.

Báo động tình trạng ô nhiễm tại các chợ nông thôn!

Thứ Sáu, 31/10/2014, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Là khu vực thường xuyên diễn ra hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa của hàng trăm, hàng nghìn người dân, chợ nông thôn thải ra một lượng rác rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề thu gom và xử lý rác thải ở các chợ nông thôn hiện nay đang có nhiều bất cập.

 

Người dân buôn bán chung với rác (chợ Cống Ngò, xã Dương Thuỷ).
Người dân buôn bán chung với rác (chợ Cống Ngò, xã Dương Thuỷ).

Chợ Mai (xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) là nơi tập trung, giao lưu buôn bán rất đông đúc của người dân trong xã và các xã lân cận. Cứ sau mỗi phiên chợ là lại có một khối lượng khá lớn rác thải ra, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Theo quan sát của chúng tôi, từ con đường đi vào chợ đến khu bán rau, bán hoa quả, hải sản... hầu như chỗ nào cũng có rác thải với đủ các loại: rơm, túi nilon, rau quả nát... Rác thải tại chợ Mai được thu gom vào một địa điểm cố định tại cổng sau của chợ, rồi chờ xe ô tô chở đi đến bãi rác tập trung. Song việc thu gom rác trong chợ không được tiến hành phân loại, các loại rác thải không phân hủy như túi nilon, bao tải rách, xốp được đổ chung với các loại rác dễ phân hủy như rau quả thối, hỏng. Đặc biệt, đối với một số loại rác thải cồng kềnh, để tiện cho việc xúc lên ô tô, các công nhân thu gom rác còn tiến hành đốt ngay tại điểm tập kết rác trong chợ.

Một số tiểu thương ở chợ Mai cho biết, khối lượng rác thải hàng ngày rất lớn, nhưng công tác thu gom, vận chuyển rác chỉ diễn ra 1 lần/ngày vào buổi chiều, dẫn đến rác ứ đọng cả ngày trong chợ và dọc đường dân sinh phía sau chợ. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, bố trí các gian hàng trong chợ không hợp lý, mùa mưa lầy lội, mùa nắng mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, đã làm cho môi trường ở đây rất ô nhiễm.

Lý giải về thực trạng trên, quản lý chợ cho biết, vấn đề vệ sinh môi trường ở chợ chưa bảo đảm là do thiết kế ban đầu không có nhà chứa rác. Trong khi đó, mỗi ngày lại có đến khoảng 2 tấn rác thải ra, gây khó khăn cho việc thu gom. Hiện tại, chợ cũng chưa có hệ thống xử lý rác thải nên rác thu gom xong cũng phải đợi xe chở về điểm tập kết chung trong vùng. Lẽ ra hàng tuần phải tổng vệ sinh toàn bộ, không chỉ quét dọn chợ mà còn phải phun rửa, tiêu độc... nhưng do chợ kinh doanh không có ngày nghỉ, nên không thể dọn vệ sinh triệt để; nhân viên vệ sinh chợ chỉ làm hợp đồng theo thời vụ, lương thấp.

Tương tự, ở chợ Cống Ngò (xã Dương Thuỷ, Lệ Thuỷ) rác thải cũng tràn lan khắp nơi. Người dân dường như sống chung với rác. Hàng ăn, thực phẩm sống, chín, hoa quả bị bu đầy ruồi nhặng. Người dân bức xúc kiến nghị nhiều lần, nhưng vẫn chưa thấy địa phương có biện pháp giải quyết. Người mua hàng nhiều khi phải bịt mũi trước khi vào mua hàng tươi sống, vì khu vực này nằm ngay cạnh hố rác thải bốc mùi hôi thối. Nhà vệ sinh trong chợ thì bịt kín, hiện không sử dụng được, nên nhiều người cứ tự nhiên phóng uế ngay bên ngoài.

Tiếp xúc với chúng tôi, những người buôn bán tại đây bức xúc cho biết, tiền phí, tiền vệ sinh đều phải đóng góp đầy đủ, nhưng vẫn phải họp chợ chung với rác, trong không gian ô nhiễm hàng ngày. Một số người dân ở gần chợ cũng lợi dụng tới đây đổ rác, dù chúng tôi cũng đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng xã đều làm ngơ.

Dù đã có biển cấm, nhưng người dân vẫn đổ rác ở khu vực chợ Hôm (xã Mỹ Thuỷ).
Dù đã có biển cấm, nhưng người dân vẫn đổ rác ở khu vực chợ Hôm (xã Mỹ Thuỷ).

Qua tìm hiểu được biết, tại một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh, có một bộ phận không nhỏ công nhân làm vệ sinh, nhưng chỉ nhận giao khoán khu vực vệ sinh từ ban quản lý chợ, mà không ký hợp đồng làm việc. Công việc phải làm không kể nắng mưa, vất vả, thường xuyên tiếp xúc với rác thải, song các trang bị bảo hộ lao động từ khẩu trang đến quần áo đều do người lao động tự trang bị. Mặt khác, thu nhập lại rất thấp, chỉ từ vài trăn ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng, nên có nhiều người mới làm chỉ được vài ba hôm là bỏ việc.

Qua quan sát, chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, nơi chứa rác, thùng đựng rác công cộng, biển báo tuyên truyền vệ sinh môi trường ở các chợ nông thôn hiện chưa được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình hạ tầng ở các chợ phần lớn đã xuống cấp, đường vào nhiều chợ nước đọng bẩn sau các trận mưa. Bên cạnh đó, người đi chợ, buôn bán nhỏ lẻ, cũng chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung.

Từ thực trạng trên, để kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương theo hướng sạch đẹp, văn minh, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng. Các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhất là Ban quản lý các chợ phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thường xuyên quan tâm đến vấn đề vệ sinh.

Đồng thời, các chợ cần thành lập và duy trì hoạt động mô hình quản lý bảo vệ môi trường chợ, đầu tư bổ sung các trang thiết bị chứa rác, xe vận chuyển rác thải; vận động các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ thực hiện việc phân loại rác thải, hình thành ý thức tốt về phân loại rác tại gốc, tạo thuận tiện cho việc thu hồi và tái chế sử dụng. Chính quyền các xã có chợ cần xây dựng một khu vực tập kết, xử lý rác, huy động và khai thác các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn.   

Phạm Hà