.

An toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp: Cần sự quan tâm đúng mức

Thứ Hai, 20/10/2014, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì nguy cơ mất an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, chỉ đứng sau một số ngành công nghiệp như khai thác mỏ, xây dựng và hóa chất. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức...

Trên thực tế, tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp mà bà con nông dân gặp phải thường bắt nguồn từ việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp như hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu... một cách thiếu khoa học, gây tổn hại đến sức khỏe hoặc những tổn thương do sử dụng điện và máy móc chưa đúng cách.

Trong khi đó, phần lớn lao động nông nghiệp lại chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp, mua máy về tự học, tự làm mà không có người giảng dạy, hướng dẫn bài bản, do vậy dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Anh Phan Văn Đạo, một người dân ở thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch cho biết: “Gia đình tôi mua máy tuốt lúa về để phục vụ cho thu hoạch mùa vụ được 2 năm nay. Sau khi mua máy, chỉ cần nhìn người ta làm một, hai lần là tôi biết cách làm, rồi cứ thế đưa ra đồng sử dụng luôn".

Tương tự như trường hợp của anh Đạo, chị Nguyễn Thị Hoà (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) cho biết: “Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phần lớn các gia đình làm nông như chúng tôi vẫn làm theo kinh nghiệm. Đa phần các loại thuốc bảo vệ thực vật đều có hướng dẫn sử dụng nên gia đình tôi cứ theo đó mà làm”. Anh Đạo và chị Hoà chỉ là hai trong số rất nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn chủ quan, chưa ý thức được mức độ mất an toàn, độc hại khi phải tiếp xúc với các máy móc thiết bị, phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp.

Phần lớn người nông dân sử dụng máy móc nông nghiệp chỉ dựa theo kinh nghiệm.
Phần lớn người nông dân sử dụng máy móc nông nghiệp chỉ dựa theo kinh nghiệm.

Điều tra về hiện trạng lưu thông và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật của cơ quan chức năng cho thấy, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do và trên 90% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và không hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng, kể cả sức khoẻ của chính người sử dụng thuốc.

Cũng theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguy cơ mất an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp hiện ở mức khá cao, chỉ đứng sau các ngành khai thác mỏ, xây dựng và hoá chất. Mặc dù tỉnh ta chưa có số liệu thống kê cụ thể về tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhưng nó xảy ra khá phổ biến và luôn tiềm ẩn nguy cơ ở mọi lúc, mọi nơi. Đơn cử như khi phun thuốc trừ sâu người lao động thường bỏ qua công tác bảo hộ như không dùng khẩu trang, găng tay, ủng bảo hộ...

Nhiều trường hợp để thuốc trừ sâu ngay cạnh khu sinh hoạt của gia đình, thậm chí có những trường hợp người nông dân khi đang pha chế thuốc sâu cũng châm thuốc để hút, dùng tay lau lên mặt...

Bên cạnh đó, do chạy theo lợi nhuận kinh tế, một số hộ nông dân sẵn sàng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không theo hướng dẫn, không tuân thủ thời gian cách ly nhằm tăng năng suất cây trồng, vô hình chung đã làm cho tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động ngày càng tăng.

Riêng đối với các loại máy nông nghiệp như máy cày, máy đập lạc, máy tuốt... nếu người sử dụng không nắm vững quy trình, không có trang thiết bị phòng hộ an toàn, có thể bị các tai nạn như: Hạt lúa bắn vào mắt trong quá trình tuốt lúa, dẫn đến mù loà hoặc giảm thị lực; bị máy cuốn đứt bàn tay... Ngoài nguyên nhân do sự chủ quan, thiếu kiến thức về bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất của người nông dân, cũng cần nói đến công tác thông tin, tuyên truyền về vệ sinh, an toàn lao động của một số ngành, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên và kịp thời.

Theo anh Nguyễn Vũ Lương, cán bộ Ban kinh tế, Hội Nông dân tỉnh thì trong năm 2013, từ chương trình của Bộ Lao động Thương binh-Xã hội, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 3 lớp tập huấn (1 lớp tại huyện Quảng Ninh, 2 lớp tại huyện Bố Trạch) cho 240 hội viên nông dân... nhằm từng bước giảm tai nạn rủi ro trong lao động sản xuất và trong đời sống, sinh hoạt của nông dân. Tuy nhiên do thời gian triển khai chưa nhiều, kinh phí triển khai còn khó khăn, nên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao.

Việc người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng hướng dẫn; không có dụng cụ bảo hộ khi lao động sản xuất; sử dụng điện, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất chưa theo quy trình hướng dẫn, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao... không phải là hiếm.

Mặt khác, hiện chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện an toàn lao động cho nông dân; chưa có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này, nên công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong nông nghiệp ở nhiều nơi bị buông lỏng... Tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp để lại những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Thiết nghĩ, để người nông dân tránh được những rủi ro khi tham gia sản xuất nông nghiệp, các ban, ngành, địa phương, cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong việc vận hành máy móc cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng và thời gian quy định...

Thanh Hải