.

Vai trò của báo chí trong tuyên truyền về vấn đề giảm sinh

Thứ Ba, 16/09/2014, 19:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong công tác tuyên truyền về vấn đề giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong cộng đồng, đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các loại hình báo chí đóng một vai trò then chốt và là cầu nối đắc lực từ các cơ quan, đoàn thể đến với mỗi người dân.

 

Báo Quảng Bình đã thường xuyên duy trì chuyên trang DS-KHHGĐ.
Báo Quảng Bình đã thường xuyên duy trì chuyên trang DS-KHHGĐ.

Các kênh thông tin đại chúng được sử dụng trong tuyên truyền với số lượng, thời lượng, tần suất, nội dung ngày càng tăng và hấp dẫn đã tạo nên dư luận xã hội thuận lợi cho việc thực hiện chính sách DS/CSSKSS/KHHGĐ của Đảng và Nhà nước.

Qua đó, nhiều thông điệp truyền thông được gửi trực tiếp đến các đối tượng, chú trọng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, vị thành niên, thanh niên, các nhà quản lý, những người có uy tín trong cộng đồng... Chính vì vậy, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã thường xuyên có sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Những năm trở lại đây, Báo Quảng Bình và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã thường xuyên phối hợp và duy trì chuyên trang DS-KHHGĐ trên Báo Quảng Bình. Chuyên trang được triển khai vào mỗi tháng, đăng tải tin, bài phản ánh các hoạt động về công tác DS-KHHGĐ, những khó khăn và thách thức của công tác dân số, các nội dung nâng cao chất lượng dân số, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; đồng thời phê phán những hành vi vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DS-KHHGĐ, nội dung, giải pháp về truyền thông chuyển đổi hành vi DS-KHHGĐ.

Bên cạnh đó, chuyên trang còn tuyên truyền các mô hình nâng cao chất lượng dân số, như: sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân, nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng đồng, Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển... Song song, Báo Quảng Bình thường xuyên và tích cực tuyên truyền có hiệu quả Ngày Dân số Thế giới 11/7, tháng hành động quốc gia về dân số, ngày Dân số Việt Nam 26-12 và các nội dung về DS-KHHGĐ theo kế hoạch.

Các bài viết trong chuyên trang đa dạng về thể loại thể hiện (phóng sự, phản ánh, ghi nhanh, tường thuật...) và nội dung phong phú (hầu hết công tác DS-KHHGĐ của 8/8 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đều được phản ánh trong chuyên trang). Về tin, bên cạnh các tin theo tổng kết số liệu, kết quả hoạt động còn có các tin nằm trong chuyên mục “Sổ tay cộng tác viên dân số”, nhằm cung cấp cho chị em cộng tác viên những kiến thức cơ bản nhất về lĩnh vực này.

Một trong những nội dung trọng tâm của chuyên trang là tuyên truyền về giảm tỷ lệ sinh con thứ ba của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào công giáo, người dân biển đảo, ven biển và hải đảo. Các tin, bài tập trung những nội dung chính, như: Phản ánh thực trạng khó khăn của công tác DS-KHHGĐ của các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biển đảo, đặc biệt là những mô hình DS-KHHGĐ; nêu bật các tấm gương điển hình trong công tác DS-KHHGĐ ở các địa phương, nhất là đội ngũ cộng tác viên; chú trọng sự đổi mới trong công tác DS-KHHGĐ của mỗi địa phương, từ sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của chính quyền, cho đến sự đổi thay trong nhận thức của bà con và chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm quý của các địa phương có mức giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3...

Đội ngũ phóng viên phụ trách lĩnh vực DS-KHHGĐ rất cần được bồi dưỡng, đào tạo các kỹ năng, kiến thức cơ bản.
Đội ngũ phóng viên phụ trách lĩnh vực DS-KHHGĐ rất cần được bồi dưỡng, đào tạo các kỹ năng, kiến thức cơ bản.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền về công tác giảm sinh ở tỉnh ta, vẫn tồn tại những hạn chế và thách thức. Trước hết, tỉnh ta có không ít thôn, bản ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại gặp rất nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của bà con, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, còn hạn chế, do đó, hoạt động của các phương tiện truyền thông đại chúng chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, phóng viên phụ trách ngành ít được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo để nâng cao, hoàn thiện những kiến thức, kỹ năng về công tác DS-KHHGĐ. Hầu hết kiến thức đều tự học hỏi, nghiên cứu, cho nên, không tránh khỏi thiếu sót và chưa có chiều sâu. Đó là chính là những khó khăn chung trong tuyên truyền dân số không chỉ ở báo viết mà còn cả báo hình, báo phát thanh hay báo điện tử.

Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong tuyên truyền về vấn đề giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong cộng đồng, cần chú trọng một vài giải pháp cơ bản. Trước hết, bên cạnh tuyên truyền qua chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài tỉnh, cần đẩy mạnh hơn sự tuyên truyền từ chính trạm, đài truyền thanh cơ sở, hoặc thông qua hình thức báo tường đang khá phổ biến ở nhiều vùng quê.

Ngành DS-KHHGĐ cần chú trọng phát triển hơn nữa các mô hình điểm (tập thể và cá nhân) về giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 để làm hình mẫu, góp phần nhân rộng, tránh tuyên truyền chung chung, sơ sài, và nhất là phải có sự động viên, khen thưởng kịp thời. Cần tạo điều kiện để tổ chức các sự kiện kỷ niệm, ghi nhớ... ngay tại địa phương có tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao để tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền. Đồng thời, việc tích cực tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên phụ trách ngành DS-KHHGĐ về những kỹ năng, kiến thức cơ bản liên quan cũng rất cần thiết trong quá trình tác nghiệp.

M.N