.

Ai quản lý đội ngũ "lang vườn"?

Thứ Năm, 09/10/2014, 15:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Chích, lễ là một trong những cách chữa bệnh dân gian được lưu truyền và sử dụng rộng rãi trong đời sống người dân từ đời này sang đời khác ở nhiều địa phương. Lợi dụng điều đó, không ít người mặc dù không được truyền nghề, thiếu chuyên môn, nhưng lại chữa bệnh khiến cho những ai khi chứng kiến đều không khỏi lo ngại.

"Bỗng dưng" được nghề

Theo lời tâm sự của bà Thuận, 76 tuổi ở phường Phú Hải (Đồng Hới), một lang vườn được xem là có tiếng của vùng thì năm 42 tuổi bà được "người âm" ưu ái truyền lại nghề cho. "Tiếng lành đồn xa", từ đó bà trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người trong vùng và các địa phương lân cận. Vì vậy, hễ ai đau ốm đều gọi bà đến chích hoặc đến tận nhà bà để chữa trị.

Sau 33 năm kinh nghiệm hành nghề, hiện tại bà có thể chữa được hầu hết các bệnh ngoài da, viêm khớp, cảm cúm... Tuy tuổi đã lớn, mắt kém nhưng theo bà giải thích thì đây là nghề không phải ai cũng có thể được học hay được truyền lại, mà phải được "người âm" cho phép thì mới có thể làm. Bởi vậy, khi người bệnh cần thì bà không thể không chữa trị. Chi phí cho mỗi lần chữa trị, người bệnh chỉ mất 50.000 đồng.

Cũng được truyền nghề đặc biệt như bà Thuận, Bà Yêm (70 tuổi) ở Lệ Thủy kể lại quá trình bà được "người âm" cho học nghề như sau: Lúc bà còn trẻ, một hôm, bà nằm mơ thấy có "người âm" chỉ cho cách xác định các huyệt đạo trên cơ thể người và cách chích, lễ.

Theo lời mô tả đã được học, bà áp dụng để chữa bệnh. Lúc đầu bà chỉ chữa các bệnh cảm cúm thông thường, về sau các bệnh viêm, dị ứng ngoài da kết hợp với bầu (giác hơi) cũng được bà chữa cho rất nhiều người bệnh.

Những người dân sống xung quanh kể lại: Trước đây, thời bà Yêm còn trẻ, nhiều người đến chữa bệnh phải xếp hàng dài chờ mới đến lượt. Kết hợp với chích, lễ, bà còn biết xem bói nên người tìm đến bà ngày càng đông. Được một thời gian bà bỏ xem bói và chỉ chú tâm cho việc chữa bệnh. Tuy nhiên, do sức khỏe của bà yếu dần nên số lượng bệnh nhân đến chữa trị ngày càng ít.

Để nghề không bị mất và tạo việc làm cho con, cách đây không lâu bà đã truyền nghề lại cho người con gái tên Thủy, năm nay đã hơn 40 tuổi. Chị Thủy trước đây là công nhân khai thác đá, sau khi nghỉ làm về quê được bà dạy cho cách xác định các huyệt đạo và cách chích, lễ. Những khách hàng tìm đến bà đều được bà giới thiệu đến chị Thủy để chữa trị. Hiện nay, tên chị Thủy cũng đang dần dần tạo được "thương hiệu" nhất định.        

Một bài chữa nhiều bệnh

Theo lời giới thiệu của những người đã từng chữa bệnh ở các "lang vườn" được cho là có tiếng, ở các vùng như Quảng Ninh, Lệ Thủy, Đồng Hới, thì họ có phương pháp chữa bệnh rất đặc biệt. Đó là, chỉ cần một cách chích hoặc bầu, những "lang vườn" này có thể áp dụng để chữa được rất nhiều bệnh khác nhau, từ cảm sốt thông thường đến các bệnh khó chữa ngoài da, phong thấp.

Nhiều
Nhiều "lang vườn" tự hành nghề dù không được truyền nghề hay học hành bài bản.

Chị Trần Thị Nhung, ở Quảng Ninh, cho hay: Thường thì chỉ những lúc đau đầu, cảm cúm lâu ngày không khỏi thì chị mới tìm tới bà lang Nguyễn Thị Kh. (Lệ Thủy) để chích và xông hơi. Sau mấy ngày người khỏe lên trông thấy. Mới đây, bà Kh. có giới thiệu là chữa được bệnh phong ngứa nên chị rất mừng. Chân chị bị ngứa, nhiều lúc gãi chảy máu rất khó chịu, mặc dù đã đi khám nhiều nơi và uống đủ thứ thuốc nhưng cũng không khỏi. Sau khi về bà lang Kh chích và bầu để hút máu độc thì giờ chân đã có phần đỡ hơn.

Để có thể tận mắt chứng kiến phương pháp chữa bệnh này của các "lang vườn", tôi tìm đến địa chỉ mà chị Nhung và một số người bệnh đã giới thiệu. Sau khi trình bày tình trạng về bệnh viêm khớp và ngứa ngoài da của người nhà thì bà lang tên Lý, ở Đồng Hới cho hay, nên chở người bệnh đến để xem bệnh tình thế nào và chích ở vị trí nào. Bà cũng khẳng định: Viêm khớp hay ngứa thì chỉ cần chích là khỏi.

Theo chân một phụ nữ bị ngứa do dị ứng đến địa chỉ của bà lang ở Lệ Thủy để chữa bệnh. Sau khi được bà này dùng kim may chích những nơi bị ngứa mà theo bà giải thích là để lấy phần máu đen (máu độc) ra ngoài, bà tiến hành bầu ở những vị trí đã chích. Khi đã hoàn thành, bà lấy dung dịch, được cho là nước phép đựng trong chai nhựa đã cắt phần miệng, dùng que tre chà vào những nơi ngứa của chị và dặn thêm, nếu sau này ngứa trở lại thì đến để điều trị tiếp cho dứt hẳn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm đến chữa bệnh với phương pháp này. Chị Hồng ở Bắc Lý (Đồng Hới) chia sẻ: Sau đợt đi giác hơi ở một bà lang gần nhà, thấy đồ dùng sau khi làm xong chỉ được rửa bằng nước qua loa nên chị thấy sợ và không đến nữa. Đa số những dụng cụ hành nghề của các "lang vườn" sau khi chữa bệnh cho nhiều người không được khử trùng an toàn. Các cây kim thường được dùng chích cho người này sang người khác.

Chia sẻ phương pháp khử trùng, một "lang vườn" cho hay, đối với những kim may sau khi chích thì dùng dầu phật linh rửa qua, sau đó lấy hạt nén để khử trùng. Bà cũng cho biết thêm, hầu hết người quen trong làng thì chích bằng kim của bà, vì họ không yêu cầu phải dùng kim mới. Những người ở xa, có người mang theo kim tiêm để chích.    

Không an toàn

Nói về thực trạng của một số "lang vườn" hiện nay, bác sĩ Trần Nam Định, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình đã đưa ra những chia sẻ: Chích, lễ là một trong những cách chữa bệnh đơn sơ được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế của cách chữa bệnh này là không bảo đảm tính nghiêm ngặt của y học. Theo nguyên tắc, các dụng cụ như kim, bầu và những dụng cụ liên quan khác phải được vô trùng tuyệt đối, được sát trùng bằng cồn 70 độ. Nhưng thực tế, các lang vườn không làm được điều này. Phần lớn, họ đều sử dụng phương pháp thủ công như hơ kim trên lửa để đốt hoặc dùng dầu phật linh để rửa là hoàn toàn không đúng. Khi thực hiện những biện pháp này, vi khuẩn vẫn chưa chết hoàn toàn, có nhiều loại khi gặp nhiệt có thể phát triển hơn.

Bên cạnh đó, nhiều lang vườn, người bệnh quan niệm rằng, máu đen là máu độc nên cần phải chích để nặn ra càng nhiều càng tốt, nhưng thực ra, quá trình tuần hoàn, máu giàu ôxi có màu đỏ tươi sau khi trao đổi chất có màu đen là máu thiếu ôxi. Như vậy, việc sử dụng kim hoặc các vật nhọn để lấy hết máu đen ra làm cơ thể bị mất máu một cách vô lý.   

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Khoa châm cứu ngoại phụ, Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh cho hay: Trong y học cổ truyền thì đau ở đâu sẽ chích ở đó, khi chích sẽ giúp giải độc, lưu thông máu và giảm đau. Thường những bệnh như ứ huyết, sưng tấy thì mới chích hay bầu. Ngược lại nếu lạm dụng việc chích sẽ dễ bị nhiễm trùng, như bệnh viêm khớp thì chỉ được phép điều trị bằng thuốc, hoặc châm cứu, nếu chích ở những vùng gần khớp, xương sẽ gây nên những biến chứng. Ngoài ra, những bệnh ngoài da thì không nên bầu vì rất dễ bị lây lan, nhất là tự làm tại nhà lại càng không bảo đảm.

Chích lễ là một phương pháp chữa bệnh dân gian thông dụng và có hiệu quả nhất định, nếu biết tuân thủ đúng. Vì vậy, để những "lang vườn" đúng nghĩa hoạt động hiệu quả, thiết nghĩ các cấp, ngành liên quan cần có những biện pháp chấn chỉnh và giám sát chặt chẽ. Mặt khác, cần có Hội đồng giám định chuyên môn đánh giá, kiểm tra tay nghề của những lang vườn này, nhằm tránh những nguy hiểm có thể gây ra cho người bệnh.

Đ.Nguyệt