.

Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội: Nhiều hoạt động hướng về cơ sở

Thứ Ba, 23/09/2014, 13:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, thời gian qua, tỉnh ta luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, xem đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Nhờ đó đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, và phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, AIDS và ma túy trên địa bàn tỉnh.

Sở đã hướng dẫn các cơ quan báo chí, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 138 tỉnh về tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm ma túy, phòng chống HIV/AIDS. Nhiều hoạt động được lồng ghép trong các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật, đưa thông tin về cơ sở, hội nghị giao ban báo chí hàng tháng, gặp mặt báo chí, họp báo... 

Các chương trình phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống HIV/AIDS được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Toàn tỉnh đã triển khai kế hoạch liên ngành giữa Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông về “Phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; Quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở khu vực biên giới giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo...

Công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai rộng khắp với sự tham gia của hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân. Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, góp phần phổ biến, giới thiệu đến mọi người dân về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về phòng tránh HIV được nâng lên rõ rệt.

Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS là hoạt động được Sở Thông tin và Truyền thông chú trọng tổ chức hằng năm.
Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS là hoạt động được Sở Thông tin và Truyền thông chú trọng tổ chức hằng năm.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình, Tạp chí AIDS và cộng đồng... bản tin của các ngành đã chuyển tải  kịp thời các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; phổ biến kiến thức dự phòng lây nhiễm và giới thiệu các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Thông qua các chuyên mục như Vấn đề cùng quan tâm, Phòng chống tệ nạn xã hội... của Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình; Sức khỏe cộng đồng, Phòng chống HIV/AIDS... (Báo Quảng Bình) đã thông tin kịp thời nhiều hoạt động phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống HIV và biểu dương các điển hình trong công tác phòng chống tội phạm ma túy, phòng, chống HIV  nhằm khích lệ, động viên và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, thị xã, thành phố đã hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền với những hình thức đa dạng, phù hợp thực thực tế địa phương, giúp người dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của công tác phòng tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS, từ đó huy động người dân phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

Nhiều địa phương có những mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền như sử dụng hình thức sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về HIV; đến các địa bàn vùng núi, ven biển để chiếu phim lưu động với những bộ phim tài liệu có nội dung liên quan đến công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.

Tiêu biểu cho các hoạt động trên là các huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn... và các trường học, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc phát huy vai trò của  các phương tiện thông tin đại chúng, việc cung cấp thông tin về HIV/AIDS bằng các hình thức khác cũng được chú trọng như tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về HIV/AIDS, các buổi giao lưu, tọa đàm có sự tham gia của người nhiễm HIV trên địa bàn. Hoạt động truyền thông trực tiếp để cung cấp thông tin cho các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao từng bước đã phát huy hiệu quả.

Thông qua các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS, những đối tượng trên được cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su sạch, được tư vấn kiến thức về HIV/AIDS và được giới thiệu đến các dịch vụ y tế thân thiện để chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và cộng đồng.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và giới thiệu, vận động các đối tượng nghiện ma túy tham gia chương trình Methadone nhằm góp phần giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người tham gia điều trị. Theo đó là giảm số người sử dụng ma túy vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống ma túy, phòng chống HIV/AIDS.

Nhật Văn