Bồng rơm rớm nước mắt.

Cách nhà bà Bồng không xa là nhà ông Trần Văn Trang (77 tuổi). Gia đình ông Trang cũng là một hộ tái nghèo của xã. Vừa mới thoát nghèo một năm thì cuối năm 2012 gia đình ông lại tái nghèo. Cả con trai và con dâu của ông đều lần lượt mất vì bị tai nạn giao thông. Mất mát, đau thương ập đến và theo đó là cảnh khốn khó, gian nan.

Đôi mắt đỏ hoe, ông Trang chia sẻ với chúng tôi: "Từ ngày các con tôi mất, cuộc sống gia đình rơi vào túng quẫn. Tôi già rồi nên cũng không làm được gì, ba ông cháu rau cháo nuôi nhau cho qua ngày. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên tôi vẫn cố gắng cho 2 đứa cháu đến trường, đứa lớn học lớp 9 còn đứa nhỏ học lớp 4. Nhưng gia cảnh thế này thì chẳng biết đến bao giờ mới thoát cảnh nghèo".

Trước khi chúng tôi ra về, chị Hương - cán bộ xã dẫn chúng tôi đi - không quên căn dặn Chinh (cháu thứ 2 của ông Trang): Chinh phải cố gắng học giỏi nhé, khi nào chị quyên góp được quần áo, chị sẽ mang cho Chinh để Chinh đủ áo quần mặc đi học. Gương mặt cậu bé dường như toát lên vẻ phấn khởi nhưng ánh mắt vẫn thoáng buồn. Ở đó, không chỉ là nỗi niềm cực nhọc, thiếu thốn mỗi ngày, đớn đau và thương cảm hơn là cảnh cút côi, thiếu sự ấp ôm, chăm chút của tình cha, tình mẹ.

Sẽ còn không ít những cảnh đời gian nan, những gia đình luôn bị cảnh nghèo đeo bám mà trong khuôn khổ bài báo ngắn này chẳng thể nêu hết được. Những hộ gia đình tái nghèo, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng họ có một điểm chung là đi trên con đường vòng và thực sự quá khó khăn khi tìm lối rẽ.

Ông Phạm Thành Đồng, Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Theo quyết định số 09/2011/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015, thì ở nông thôn hộ nghèo có thu nhập bình quân 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; hộ cận nghèo có thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng. Với cách xác định hộ nghèo như hiện nay, các hộ cận nghèo được xem như đã thoát nghèo, tuy nhiên, thực tế đời sống của các hộ này vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Và chính vì khoảng cách nghèo và cận nghèo rất mong manh nên nguy cơ tái nghèo là rất cao. Trong khi đó, những hộ mới thoát nghèo phần lớn việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, thậm chí có những khoảng thời gian thiếu việc làm. Những hộ này khi gặp phải rủi ro về bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn, thiên tai, mất mùa, dịch bệnh... là tái nghèo ngay.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của lãnh đạo một số địa phương mà chúng tôi đã trao đổi, thì vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, chưa thực sự phấn đấu nỗ lực vươn lên.

Nguyễn Lê Minh

Bài 2: Lời giải cho bài toán khó