.

"Thẩm mỹ viện" tự phát và những nỗi lo

Thứ Bảy, 13/09/2014, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Đời sống phát triển, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ cũng vì thế mà đòi hỏi ngày một cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu tân trang sắc đẹp của các chị em, nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đã được mở ra với những dịch vụ rất "ăn khách" như: tẩy nốt ruồi, phun thêu chân mày, xăm hình... Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, chưa có cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nào được cấp phép hoạt động trên địa bàn.

Tiệm cắt tóc “kiêm” phẫu thuật thẩm mỹ

Với mức giá dịch vụ vừa phải, các quán cắt tóc, gội đầu kiêm “thẩm mỹ viện” đang là lựa chọn của nhiều chị em có nhu cầu làm đẹp. Đa số những vị khách này là người lao động bình thường, khao khát được làm đẹp nhưng vì điều kiện kinh tế hạn hẹp nên họ chấp nhận mạo hiểm.

Hiện nay, các dịch vụ thẩm mỹ được quảng cáo dày đặc tại nhiều tiệm cắt tóc, gội đầu dọc theo các tuyến đường trung tâm TP. Đồng Hới. Chị Hiền, (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới), khách hàng đến làm đẹp tại một tiệm cắt tóc trên đường Võ Thị Sáu, chia sẻ: “Trên mặt tôi có cái nốt ruồi khá to, đi đâu tôi cũng thấy không tự tin. Thấy nhiều người bị nốt ruồi như tôi sau khi đi tẩy về đẹp và tự tin hẳn lên, lại không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, nên lần này tôi đến đây để tẩy”.

Được biết đa phần các dịch vụ ở những tiệm cắt tóc này chủ yếu là phun thêu chân mày, viền mắt; dặm lại hình thêu cũ; chăm sóc da, tóc... Mức giá dành cho các dịch vụ này bình quân từ khoảng 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tùy từng loại dịch vụ.

Ví như đối với dịch vụ chăm sóc da thì có giá từ 50-200 nghìn đồng, trong khi phun thêu chân mày từ 400-800 nghìn đồng... Chị T, chủ một tiệm cắt tóc cho biết: Giá phun thuê chân mày có nhiều mức khác nhau phụ thuộc vào loại mực thêu. Nếu dùng mực Hàn Quốc thì có giá khoảng 600 nghìn đồng, mực Mỹ 800 nghìn đồng...

Theo quan sát, chúng tôi thấy sau khi định hình kiểu dáng lông mày bằng bút chì, xịt thuốc tê, chị chủ tiệm sẽ trực tiếp thêu bằng bút có gắn kim, trong khi việc pha mực thêu như thế nào thì khách hàng không được thấy, chỉ được giới thiệu là loại mực bảo đảm, xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật hoặc Mỹ...

Nhu cầu làm đẹp hiện nay không còn chỉ dành riêng cho người có kinh tế khá giả ở phố thị, nhu cầu làm đẹp giờ đây đã là của tất cả mọi người, kể cả những chị em phụ nữ có thu nhập thấp ở các vùng quê nghèo. Và tất yếu, các tiệm cắt tóc “kiêm” thẩm mỹ viện cũng len lỏi mọc lên khắp nơi trên những con đường quê để đáp ứng nhu cầu không giới hạn của chị em. Làm đẹp ở các cơ sở “thẩm mỹ viện” thành phố đã là một sự mạo hiểm, việc làm đẹp ở nông thôn nỗi lo lại càng lớn.

Giống những tiệm cắt tóc ở thành phố, các tiệm cắt tóc ở vùng nông thôn cũng được giới thiệu với nhiều dịch vụ làm đẹp hấp dẫn như: phun xăm chân mày, môi, chăm sóc da mặt... Tuy nhiên mức giá các dịch vụ ở đây có phần mềm hơn.

Tiệm cắt tóc “kiêm” phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên khá nhiều trên địa bàn tỉnh.
Tiệm cắt tóc “kiêm” phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên khá nhiều trên địa bàn tỉnh.

Dừng chân tại một tiệm cắt tóc nhỏ ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), khi được chúng tôi hỏi đến các dịch vụ làm đẹp, chị chủ tiệm đon đả: “Em thích làm gì cũng có hết, chỗ chị chuyên làm đẹp thẩm mỹ về xăm hình nghệ thuật, xăm, phun, thêu lông mày, tẩy nốt ruồi, mụn... với giá rất bình dân. Lông mày em hơi nhạt, chị nghĩ nếu xăm chân mày lên mặt em sẽ xinh hơn rất nhiều. Xăm bằng mực Hàn Quốc với giá chỉ 400 nghìn đồng, em cứ yên tâm về chất lượng và giá cả”.

Tuy nhiên, khác với lời quảng cáo rất “bảo đảm” của chị chủ tiệm là các vật dụng hành nghề khá thô sơ, cũ kỹ, thậm chí là cáu bẩn, chưa kể đến loại mực chị ta nói có phải là mực Hàn Quốc thứ thiệt hay không?

Tương tự với tiệm cắt tóc ở Võ Ninh, nhiều tiệm cắt tóc ở những nơi khác cũng có dụng cụ và thuốc phẫu thuật thẩm mỹ không lấy gì bảo đảm bởi những chai lọ không nhãn mác và sự pha chế “lén lút”. Vậy nhưng các chủ tiệm luôn khẳng định là hàng Mỹ, Hàn Quốc, Nhật hoặc thuốc gia truyền... chất lượng cao.

Tiền mất, tật mang

Theo thông tin từ các phòng khám da liễu trong toàn tỉnh cho biết, có khá nhiều bệnh nhân đã phải tìm đến đây vì bị dị ứng, tai biến do phun lông mày ở những cơ sở không bảo đảm chất lượng, kỹ thuật.

Được biết, phun lông mày là kỹ thuật có xâm lấn ở da, dùng máy có kim nhỏ, đưa chất màu lên da tạo đường nét trên mày. Trong khi tiệm gội đầu, cắt tóc là những cơ sở không được phép vì kỹ thuật này đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối, kim phải được khử trùng cẩn thận. Tuy nhiên, việc khử trùng gần như không được những cơ sở này thực hiện hoặc thực hiện không triệt để. Do đó, việc lây nhiễm các bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, C... rất dễ xảy ra.

Bên cạnh đó, khi tiến hành các phẫu thuật có dùng kim, việc sử dụng thuốc gây tê là điều không thể thiếu, nếu thao tác gây tê không cẩn thận sẽ rất dễ làm bệnh nhân bị sốc phản vệ.

Một điều đáng lo nữa là phần lớn chất màu trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc, nên có rất nhiều khả năng gây hại đến sức khỏe. Vậy nên, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên môn, để tự bảo vệ mình, khi sử dụng kỹ thuật phun, thêu, xăm... khách hàng nên đến các cơ sở uy tín, đồng thời yêu cầu hấp, khử khuẩn dụng cụ theo đúng quy trình. Với những bệnh nhân bị biến chứng, cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Khó thắt chặt quản lý

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng của các cơ sở cắt tóc "kiêm" phẫu thuật thẫm mỹ trên, ông Phan Nam Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa có một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nào được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Còn các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp thông thường không thuộc ngành Y tế quản lý. Tuy nhiên nếu những cơ sở này có triển khai những dịch vụ thuộc phạm vi hành nghề về y tế mà không được cấp phép, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo quy định”.

Được biết, hàng năm, Sở Y tế đều có các đợt thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ viện và hành nghề y tư nhân. Trong năm 2013, Sở Y tế đã kiểm tra và lập biên bản xử lý đối với 8 cơ sở vi phạm một số dịch vụ thẩm mỹ và quảng cáo tư vấn trái quy định. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng được Sở Y tế chú trọng triển khai thực hiện, nhằm hạn chế thấp nhất những vi phạm trong hoạt động dịch vụ thẩm mỹ.

Tuy nhiên, cũng như ông Bình nói, các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp thông thường không thuộc ngành Y tế quản lý, do đó để tiến hành những cuộc thanh tra, kiểm tra đối với những cơ sở này rất khó khăn nếu như không có bằng chứng rõ ràng về các hành vi vi phạm.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế: “Theo quy định, tất cả các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ viện có triển khai những kỹ thuật thuộc phạm vi hành nghề về y tế đều phải được Sở Y tế cấp phép thì mới được hoạt động. Còn các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp thông thường tuyệt đối không được triển khai các kỹ thuật xâm lấn, động dao kéo gây chảy máu như xăm môi, mắt, tẩy nốt ruồi, tiêm thuốc hay các liệu pháp chữa trị.

Do vậy, những cơ sở làm đẹp treo biển hiệu giới thiệu dịch vụ không đúng phạm vi được cấp phép đều vi phạm quy định hiện hành”.

L.M