.

Những tiến bộ về hôn nhân của người Mã Liềng

Thứ Ba, 30/09/2014, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Trai đủ 20 tuổi lấy vợ, gái đủ 18 tuổi lấy chồng; các chàng trai cô gái vượt bản để tìm bạn đời, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, thủ tục cưới hỏi không rườm rà... đó là những đổi thay của người Mã Liềng xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa về vấn đề hôn nhân gia đình.

Độc đáo hôn lễ người Mã Liềng

Những đứa trẻ ở bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa)
Những đứa trẻ ở bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa)

Việc dựng vợ gả chồng của người Mã Liềng có nhiều nét riêng và độc đáo. Quan niệm của người Mã Liềng khá khắt khe về hôn nhân một vợ, một chồng, đàn ông không được phép đa thê, khi đã thành gia thất rồi thì “cái bụng chỉ nhớ đến vợ, không có quyền ưng một người phụ nữ nào khác”. Trai gái người Mã Liềng tự do yêu đương, tìm hiểu nhau và không có sự ép buộc nào của bố mẹ hoặc người thân. Khoảng độ 15 đến 16 tuổi, khi yêu thương nhau, người con trai báo với bố mẹ rồi mang lễ vật đến làm lễ hỏi gồm: 1 con gà, 1 chai rượu, 5 gói thuốc lá và 5 mét vải.

Khi đến nhà gái, đoàn người đứng ngoài cổng, chỉ một mình ông mối lên nhà và đặt vấn đề. Nếu nhà gái không ưng thuận, vật lễ để lại và chỉ mang mảnh vải về. Nếu nhà gái đồng ý thì đoàn người được mời vào nhà. Sau khi lễ vật được đặt trước bàn thờ và cầu khấn, mọi người sẽ được ăn uống vui vẻ, riêng chú rể thì phải ở lại làm rể, ít nhất cũng 3 năm.

Đối với nhiều người con trai, sau lễ hỏi, họ chưa đủ điều kiện để làm lễ cưới thì có thể xin ở rể. Khi ở rể, họ đến sinh hoạt ở gia đình nhà gái như một thành viên chính thức. Chàng trai này vừa phải làm việc cho nhà gái, vừa phải tiết kiệm tiền của để tổ chức lễ cưới bắt buộc. Trong thời gian ở rể, đôi vợ chồng chưa chính thức đó có thể sinh con đẻ cái như những đôi vợ chồng khác đã tổ chức lễ cưới. Thời gian ở rể tùy thuộc vào việc chuẩn bị lễ cưới của người con trai đã đủ hay chưa.

Để tiến hành cưới xin, người con trai phải mang một lễ cưới đến xin cưới ở nhà người con gái. Lễ cưới này nhà trai phải mang đến nhà gái gồm: Một cái nồi đồng và một cái chảo gang; một chục cái bát nhỏ (cái đọi) và một đôi bát to (cái tô); một con dao phát (dao rạ) và một con dao phay; một vòng cườm; 5 mét vải; rượu; thuốc lá; hai con gà và hai con lợn; năm đồng bạc (trước kia), còn bây giờ là 5000 đồng.

Về phía nhà gái, phải lo gạo, nếp và cúng nấu nướng. Khi nấu nướng xong, người ta đặt mâm cơm cúng trước bàn thờ và mời cả bản đến ăn uống vui vẻ. Khi con dâu về nhà chồng, cũng chỉ được phép ngồi ở gian phụ nữ, gần bếp, có thể giúp mẹ chồng, em chồng nấu nướng, giã gạo... và không được ra gian nhà giữa.

Hiện nay, tục cưới hỏi của người Mã Liềng đã có nhiều đổi thay đáng kể. Khi chúng tôi hỏi về nạn tảo hôn thì ông Cao Dụng (Trưởng bản Kè) cho rằng: Nay không còn tình trạng tảo hôn nữa, gái đủ 18, trai đủ 20 tuổi mới kết hôn. Các chàng trai thường tìm đến những cô gái bản khác hoặc làng khác tìm vợ, họ cũng bớt những thủ tục như: ở rể 3 năm, đem nồi đúc, chảo đồng, dao rựa... tới nhà gái. Đám cưới của người Mã Liềng nay gần giống với đám cưới của người Kinh.

Và những tiến bộ...

Trước đây, do điều kiện kinh tế, dân trí còn quá thấp, tâm lý tự ti, nhút nhát, ít giao tiếp với cộng đồng bên ngoài, do đó cơ hội để thanh niên Mã Liềng kết hôn với người ngoài bản là rất ít. Ông Phạm Hành, Trưởng bản Chuối cho biết: Ngày trước, do địa lý cách trở, nhận thức kém nên trai gái tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra rất nhiều tại các bản của người Mã Liềng. Thế nhưng ngày nay, các chàng trai, cô gái phải tìm hiểu người ngoài bản để tránh tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Được biết, ở bản Chuối, ông Phạm Hành là người đầu tiên của bản nhận thức được vấn đề hôn nhân cận huyết thống. Thời thanh niên, ông đã vượt đèo, lội suối ra các bản khác để tìm vợ, tránh tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Vợ ông là người Kinh thuộc xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa). Chính vì thế, 5 đứa con của ông đều lấy vợ, gả chồng người nơi khác. Ông nói: Khi tôi còn sống thì tôi sẽ không cho phép các chàng trai cô gái trong bản lấy nhau, vì bản có 32 hộ, xét về phả hệ thì vẫn còn họ hàng, máu mủ, không thể yêu nhau được. Để cho chúng nó tự do yêu đương thì tình trạng hôn nhân cận huyết thống rất dễ xảy ra.

Hôn nhân cận huyết thống gây nên nhiều hệ lụy về mặt sinh học, làm suy thoái giống nòi với những những đứa trẻ sinh ra không khỏe mạnh, mắc nhiều bệnh do các biến chứng ở tim, gan, nội tiết, chiều cao thấp, tuổi thọ không cao... làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như khả năng học tập, lao động của con người. Nhìn rộng hơn về mặt xã hội, những hậu quả bệnh lý do hôn nhân cận huyết thống đưa lại làm giảm đi những thành quả trong nỗ lực, cố gắng phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân tộc, cản trở sự phát triển tiến bộ xã hội.

Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: Hiện nay, tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn đã không còn trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng dân số cho người Mã Liềng, cán bộ UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nâng cao nhận thức của đồng bào về Luật Hôn nhân và Gia đình, nâng cao dân trí cho đồng bào đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường. Mặt khác, đưa họ giao lưu với các bản làng khác khác, không để cho họ sống quá cách biệt với môi trường xã hội, có những chính sách và giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho bà con Mã Liềng ngày nay.

Thanh Hoa