.

Xe giường nằm: "Cần có lộ trình, không phải nói cấm là cấm"

Thứ Bảy, 20/09/2014, 17:07 [GMT+7]
Sau vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng ở Sapa mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc xe khách giường nằm có an toàn hay không và có nên cấm xe khách giường nằm hoạt động tại cung đường đèo dốc quanh co để hạn chế tai nạn.
Xe khách giường nằm sẽ được nghiêm cứu lộ trình và siết chặt quản lý. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Xe khách giường nằm sẽ được nghiêm cứu lộ trình và siết chặt quản lý. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Theo đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia và đơn vị kinh doanh vận tải, việc nghiên cứu quản lý xe khách giường nằm cần xem xét lộ trình, luồng tuyến, điều kiện hoạt động, rà soát điều kiện thiết kế, cung đường được chạy xe giường nằm… để làm sao bảo đảm an toàn nhất cho hành khách và quyền lợi kinh doanh của các doanh nghiệp.
 
Xe khách giường nằm có an toàn?
 
Mở đầu buổi Tọa đàm trực tuyến “Lộ trình nào an toàn cho xe khách giường nằm?” vào chiều 19-9, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, qua vụ xe khách giường nằm ở Lào Cai cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhìn nhận lại với loại phương tiện tiện này.
 
“Thực tế có một số ý kiến cho rằng, xe giường nằm vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại. Hiện, nước ta đang có 4.500 xe giường nằm chủ yếu là xe 2 tầng, chỉ có khoảng 80 xe 1 tầng. Các xe được sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 3 nghìn, khoảng 800 xe hoán cải, còn lại là xe nhập từ Trung Quốc, do đó cần phải có nghiên cứu kỹ càng, có lộ trình rõ ràng để mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an toàn khi đi trên các luồng tuyến này,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận.
 
Khẳng định độ an toàn của xe khách giường nằm và xe khách tương đương nhau và tai nạn xảy ra với xe khách giường nằm không phải do yếu tố kỹ thuật gây nên, Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Xuân Mai, Nguyên Trưởng khoa Giao thông trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, yếu tố kỹ thuật của sự thăng bằng xe khách giường nằm so với xe khách thông thường không có nhiều khác biệt.
 
Lý giải rõ hơn, Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Xuân Mai đưa ra nghiên cứu các vụ tai nạn xe khách giường nằm cho thấy, 30% tai nạn xảy ra trên đường đèo dốc, 70% do đồng bằng. Như vậy, tai nạn cũng không phải do đường sá mà do quá trình điều khiển phương tiện.
 
Tuy nhiên, dưới góc độ đơn vị kiểm định độ an toàn cho loại xe này, theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, không chỉ ở nước ta, các nước khác như Trung Quốc có nhiều xe giường nằm, Châu Âu cũng có. Tuy nhiên, ở những nước này, xe khách giường nằm chất lượng rất cao, số chỗ nằm ít hơn, kết cấu giường có vách lưới ngăn các giường nằm với kết cấu nhẹ, an toàn, có tác dụng hỗ trợ giảm thương vong nếu có sự cố xảy ra.
 
“Về lý thuyết, trọng tâm xe khách giường nằm cao hơn xe ghế ngồi cùng chủng loại, vì vậy, việc xe khách mất ổn định hơn các xe khác trong cùng điều kiện khai thác là điều đương nhiên. Tuy nhiên, yếu tố kỹ thuật lái xe, làm chủ đoạn đường,... cũng cần phải tính tới. Cục Đăng kiểm đang nghiên cứu thử nghiệm so sánh xe giường nằm 2 tầng và xe ghế ngồi trên cùng một điều kiện đường sá, độ dốc, độ cua để có khuyến cáo từng loại đường cho xe giường nằm hoạt động,” ông Trí nói.
 
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ tỏ ra băn khoăn về khoang xếp hàng của xe khách do xếp hàng hóa không chuẩn sẽ liên quan đến an toàn của xe, để rỗng nhiều quá là cơ hội để nhồi nhét hàng hóa. Do vậy, xe khách chở hàng hóa nếu không kiểm soát được sẽ nguy hiểm vô cùng. 
Hiện trường vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai ngày 1-9 vừa qua khiến 14 người tử vong. (Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN)
Hiện trường vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai ngày 1-9 vừa qua khiến 14 người tử vong. (Ảnh: Lục Văn Toán/TTXVN)
Với tư cách là đơn vị ôtô sản xuất xe giường nằm lớn nhất cả nước, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phân ôtô Trường Hải (THACO) lại thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nếu lên án xe giường nằm thì tôi là tội độ lớn nhất vì tôi cùng với bên Hoàng Long là người đầu tiên nghiên cứu về xe giường nằm ở Trung Quốc.
 
Theo ông Dương, người dân có nhu cầu đi lại rất lớn với loại phương tiện này bởi nếu không, tại sao nhà xe mua xe ghế ngồi mấy tỷ đồng mà chuyển qua giường nằm?
 
“Không ít xe được cải tạo lại từ xe ghế ngồi thành xe giường nằm, trong khi kỹ thuật sản xuất xe giường nằm phải được tính toán ngay từ khâu thiết kế sản xuất có kích thước, kết cấu và tính năng đặc thù. Xe ghế nằm, có thể giá thành sản xuất bằng với xe giường nằm, nhưng vì chỗ ít nên giá vé có thể đắt lên gấp rưỡi. Để đảm bảo an toàn, chúng ta cần rà soát cả cung đường. Nếu chất lượng đường không đủ cho xe giường nằm thì đối với xe ghế ngồi cũng thế, phải chuyển sang dùng xe ngắn hơn vì xe 12m khi quay thì phải tránh những cung đường ngoắt ngoéo,” ông Dương nói.
 
Nghiên cứu lộ trình “số phận” xe giường nằm
 
Là đơn vị chuyên chở hành khách tuyến Hà Nội-Điện Biên bằng xe khách giường nằm, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần vận tải ôtô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Điện Biên cho biết, xe khách giường nằm có nhiều ưu việt, thuận tiện và được sự chấp thuận của đa số thị trường và người tiêu dùng, xe chạy đêm tiết kiệm thời gian nghỉ ngơi để ngày làm việc. 
 
“Cấm xe giường nằm là chúng ta tụt hậu, bởi ngoài tính tiện nghi với sức khỏe con người, nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho thấy không có liên quan đến vấn đề kỹ thuật xe giường nằm với tai nạn giao thông. Chưa kể, có sự kết hợp giữa vận tải hành khách với hành lý, hàng hóa rất hợp lý (có thiết kế khoang để hành lý riêng),” ông Mạnh khẳng định.
 
Đưa ra lý lẽ và dẫn chứng, ông Mạnh cho hay, doanh nghiệp có 80 xe, bình quân đầu tư 3 tỷ đồng/xe, thậm chí có xe lên tới 5 tỷ đồng. Vốn vay, vốn huy động rất lớn và chủ yếu là vốn của dân, không có vốn Nhà nước. Nếu không đủ điều kiện chạy xe giường nằm thì nhất định phải chuyển qua loại hình khác, tuyến đường khác hoặc làm việc khác cho phù hợp. Do vậy, nếu có chuyển đổi cần phải có lộ trình, đi cùng siết chặt quản lý.
 
Đề cập đến vấn đề quản lý loại phương tiện này, đại diện các cơ quan đều đưa ra nhận định, việc nghiên cứu quản lý xe giường nằm cần xem xét lộ trình, luồng tuyến hoạt động, điều kiện hoạt động, sửa đổi Thông tư 18 về mô hình doanh nghiệp được chạy xe giường nằm. 
 
“Giám sát xe giường nằm như thế nào, thiết bị giám sát hành trình sử dụng thế nào, tăng cường giám sát ra sao. Đây là những yếu tố rất quan trọng quyết định việc đi xe giường nằm có thực sự an toàn hay không?,” ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông đặt ra câu hỏi.
 
Về vấn đề quản lý xe khách giường nằm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đang nghiên cứu theo hướng đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải không cho phép xe giường nằm đi trên cấp đường thấp; hoặc những tuyến đường đã cải tạo nâng cấp nhưng có địa hình quanh co, đèo núi dốc, phải có biển hạn chế tốc độ với xe khách giường nằm.
 
“Bảo đảm an toàn giao thông vẫn là ưu tiên số một nhưng Bộ cũng luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phục vụ hành khách tốt nhưng không gây ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Chúng tôi sẽ sửa đổi theo hướng có lợi cho cả 2 đối tượng trên, chứ không phải nói cấm là cấm,” ông Quyền khẳng định.
 
Chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu để đưa ra các quy định cụ thể, không thể ngay lập tức cấm, ngược lại cũng không thể để xe chạy trong tình trạng an toàn không cao. Vì thế, các cơ quan cần tập trung nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn và tính mạng cho người dân và hành khách..
 
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, để làm được điều này, trước hết phải đưa ra được quy hoạch luồng tuyến hợp lý, sau đó đánh giá mức độ an toàn thiết kế xe ra sao, bố trí hàng hóa trên xe thế nào để đảm bảo sự cân bằng của xe, chạy trên địa hình đèo dốc thì đơn vị quản lý phải làm gì…
 
“Tất cả những điều đó chúng ta đều phải nghiên cứu và tính toán kỹ. Thực tế, kinh doanh loại hình này phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt hơn, không thể như loại xe khác. Chúng ta định hướng như thế để làm sao bảo đảm an toàn nhất cho hành khách, đảm bảo quyền lợi kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì thế cần có lộ trình,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định./.
Theo MẠNH HÙNG (VIETNAM+ )