.

Chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS: Cần sự vào cuộc của cộng đồng xã hội

Thứ Năm, 23/10/2014, 13:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung và các hoạt động chống lại kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS nói riêng, công tác  truyền thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh công tác này bằng nhiều hình thức, nhằm làm giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội đối với người nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các nội dung của  chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Hội thảo chuyên đề về công tác phòng chống HIV/AIDS là một trong những hoạt động được tỉnh ta chú trọng tổ chức hàng năm.
Hội thảo chuyên đề về công tác phòng chống HIV/AIDS là một trong những hoạt động được tỉnh ta chú trọng tổ chức hàng năm.

Rào cản lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS

Trong thực tế, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã và đang là rào cản làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS. Nguyên nhân cơ bản của sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV và cả  người bị liên quan hoặc ảnh hưởng bởi HIV/AIDS xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ  về HIV, không ít người còn coi HIV là tệ nạn xã hội.

Câu chuyện của chị C ở huyện Lệ Thủy là một ví dụ. Chị C là người phụ nữ thật thà, chịu thương, chịu khó, đang có cuộc sống bình yên được bà con láng giềng yêu mến bỗng dưng bị cô lập khi mọi người phát hiện ra chồng chị bị AIDS. Căn nhà trở trên trống trải bởi rất ít người qua lại, con trai đi học cũng bị bạn bè xa lánh, bản thân chị không kiếm được việc làm...

Hoàn cảnh của chị C cũng là nỗi đau của rất nhiều người khác khi phải sống chung với HIV/AIDS. Thực tế đó làm cho nhiều người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS tự ti, mặc cảm, sống khép kín, thậm chí có trường hợp khi phát hiện bị nhiễm HIV đã tự vẫn vì không đủ nghị lực để vượt qua nhiều trở ngại dù tuổi đời còn rất trẻ.

Một số người muốn công khai tình trạng nhiễm HIV/AIDS của mình để mong nhận được sự cảm thông, đồng cảm của mọi người xung quanh và sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng song không nhận được sự ủng hộ của chính những người thân trong gia đình. Chính điều này làm cho việc kiểm soát tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng càng khó hơn bởi không có được sự chủ động hợp tác của chính người bệnh và người thân của họ.

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông và cung cấp nhiều dịch vụ y tế thân thiện nhằm từng bước xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Thông tin, Truyền thông và ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề để cung cấp cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông ở các ban, ngành, đoàn thể, địa phương những kiến thức về HIV, cách chăm sóc, điều trị, các hoạt động can thiệp giảm tác hại...; đồng thời, giới thiệu các dịch vụ y tế trong chăm sóc, dự phòng lây nhiễm và điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, Bản tin giáo dục sức khỏe, Tạp chí văn hóa... nhiều tác phẩm báo chí về lĩnh vực này đã đến được với cộng đồng, nhất là những người đang sống chung với HIV, trong đó có nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.

Những hoạt động khác như nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu kiến thức hay trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, địa phương đã lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Y tế mà vai trò hạt nhân là Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã xây dựng những mô hình dịch vụ y tế thân thiện như tăng cường  hoạt động tư vấn tại đơn vị, tại nhà riêng của người bệnh, tổ chức giao lưu gặp gỡ giữa các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng. Qua đó, đã lồng ghép các hoạt động truyền thông, giới thiệu người có nguy cơ lây nhiễm và người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đến các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị để bảo đảm sức khỏe.

Mặc dù toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ rào cản kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV song trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, không ít người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp xúc với những người đang sống chung với HIV. Và chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, chất lượng cuộc sống người bệnh, nguy hại hơn là làm cho họ mặc cảm giấu bệnh, không chủ động hợp tác với cơ sở y tế dẫn đến nhiều hệ lỵ đáng lo ngại khác.

Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay khái niệm người có “H”, người sống chung với HIV được thay thế cho cách gọi của người bị nhiễm HIV/AIDS. Đây chính là thể hiện quan điểm chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người không may rơi vào hoàn cảnh bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Tuy nhiên, thể hiện quan điểm và thái độ chưa đủ mà quan trọng hơn là phải có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những người có H để họ thực sự được hưởng đầy đủ mọi quyền mà luật pháp đã quy định. Và chỉ khi có được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhất là vai trò của cộng đồng dân cư thì mới có thể từng bước xóa bỏ hoàn toàn rào cản kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Nhật Văn