.

Có hay không việc đồng bào dân tộc Mã Liềng bỏ bản trở lại rừng?

Thứ Ba, 14/10/2014, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây có thông tin cho rằng hiện có nhiều hộ đồng bào dân tộc Mã Liềng ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) bỏ bản trở lại rừng sinh sống do bất đồng với chính quyền địa phương. Phóng viên Báo Quảng Bình đã trực tiếp đến tận nơi tìm hiểu vấn đề. Và thực tế chúng tôi chứng kiến không hoàn toàn đúng như dư luận.

Chuyện trong rừng

Chúng tôi đã thực hiện cuộc hành trình hơn 10 cây số cắt rừng vào tận những nơi mà trước đây đã từng là bản làng của đồng bào dân tộc Mã Liềng ở miền tây Tuyên Hóa. Những gì chúng tôi ghi nhận được là có 4 hộ dân vào rừng dựng lán trại, rải rác ở nhiều nơi và ở lại qua đêm.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ từ bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, chúng tôi gặp lán của ông Hồ Khâu, dân bản Cà Xen. Lúc này đã hơn 8 giờ sáng, Hồ Khâu đang chuẩn bị bữa ăn gồm có cơm trắng và canh măng rừng, chuẩn bị cho một chuyến đi lấy đọt lá nón để mang về bản bán lấy tiền mua gạo. Hồ Khâu cho biết mới vào rừng hôm trước, sẽ ở lại một ngày, hai đêm, đến sáng gùi hàng về bản chứ không ở lại hẳn. Quan sát của chúng tôi, lán của Hồ Khâu dựng rất sơ sài.  “Miềng vô đây chỉ ở tạm để lấy đọt lá nón, lấy mây về bán, đổi gạo thôi. Con cái miềng cũng ở ngoài bản hết.” – Hồ Khâu cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề hỏi thăm chị Hồ Thị Huệ, vợ Hồ Thiệp khi hai vợ chồng vào rừng lấy đọt lá nón.
Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề hỏi thăm chị Hồ Thị Huệ, vợ Hồ Thiệp khi hai vợ chồng vào rừng lấy đọt lá nón.

Tiếp tục cắt rừng đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ nữa, chúng tôi xuống dốc Tăng Tăng, nơi đây có bản Ma Đao từng là nơi sinh sống của 12 hộ đồng bào dân tộc Mã Liềng. Trước mắt chúng tôi là một bãi đất khá bằng phẳng, không còn dấu tích của những nhà sàn hay hoạt động sinh sống của dân bản nữa bởi họ đã được vận động ra bản Cà Xen định cư từ hàng chục năm nay. Cách xa nơi đây khoảng 6 cây số, chúng tôi tiếp cận với lán trại của 3 hộ dân nữa gồm Hồ Thiệp, Hồ Đồng và Hồ Ninh. Chị Hồ Thị Huệ, vợ của Hồ Thiệp cho biết đang ở lán một mình chuẩn bị cơm cho chồng và mọi người đi lấy đọt lá nón. “Hai vợ chồng mới vô đây hôm qua, con cái vẫn ở ngoài bản. Miềng không làm nương rẫy hay ở lại đây mô. Vô đây ở chi cho cực.” – Hồ Thị Huệ nói.

Trên đường tiếp tục cắt rừng vào vùng Quạt, nơi trước đây từng là địa điểm sinh sống của một bộ phận dân bản Cà Xen cách trung tâm xã khoảng 3 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi tình cờ gặp Hồ Mỵ đang nghỉ chân bên suối, sau lưng là một gùi đọt lá nón. Hồ Mỵ cho biết vào rừng hôm trước, lấy được 800 đọt lá nón. Với số đọt này, về bản bán được khoảng 100.000 đồng. Hồ Mỵ cho hay: “Miềng phải đi rừng để kiếm tiền mua gạo cho vợ con ăn thôi. Nhà miềng cũng có đất trồng lúa nhưng vụ hè-thu không có nước nên đành chịu. Trong bản nhiều người cũng đi lấy đọt lá nón như miềng rứa...”

Chạm đất Quạt, trước mắt chúng tôi là một vùng đất khá bằng phẳng, tuyệt nhiên không có một hộ đồng bào dân tộc Mã Liềng nào còn tiếp tục sinh sống tại đây. Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề cho biết, nơi đây đang được quy hoạch để phát triển trồng mới hơn 1.000 ha cao su. Trong tương lai không xa nữa sẽ có một tuyến đường được mở ra để sử dụng cho các hoạt động triển khai dự án.

Chuyện ngoài bản

Hai ngày sau khi thực hiện chuyến đi thực tế “tìm” đồng bào dân tộc Mã Liềng giữa rừng sâu, chúng tôi quay trở lại bản Cà Xen. Cao Chí Hùng, Trưởng bản dẫn chúng tôi đến quán hàng tạp hóa của ông Đinh Minh Trọng và vợ là Nguyễn Thị Thiu, người thôn Thanh Lạng, xã Thanh Hóa lên đây bán hàng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vợ chồng Trọng lên đây đã được 2 năm. Hàng hóa bán chủ yếu là gạo, mì tôm, thuốc lá và các loại nước ngọt. Đinh Minh Trọng được dân bản đặt cho cái tên Hồ Thỏn, mà nói như nhiều người ở đây là để gọi cho... giống với đồng bào.

Một trong những lán trại dựng tạm của đồng bào dân tộc Mã Liềng cách bản Ma Đao (cũ) khoảng 6 cây số.
Một trong những lán trại dựng tạm của đồng bào dân tộc Mã Liềng cách bản Ma Đao (cũ) khoảng 6 cây số.

Đinh Minh Trọng cho biết, những năm trước việc dân bản đến nợ gạo hay mì tôm là rất ít. Năm nay nhiều hơn hẳn do không có nước sản xuất vụ hè-thu, dân bản thiếu gạo, phải đến mua nợ rồi đi rừng lấy đọt lá nón hoặc rút mây về bán trả nợ. “Tui không cho dân bản nợ nhiều vì họ sẽ không có tiền trả, với lại nếu cho dân nợ nhiều thì vợ chồng tui cụt vốn. Cứ mỗi lần dân đến, tui cho nợ vài cân gạo, vài ba ngày sau họ đi rừng về sẽ có sản phẩm bán lấy tiền trả nợ. Thế là tui vừa bán được hàng, dân bản cũng lo làm việc để có cái ăn. Còn chuyện đổi bò lấy xe máy hay lấy rượu, nếu có cũng là chuyện của ngày trước chứ bây chừ dân bản không dại đến rứa mô...” - Đinh Minh Trọng nói.

Khi chúng tôi đang hỏi chuyện với Đinh Minh Trọng thì tình cờ bắt gặp Hồ Khâu, người mà hai ngày trước chúng tôi đã “tìm” thấy trong rừng. Hồ Khâu xuất hiện tại quán hàng với một gùi đọt lá nón trên lưng. Gặp chúng tôi, ông khoe lấy được gần 600 đọt lá nón nên tranh thủ ra bán. Với lại trời mưa nên nước suối dâng cao, phải trở về nhà sớm để tránh lũ quét. Một lúc sau lại thấy Hồ Mỵ, người chúng tôi tình cờ gặp trên đường vào vùng Quạt hai ngày trước xuất hiện. Thấy chúng tôi, Hồ Mỵ không còn rụt rè như hai ngày trước nữa. Dang hay tay quét một vòng như thu lại toàn bộ diện tích rừng của mình được giao khoanh nuôi bảo vệ, Hồ Mỵ nói: “Rừng của nhà miềng đó. Nhà miềng cũng gần đây thôi. Nhà nước giao đất cho miềng trồng rừng là phải trồng thôi. Trồng rừng thì cuộc sống của miềng mới khá lên được....”.

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tương khẳng định: Không có chuyện dân bỏ bản Cà Xen quay trở lại rừng sinh sống. Thời điểm nông nhàn, đồng bào tranh thủ vào rừng lấy măng, rút mây hay lấy mật ong mang về bán để kiếm thêm thu nhập cũng là điều dễ hiểu và thực tế này vẫn thường diễn ra từ lâu nay, không riêng gì dân bản Cà Xen mà là thực tế chung của cả tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, 100% hộ dân bản Cà Xen đã được cấp đất rừng. Trong đó có 35 hộ đã hoàn thành việc cấp sổ đỏ, số còn lại chưa cấp được vì chưa có hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân. Không có chuyện cấp đất chồng chéo mà chỉ có tranh chấp ở ranh giới giữa hai phần diện tích đất rừng giáp nhau mà thôi.

Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cắm mốc cho tất cả diện tích đất rừng đã cấp cho các hộ dân. 41 hộ dân bản Cà Xen đều được cấp đất rừng quanh nhà chứ không có chuyện giao đất rừng ở cách xa hàng chục cây số như dư luận vẫn nói. Còn việc trâu bò của một số hộ dân thả rong, phá nương rẫy, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động bà con làm hàng rào bảo vệ chứ không có cách nào khác.

Đến thời điểm hiện tại, bản Cà Xen có 29 con trâu bò, thời điểm nhiều nhất khoảng trên 40 con. Nguyên nhân số trâu bò giảm sút là do chết rét và mắc bệnh lở mồm long móng từ nhiều năm trước. Vụ hè-thu năm nay, dân bản Cà Xen không thể sản xuất lúa vì không có nước. Rất mong chính quyền các cấp xem xét, đầu tư kinh phí nâng cấp sửa chữa đập thủy lợi để bảo đảm sản xuất nông nghiệp cho dân...”.

Nguyễn Hoàng