.

Một ngày ở Trung tâm điều dưỡng người có công

Thứ Năm, 18/09/2014, 09:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, chúng tôi đã đến Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) để được nhìn ngắm những nụ cười rạng rỡ của các cựu chiến binh đang mang trên mình nhiều thương tật, để được nghe các câu chuyện về người lính, về những kỷ niệm chiến trường một thời hoa lửa...

Cụ Trương Văn Hiệu, đến từ Lệ Thủy năm nay bước sang tuổi 75, điều dưỡng tại Trung tâm từ đầu tháng 8. Trong gần 1 tuần, cụ và hơn 50 thành viên trong đoàn người có công của huyện Lệ Thủy đã trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực. Cụ chia sẻ, hàng ngày, các cụ không chỉ được thăm khám, kiểm tra sức khỏe, chơi các môn thể thao, đọc sách, báo, mà còn được tập vật lý trị liệu, hồi phục sức khỏe và tắm bể sục khí.

Ngoài ra, hai hoạt động thu hút sự quan tâm của các cụ là tham gia buổi tư vấn chăm sóc sức khỏe của bác sĩ và đi tham quan những địa điểm lịch sử. Đối với các cụ thương, bệnh binh độ tuổi từ 60-90 tuổi, đây cũng là cơ hội để các cụ hội ngộ đồng chí, đồng đội, cùng gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và ôn lại những kỷ niệm khó quên, đặc biệt là các cụ ở xa, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.

Theo cụ Nguyễn Văn Trường (TX.Ba Đồn), đội ngũ cán bộ của Trung tâm rất quan tâm, tận tình và chu đáo trong công việc, đó không chỉ đơn thuần là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn có cả tình cảm gắn bó, yêu thương. Cụ vui vẻ cho biết, trong đợt điều dưỡng năm ngoái, cụ tăng hơn 1 kg, nhưng đến đợt điều dưỡng này, chỉ trong 6 ngày, cụ đã tăng hơn 3 kg, và huyết áp luôn giữ ở mức ổn định so với trước đây.

Công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người có công luôn được Trung tâm đặt lên hàng đầu.
Công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người có công luôn được Trung tâm đặt lên hàng đầu.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh chia sẻ, tính đến 5-6-2014, Trung tâm đã tổ chức 11 đợt điều dưỡng với gần 1.000 đối tượng người có công. Các hoạt động tại Trung tâm dành cho người có công thường xuyên được đổi mới, phong phú, đa dạng, từ phổ biến chế độ chính sách cho người có công, tổ chức viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc... cho đến giao lưu văn nghệ, thi đấu cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, xem băng hình thời sự...

Trung tâm tập trung chú trọng công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho đối tượng với chế độ ăn, nghỉ hợp lý thông qua các bữa ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với người lớn tuổi và thường xuyên làm mới, tổ chức nhiều buổi vật lý trị liệu, tắm bể sục khí phục hồi sức khỏe, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, mời bác sĩ chuyên khoa về tư vấn sức khỏe...

Các thương binh nặng được bố trí phòng hợp lý, có nhân viên trực luôn theo dõi, hỗ trợ và điều trị kịp thời. Nhờ đó, 90% các đối tượng sau đợt điều dưỡng đều tăng cân, tinh thần thoải mái, sảng khoái và mong muốn được sớm quay trở lại. Sau mỗi đợt điều dưỡng, lãnh đạo Trung tâm thường xuyên tổ chức họp tổng kết, tặng quà và rút kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn trong các đợt điều dưỡng tiếp theo. Theo kế hoạch, trong năm 2014, Trung tâm sẽ điều dưỡng cho hơn 2.600 đối tượng thương, bệnh binh và người có công trên địa bàn tỉnh.

Chính vì vậy, khi được hỏi về mong muốn của mình, hầu hết các thương, bệnh binh, người có công đều chia sẻ kỳ vọng được kéo dài hơn thời gian điều dưỡng trong mỗi đợt và Trung tâm được tạo điều kiện để tăng số lượng phòng, qua đó, số lượng đối tượng được điều dưỡng trong mỗi đợt cũng sẽ được tăng lên.

Về phía Trung tâm, bên cạnh khó khăn vì cơ sở vật chất, trang thiết bị nhanh xuống cấp, dễ hư hỏng (do nằm sát biển), thì việc thiếu nhân lực tại một số phòng chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến một số vị trí phải kiêm nhiệm cũng là một thử thách không nhỏ.

M.N