.

Trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân: Đừng đợi "nước quá chân"!

Thứ Hai, 15/09/2014, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những đặc thù của nghề biển, đặc biệt là trong tình hình Biển Đông đang "nóng" như hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về biển, đảo cho ngư dân đang là vấn đề cấp thiết, nhằm góp phần giúp ngư dân trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết khi vươn khơi bám biển, làm chủ trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, hiện nay công tác này vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức, có nhiều lo ngại.

Hiểu biết mù mờ

Đó chính là thực trạng chung mà chúng tôi nhận thấy khi tìm hiểu kiến thức pháp luật về biển, đảo của các ngư dân tỉnh ta. Gắn cuộc sống với những chuyến vươn khơi bám biển, hành trang chủ yếu mà các ngư dân mang theo là những ngư, lưới cụ phục vụ cho công việc đánh bắt, vài ba loại thuốc để phòng những khi đau ốm đột xuất. Còn việc trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân thì hầu như chẳng mấy ai ngó ngàng, có chăng, họ chỉ quan tâm đến cách tính địa giới lãnh hải để tiện cho việc đánh bắt. Đó là tâm lý chung, phổ biến từ xưa đến nay.

Xã biển Đức Trạch là một trong những địa phương có số tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh ta, với 235/428 tàu và hơn 1.600 ngư dân bám biển dài ngày. Những năm gần đây, nghề biển đem lại cho ngư dân tỉnh ta nói chung và Đức Trạch nói riêng những nguồn lợi không nhỏ, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư tàu thuyền, chuyển từ tàu nhỏ sang tàu công suất lớn, chuyển đánh bắt từ vùng lộng ra vùng khơi, năng suất, sản lượng cao hơn trước. Các ngư dân cũng chú trọng hơn đến việc nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề của bản thân bằng cách tích cực tham gia các lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng. Tuy nhiên, để tìm được một ngư dân am tường về các kiến thức pháp luật biển, đảo thì chẳng khác nào "mò kim đáy bể".

Anh Nguyễn Văn Lới (thôn Đức Trung) thật thà cho biết: "Gần 20 năm làm nghề đánh bắt, điều mà tôi và có lẽ là hầu hết ngư dân ở đây quan tâm nhất là làm thế nào để nâng cao sản lượng đánh bắt, thu về được nhiều cá, mực sau mỗi chuyến ra khơi. Việc trang bị những kiến thức pháp luật về biển, đảo nói thiệt chúng tôi cũng lơ mơ lắm. Quanh năm lăn lộn với sóng gió mấy khi chúng tôi có thời gian để tìm hiểu về những điều đó. Hơn nữa, tôi cũng chưa từng được tham gia một buổi tập huấn hay tuyên truyền gì vấn đề này cả".

Trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật góp phần giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển.
Trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật góp phần giúp ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển.

Đây không chỉ là hạn chế của riêng anh Lới hay của riêng xã biển Đức Trạch mà là của hầu hết các ngư dân, các làng biển tỉnh ta. Rất nhiều ngư dân tỏ vẻ ngạc nhiên, khi nghe chúng tôi hỏi về một số tài liệu liên quan đến pháp luật biển, đảo như: Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông; Luật Biển Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia; Luật An ninh quốc gia; Tuyên bố ngày 12-5-1977 về hàng hải, vùng tiếp giáp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam...

Thậm chí, cá biệt có nhiều trường hợp có sẵn một vài cuốn tài liệu nhưng vẫn không hề ngó ngàng tới, đến khi chúng tôi hỏi thì họ mới lục tìm và nhớ ra là trước đây đã được cấp phát khi tham gia các lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng.

Đâu là nguyên nhân?

Tình trạng thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật của ngư dân tỉnh ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà trước hết là do chính ý thức của họ. Quanh năm lăn lộn với sóng gió cùng những chuyến vào khơi ra lộng, tâm lý "cầu may" đã trở thành tâm lý cố hữu của đại đa số ngư dân. Chính tâm lý này đã dẫn đến tình trạng hời hợt với những vấn đề liên quan pháp luật về biển, đảo mặc dù các ngành chức năng tỉnh ta đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyền truyền đến tận ngư dân.

Ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để nâng cao nhận thức cho ngư dân về các vấn đề biển, đảo, hàng năm, chi cục đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các buổi tập huấn, các lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng, đồng thời cấp phát một số tài liệu cần thiết về luật biển, đảo cho ngư dân để họ nghiên cứu, tìm hiểu. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, đã tổ chức được 11 lớp đào tạo với 1.193 ngư dân tham gia (trong đó 3 lớp đào tạo thuyền viên với 376 học viên, 8 lớp thuyền trưởng, máy trưởng với 817 học viên).

"Tuy nhiên, vấn đề chính lại nằm ở ý thức của ngư dân, bởi lẽ rất nhiều người mặc dù có tham gia đầy đủ các buổi học, được giáo viên nhiệt tình phổ biến nhưng vẫn không mấy chú tâm, tham gia với hình thức chiếu lệ, tài liệu được cấp phát thì chẳng hề đả động đến.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, con số những ngư dân không được tham dự các buổi tuyền truyền lại chiếm phần đa. Hiện tại, tỉnh ta có 3.909 tàu cá với 15.566 lao động trên biển (chưa kể số lao động chui, không đăng ký với cơ quan chức năng). Tuy nhiên, mỗi năm số lao động được tham gia các lớp đào tạo lồng ghép tuyên truyền chỉ chưa khoảng trên dưới 5.000 người. Điều này lý giải vì sao rất nhiều ngư dân tỉnh ta lắc đầu nguầy nguậy khi được hỏi về các kiến thức pháp luật biển, đảo.

Một điểm hạn chế nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân ở tỉnh ta đó là việc "không thể tổ chức một lớp tuyên truyền riêng về các kiến thức pháp luật cho ngư dân" như khẳng định của ông Lê Minh Tuấn. Lâu nay, việc này chỉ được lồng ghép vào các lớp đào tạo thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng nên chất lượng có phần hạn chế, không chuyển tải đầy đủ các nội dung. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền thì việc phối hợp với các địa phương tổ chức một lớp riêng là cần thiết. Tuy nhiên, không dễ gì thực hiện được, khi mà ngay chính ngư dân lại không hề mặn mà với điều này. 

Từ thực trạng nêu trên, để công tác tuyên truyền pháp luật về biển đảo có hiệu quả, thiết nghĩ các cấp, ngành, địa phương cần có biện pháp đồng bộ, kiên quyết phối hợp chặt chẽ, hợp lý trong thời gian tới. Hình thức tuyên truyền cũng phải được thay đổi linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn, thời điểm và phải kịp thời. Có như vậy, việc trang bị kiến thức pháp luật để ngư dân vững tin khi vươn khơi bám biển mới thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Đ.V