.

Quản lý nguồn tài nguyên rừng bền vững

Thứ Tư, 24/09/2014, 10:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, phong phú, độ che phủ rừng được xếp vào hàng đầu cả nước với khoảng 70%. Những năm qua công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm ngày càng có xu hướng giảm. Tuy nhiên để quản lý nguồn tài nguyên rừng bền vững cần có nhiều giải pháp đồng bộ và sự hỗ trợ của các dự án, trong đó có sự tham gia tích cực từ Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam, do Quỹ đối tác các-bon trong Lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới tài trợ.

 

Rừng của công ty LCN Long Đại được bảo vệ khá tốt.
Rừng của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại được bảo vệ khá tốt.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: công tác QLBVR trên địa bàn đã nhận được sự hỗ trợ của các dự án GTZ, dự án Bảo tồn nguồn tài nguyên nông nghiệp (ARCD)... Vừa qua, Quảng Bình là một trong ba tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Đắc Nông) được Ngân hàng Thế giới lựa chọn thực hiện dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam (bảo vệ quản lý, sử dụng bền vững và phát triển tài nguyên rừng). 

Triển khai thực hiện dự án này, Chi Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Ban QLDA REDD+ đã tiến hành lựa chọn các địa điểm để triển khai thực hiện thí điểm dự án. Trong đó địa bàn Lệ Thuỷ có xã Lâm Thuỷ (bản Mới và bản Xà Khía); huyện Quảng Ninh chọn xã Trường Sơn (bản Cổ Tràng và bản Khe Cát); chọn Công ty TNHHMTV LCN Long Đại để hỗ trợ xây dựng chương trình thí điểm nghiên cứu đề xuất ý tưởng cung cấp dịch vụ môi trường rừng quốc gia...

Để làm cơ sở cho việc thực hiện dự án, mới đây Chi Cục Kiểm lâm đến kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương trong tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, số vụ phá rừng, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Đến cuối tháng 8-2014, lực lượng bảo vệ rừng và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã phát hiện khoảng 650 vụ vi phạm lâm luật, các cơ quan chức năng đã xử lý 100% số vụ vi phạm, tịch thu gần 900m3 gỗ các loại và hơn 1.500 kg động vật hoang dã, so với cùng kỳ năm 2013 giảm được 120 vụ vi phạm, giảm 103 m3 gỗ tịch thu. Một số địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng là thành phố Đồng Hới, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh...

Huyện Bố Trạch các năm trước có nhiều “điểm nóng” về phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Nhưng trong năm nay tình hình vi phạm lâm luật ở địa bàn Bố Trạch giảm hẳn so với trước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm Bố Trạch và các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 82 vụ vi phạm lâm luật, giảm 20 vụ so với cùng kỳ năm, hầu hết các vụ vi phạm đều có tính chất đơn lẻ. Nhờ làm tốt công tác PCCCR nên diện tích rừng đặc dụng được duy trì ổn định, nâng độ che phủ rừng đạt 81%, vượt 6,7% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Nổi bật có các xã nằm trong vùng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã thành

Xử lý đối tượng vào rừng Phong Nha khai thác gỗ.
Xử lý đối tượng vào rừng Phong Nha khai thác gỗ.

lập câu lạc bộ Bảo tồn tài nguyên rừng do Đoàn thanh niên chủ trì. Hoạt động của câu lạc bộ là tuyên truyền, vận động người dân không  đốt phá rừng, không khai thác rừng bừa bãi. Nhờ đó ý thức của người dân được nâng lên, số vụ vi phạm lâm luật giảm đáng kể.

Huyện Lệ Thủy có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với hơn 100.000ha, nằm dọc theo các tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 16, đường 10... rất khó quản lý bảo vệ. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, bọn lâm tặc thường lợi dụng các tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy để vận chuyển gỗ trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã có rừng và lực lượng quân sự, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn để thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện thành lập Đội kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ kiểm tra việc tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của UBND các xã, thị trấn, kiểm tra trách nhiệm, năng lực của các lâm trường trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần được giao, kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác rừng, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản...

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện nghiêm Luật bảo vệ và phát triển rừng được các ngành chức năng chú trọng. Các trạm, tổ và cán bộ kiểm lâm địa bàn bám sát địa bàn hoạt động, nắm bắt, xử lý thông tin, phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành, các chủ rừng khi cần thiết. Nhờ đó, thời gian trở lại đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hạn chế đến mức thấp nhất tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ rừng.

Công ty TNHH MTV LCN Long Đại là một trong những đơn vị làm tốt công tác QLBVR. Công ty được giao quản lý tổng diện tích gần 100 ngàn ha rừng và đất rừng (trước đây là 220.000 ha), thuộc địa bàn của 4 huyện và thành phố. Trải qua 3 thập niên sản xuất, kinh doanh trên vốn rừng và đất rừng được giao, hiệu qua kinh tế mà Công ty đạt được khá toàn diện, vốn rừng không những được bảo toàn mà hàng năm có sự tăng trưởng khá cao.

Đoàn liên ngành kiểm tra công tác BVR ở Lệ Thuỷ.
Đoàn liên ngành kiểm tra công tác BVR ở Lệ Thuỷ.

Đối với Công ty Long Đại, việc khai thác gỗ rừng tự nhiên hiện nay rất hạn chế (chỉ tiêu mỗi năm khai thác 7.000-9.000 m3). Thời gian qua, Công ty đã chuyển hướng hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên, mà tập trung trồng rừng nguyên liệu, khai thác gỗ rừng trồng và chế biến lâm sản từ gỗ rừng trồng là chính.

Một phần tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân, nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi trọc, giữ được môi trường sinh thái; mặt khác hạn chế khai thác rừng tự nhiên để bảo vệ tài nguyên, môi trường. Vùa qua UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt phương án thí điểm quản lý rừng bền vững giai đoạn 2010-2045 cho Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn. Theo đó, định hướng khai thác mỗi năm là 5.500m3 gỗ rừng tự nhiên không phải cấp giấy phép.

Qua báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, trong những năm qua tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh ta đã được hạn chế đến mức thấp nhất so với những năm trước đây. Do làm tốt công tác phòng ngừa và tổ chức lực lượng chữa cháy nên đã giảm đáng kể số vụ và diện tích bị cháy. Từ năm 2010 đến nay trên địa bàn tỉnh ta không để xảy ra vụ cháy rừng nào lớn; mỗi năm chỉ xảy ra khoảng 8-10 vụ, chủ yếu cháy các bụi lau lách, rừng trồng bị thiệt hại do cháy không đáng kể

Tuy nhiên khó khăn nổi lên của công tác quản lý bảo vệ rừng là do nền kinh tế phục hồi chậm nên sức ép vào rừng của người dân không giảm, có nơi còn gia tăng. Tình hình khai thác lâm sản, bắt bẫy động vật hoang dã, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đầu tư của Nhà nước cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế. Hiện tại Chi Cục Kiểm lâm rất thiếu nhân lực cho công tác quản lý bảo vệ rừng  đặc biệt là thiếu biên chế để bố trí  tại địa bàn cơ sở

Trọng Thái