.

Trường THCS số 2 Nam Lý buộc học sinh thay đồng phục: Sự lãng phí không cần thiết

Thứ Hai, 22/09/2014, 11:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Những chiếc áo trắng đồng phục trong năm học 2013-2014 của học sinh Trường THCS số 2 Nam Lý (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) còn mới, nhưng đã trở thành đồ bỏ đi vì không còn được sử dụng từ năm học 2014-2015. Điều đó đã gây bức xúc cho rất nhiều phụ huynh ở trường này từ sau ngày khai giảng năm học mới đến nay.

Một phụ huynh không dấu được sự bực bội cho biết: “Năm học trước tui phải sắm cho con đang học lớp 8 hai áo theo kiểu đồng phục của nhà trường quy định từ lâu nay. Mới mặc được một năm, vậy mà bây chừ nhà trường buộc học sinh phải thay áo đồng phục cho năm học 2014-2015. Rứa là tất cả áo sắm năm trước đều phải vứt bỏ hết, tiếc lắm”.

Cũng như phụ huynh này, hàng trăm gia đình khác có con em học tại Trường THCS số 2 Nam Lý đều phải vứt bỏ áo đồng phục năm học trước và phải mua áo đồng phục mới do nhà trường bắt buộc. “Đây là một sự lãng phí tiền bạc rất lớn cho các gia đình và xã hội từ một việc đáng ra không cần phải thay đổi” - một phụ huynh khác nhận định.

Mục kích những chiếc áo trắng đồng phục mới mà Trường THCS số 2 Nam Lý buộc học sinh phải mua từ một hiệu may đã tới “tiếp thị” với nhà trường từ đầu năm học, cho thấy chất lượng vải quá kém. Vải mỏng tanh, các đường may thì  nhúm lại, kéo tà áo quăn lên, nhiều chỗ nhăn nhúm cứ như đường may của những thợ may mới tập làm. Nhiều em sau khi nhận áo về đã không mặc được do áo bị chật, bị kéo hở bụng...

Áo đồng phục năm học 2014-2015 của học sinh Trường THCS số 2 Nam Lý. Áo đồng phục trong năm học 2013-2014 của học sinh Trường THCS số 2 Nam Lý.
Áo đồng phục năm học 2014-2015 của học sinh Trường THCS số 2 Nam Lý (trái). Áo đồng phục trong năm học 2013-2014 của học sinh Trường THCS số 2 Nam Lý (phải).

Vậy mà với kiểu dài tay học sinh phải mua tới 110.000 đồng/áo và ngắn tay là 100.000 đồng/áo, trong khi đó cũng kiểu áo như của trường vừa buộc học sinh phải mua, nếu mua ở ngoài chỉ có giá từ 90.000 đồng với áo dài tay và 70.000-75.000 với áo ngắn tay.

“Điều đáng trách nhất với nhà trường, là áo đồng phục mới so với áo đồng phục cũ chỉ khác nhau ở chỗ áo mới có thêm một đường viền đen trên cổ áo và logo trên ống tay áo có thay đổi đi chút ít mà thôi. Chỉ có vậy mà nhà trường buộc hàng trăm học sinh phải vứt bỏ hàng trăm áo đồng phục năm học trước để mua mới là quá phi lý! Và việc con em chúng tôi phải mua áo mới trong khi nhà trường và các lớp không họp phụ huynh để bàn bạc lại càng đáng trách hơn” - một phụ huynh có con đang học lớp 7 nói.

Ngày 11-9, trả lời chúng tôi về bức xúc của phụ huynh, ông Trần Văn Thương,  Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Nam Lý cho biết, ông không biết chuyện có thay đổi áo đồng phục và chuyện học sinh bị buộc phải mua áo đồng phục mới.

Ông Thương nói: “Mẫu mã và thay đổi đồng phục của trường có ban đồng phục do cô Nga và cô tổng phụ trách đội đứng ra phụ trách, do cả hội phụ huynh chọn chứ tôi không quyết định”. Khi hỏi ông Thương rằng, bất cứ một thay đổi nào trong nhà trường được áp dụng thì người đứng đầu có phải chịu trách nhiệm không, và nếu không được phép của hiệu trưởng thì hội đồng đồng phục của trường có thành lập được không?

Loanh quanh một hồi ông Thương mới thừa nhận: “Tôi chỉ thấy không vui khi thay đổi đồng phục mà lại không đẹp hơn đồng phục năm học trước!". Còn đề cập đến trách nhiệm của một hiệu trưởng thì ông Thương không nói gì.

Ngày 12-9, bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Đồng Hới cho biết, việc Trường THCS số 2 Nam Lý buộc học sinh phải thay đổi áo đồng phục trong khi không cần phải thay đổi như vậy là trái với công văn của Sở GD-ĐT Quảng Bình đã ban hành đầu năm học 2014-2015, trong đó có quy định là các trường không được ép buộc và đứng ra mua thay, mua hộ đồng phục cho học sinh. “Việc này chúng tôi sẽ xem xét và xử lý nặng nếu vi phạm” - bà Sáu nói.

Lam Giang