.

Chuyện chép ở Phú Cát

Thứ Sáu, 10/10/2014, 15:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Phú Cát nằm bên sông Nhật Lệ. Mặt làng hướng ra sông, lưng quay về phía cát. Vì lọt giữa địa phận hai xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) và Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) nên làng mặc nhiên lúc nghiêng về huyện, lúc ngả qua phía thành phố. Ấy thế làng lại thuộc đơn vị hành chính của một địa phương thứ ba, xã Lương Ninh. Ngày xưa làng theo nghề sông nước, nghèo “ba chìm, bảy nổi”. Nay làng thay da đổi thịt... no ấm đề huề.

 

Đường vào làng đều đã được bê tông hóa.
Đường vào làng đều đã được bê tông hóa.

Cùng “vác tù và hàng tổng”

Xưa, người dân Phú Cát theo nghề sông nước dọc sông Nhật Lệ, ngược lên phía thượng nguồn Đại Giang. Cuộc sống gắn với mạn đò, thời gian trên đò nhiều hơn trên bờ. Con đò trở thành ngôi nhà thứ hai, “sang trọng” hơn ngôi nhà chính lúp xúp dọc sông, lối đi trong làng là những “trôổng” nhỏ, dấu chân người ngập đầy cát.

Bây giờ, Phú Cát giữ nguyên nếp xưa, sông nước vẫn là nghiệp chính. Toàn thôn có 19 tàu, thuyền đánh bắt hải sản và vận chuyển vật liệu xây dựng, trong đó có 9 thuyền lớn chuyên khai thác cát, sạn phía đầu nguồn Đại Giang. Nghề khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng giúp cho bà con có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân đầu người gần 2 triệu đồng/tháng.

Chính vì đặc thù sông nước mà Phú Cát khó tìm được đội ngũ cán bộ cốt cán. Ông Lê Thế Triển, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh từng ví von “đốt đèn cũng chẳng thấy”. Cũng lẽ đó, hết nhiệm kỳ này, Trưởng thôn Lê Xuân Đoàn trọn 20 năm “vác tù và hàng tổng”.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, thuộc hàng lớn nhất nhì Phú Cát vừa mới làm xong, Trưởng thôn Đoàn vui chuyện bảo: “Phải chắc chi tui mà cả nhà đều mần cán bộ. Cán bộ không to... thuộc hàng thôn. Tui nắm chức trưởng thôn từ năm 1996, vợ tui Nguyễn Thị Giẳng, cán bộ phụ nữ, cộng tác viên dân số. Hai thằng con trai, đứa công tác Đoàn, đứa thôn đội trưởng...”.

Hơn 20 năm qua, người dân Phú Cát quá quen thuộc hình dáng nếp người của đôi vợ chồng quá tuổi trung niên luôn đi đi về về vì công việc chung của thôn. Thời trai trẻ theo việc làng, việc nước, nuôi con cái trưởng thành. Giờ  lên chức ông chức bà, ông bà vẫn “vác tù và hàng tổng”, kề vai sát cánh, hỗ trợ cho nhau hoàn thành tốt phần việc mỗi người. Với mức phụ cấp cho trưởng thôn 400 nghìn đồng/tháng, cộng tác viên dân số 100 nghìn đồng/tháng, ông Đoàn, bà Giẳng lấy làm vui vẻ khi khoe: cũng đủ tiền xăng xe đi lại!

Vợ chồng ông Trưởng thôn, người “vác tù và hàng tổng”.
Vợ chồng ông Trưởng thôn, người “vác tù và hàng tổng”.

Ông Lê Xuân Đoàn mấy lần qua UBND xã xin “từ chức” trưởng thôn. Chủ tịch UBND xã Lê Thế Triển tha thiết: “Bác không làm thì tìm lấy một người đủ năng lực, tâm huyết, được bà con tin tưởng, ủng hộ như bác giới thiệu cho xã rồi xã cho bác nghỉ”. Mấy năm nay ông Đoàn cũng để ý chọn, nhưng lớp trẻ thì chúng không thích ở làng, lớp trung niên theo tàu, theo đò làm ăn sông nước... “Coi như bài toán đầy nan giải!”- ông trưởng thôn chép miệng.

Đến chuyện xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch UBND xã Lê Thế Triển nhớ lại: “Khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã rất lo về thôn Phú Cát. Thời điểm nước rút về đích càng lo hơn. Hỏi trưởng thôn Đoàn: Bà con có làm được không? Trưởng thôn gật đầu chắc chắn: Được! Bây giờ Lương Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong huyện Quảng Ninh cán đích nông thôn mới, càng cảm thông hơn cho người dân Phú Cát cách trở đò ngang nhưng vẫn hết lòng vì phong trào chung”.

Nếu ai từng biết đến cuộc sống các làng vạn đò mới hiểu hết cái lo của xã Lương Ninh, của huyện Quảng Ninh. Người dân phần lớn thời gian trên sông nước, xem con đò là nhà, không “mặn mà” phía trên bờ...

Riêng Phú Cát thì khác, phong trào xây dựng nông thôn mới được 100% người dân đồng thuận, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, tùy tấm lòng để làm nông thôn mới. Kết quả, Phú Cát hoàn thành bê tông hóa 6 trục đường ngang chiều dài 400m và trục đường liên xã chạy ven bờ sông Nhật Lệ trên 1.000m, đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, 100% nhà dân đều được xây kiên cố, mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/năm...

Làng “nhác đẻ”...

Cách xa trung tâm xã Lương Ninh, người dân sống thiên về sông nước nhưng lạ là Phú Cát lại có thành tích đặc biệt trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) khi gần 10 năm qua, thôn không có người sinh con thứ ba, được mệnh danh là làng “nhác đẻ”.

Sổ công tác của bà Nguyễn Thị Giẳng ghi chép rõ ràng: Phú Cát có 70 hộ, 301 nhân khẩu, trong đó 145 nữ (nữ tuổi từ 15 đến 49 là 77 người, nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 54 người). Phần lớn chị em đều tham gia những công việc lao động chân tay, chủ yếu là nghề khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng, đánh bắt thủy hải sản và làm kinh tế trang trại. 10 năm nay làng không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ ba, đều dừng lại ở mức một đến hai con. Đến nay, làng hai lần được khen thưởng về công tác DS-KHHGĐ, đang được đề nghị khen thưởng lần thứ ba.

Lớp học mầm non ở Phú Cát.
Lớp học mầm non ở Phú Cát.

Chị Nguyễn Thị Hà là một trong số những người của làng đang thực hiện mô hình gia đình “ba người”: một chồng - một vợ - một con. Vợ chồng Hà làm kinh tế trang trại, sinh con trai năm nay đã 8 tuổi nhưng vẫn chưa có kế hoạch sinh con tiếp theo. Hỏi: Vì sao? Trả lời: “Nhà em phải tập trung phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống ổn định mới tính tiếp chuyện... thêm con”.

Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ trong làng thực hiện mô hình gia đình “ba người” nên số lượng trẻ hàng năm huy động vào các cấp học cứ thấp dần. Năm học 2014- 2015 này, “vét” hết làng Phú Cát cũng chỉ được 11 cháu trong độ tuổi mầm non. Lớp học mầm non được bà con nhường hẳn một phòng tại nhà văn hóa.

Cô giáo Lê Phương Thủy cho biết: Lớp chỉ có 8 cháu. Mặc dù các cháu không cùng độ tuổi nhưng vẫn phải ghép lại để dễ quản lý và chăm sóc. “Nhà mô cũng thực hiện mô hình “ba người”, kiểu ni vài ba năm nữa thì làng không có trẻ con... Nguy to!” - ông Trưởng thôn hóm hỉnh một cách tự hào.

Bà Giẳng cho biết, 20 năm gắn bó cùng công tác DS-KHHGĐ, đôi lần bà  định bỏ cuộc vì đuối sức. Đó là khoảng thời gian khoảng 10 năm đầu bà tham gia công tác này, tưởng tượng đang như trồng cây đến ngày hái quả thì có người sinh đứa thứ ba, vậy là bao nhiêu công sức tuyên truyền, vận động chị em thực hiện KHHGĐ đổ cả xuống sông, xuống biển, phải làm lại từ đầu, đâm nản!

Nhờ sự động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương và chồng, bà Giẳng đã tiếp tục bền bỉ “vác tù và hàng tổng” và đạt được kết quả khá đặc biệt của một làng vạn đò: 10 năm liền làng không có trường hợp sinh con thứ ba...

Phú Cát giờ đây đã khác xưa. Nhịp sống mới của ấm no, hạnh phúc đã vào đến tận từng hộ dân khi họ hiểu đúng hơn về công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình.

Hương Trà