.

Giao thông giờ tan trường: Bao giờ hết... lo?

Thứ Sáu, 26/09/2014, 12:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Cảnh tượng hàng trăm phụ huynh chen chúc nhau, giành chỗ đứng để đón con là điều dễ dàng bắt gặp tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đồng Hới vào giờ tan trường. Tình trạng này không chỉ gây kẹt xe mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khi lượng phương tiện lưu thông vào thời điểm này khá lớn.

Tình trạng lộn xộn trước cổng trường khiến nhiều người qua đường bức xúc
Tình trạng lộn xộn trước cổng trường khiến nhiều người qua đường bức xúc.

Ùn tắc giờ tan trường

Hàng ngày, vào giờ học sinh đến lớp buổi sáng, giờ tan học buổi trưa, buổi chiều, các phương tiện giao thông như: ô-tô, xe máy, xe đạp nườm nượp dừng, đỗ trên vỉa hè và thậm chí cả dưới lòng đường trước cổng không ít trường học đã gây nên tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông.

Nhiều bậc cha mẹ đến đón con em mình, dựng và đỗ xe máy chiếm dụng hết lòng, lề đường. Họ dựng xe, đỗ xe bừa bãi không theo một quy củ nào cả. Ai “chiếm” được chỗ nào gần nhất với cổng trường và cũng thuận lợi để con nhìn thấy nhất là cứ thản nhiên dừng xe ở đó. Người đỗ dọc, kẻ dựng ngang xe nhìn rất phản cảm. Người xe lưu hành qua đây, kết hợp với các em học sinh ùa xuống chỗ cha mẹ mình đứng đợi, đã tạo nên một khung cảnh và không gian kẹt cứng. Rất nhiều phương tiện và người tham gia giao thông vào thời điểm này qua các tuyến phố có trường học đều thấy bức xúc. Nhiều người thiếu kiềm chế, bấm còi xe inh ỏi, lạng lách, rất nguy hiểm đối với người đi đường và các em học sinh đi xe đạp từ cổng trường sang đường.

Nằm trên đường Hai Bà Trưng, trước cổng Trường tiểu học Đồng Phú (TP. Đồng Hới) thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Đoạn đường này vốn chật hẹp, lượng xe khá đông nên các phương tiện khi lưu thông qua đây đều di chuyển khó khăn. Bức xúc, anh Nguyễn Văn Hán cho biết: “Việc đưa đón con là chuyện phải làm, tuy nhiên các bậc phụ huynh đến đón con cứ đứng lộn xộn dưới lòng đường, một số thì chạy ngược chiều rất dễ xảy ra tai nạn. Mặt khác, đoạn đường này từ trước đến giờ tương đối hẹp, làm cho tình trạng đi lại rất khó khăn”.

Trường tiểu học số 3 Nam Lý cũng chung tình trạng. Mặc dù trường đã có dán bảng cấm đón học sinh trước cổng trường, nhưng phụ huynh đến sớm vẫn để xe trước cổng trường và ngay cả giữa lòng đường gây ách tắc giao thông. Nhiều người không có ý thức, chen lấn, quay đầu xe không nhìn đường, khiến cho cảnh ùn tắc càng thêm lộn xộn.

Thiết nghĩ, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông tại một số cổng trường, trước tiên, thầy cô giáo tại các trường học nên thường xuyên nhắc nhở các em học sinh, các bậc phụ huynh cần đứng đúng vị trí trên vỉa hè để giảm ách tắc giao thông và không làm nguy hiểm tới tính mạng, tránh các vụ tai nạn đáng tiếc. Mặt khác, mỗi trường nên cắt cử bảo vệ, kết hợp với chính quyền sở tại thành lập đội trật tự để nhắc nhở, sắp đặt và hướng dẫn cha mẹ các học sinh đứng đợi đón con mình sao cho quy củ, trật tự và thông thoáng. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần dẹp bỏ các hàng rong chiếm dụng vỉa hè làm nơi bán hàng tại các cổng trường, để phụ huynh có nơi đỗ xe... Có như vậy mới góp phần bảo đảm an toàn giao thông trước cổng trường.

Thờ ơ với mũ bảo hiểm

Luật Giao thông đường bộ đã có quy định về việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định này chỉ có số ít phụ huynh, còn lại rất nhiều người vẫn thờ ơ với việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình.

Tại một số trường học như: Trường tiểu học Đồng Mỹ, Trường tiểu học số 2 Nam Lý, Trường tiểu học Bắc nghĩa... hình ảnh các bậc phụ huynh “quên” đội mũ bảo hiểm cho trẻ là không phải ít. Nhiều người chở hai, chở ba nhưng không học sinh nào đội mũ bảo hiểm. Nhận xét về việc này, một giáo viên nói: “Nhiều phụ huynh hiện nay rất chủ quan, lỡ không may xảy ra va quẹt thì người bị ảnh hưởng nhiều nhất là các em nhỏ”.

Để biện hộ cho việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, người lớn thường đưa ra nhiều lý do, như: Tin tưởng vào tay lái và khả năng có thể bảo vệ con khi có tai nạn xảy ra; sợ mất thời gian; ngại sự vướng víu; sợ mũ bảo hiểm không bảo đảm dễ gây tổn thương cho con khi tai nạn xảy ra; trẻ em cảm thấy không thoải mái khi đội mũ bảo hiểm... Một phụ huynh cho biết: “Nhà tôi gần trường, chạy xe một chút là tới nên đâu nhất thiết phải đội mũ bảo hiểm cho các cháu. Với lại, tôi cũng thấy nhiều người đâu có đội mũ bảo hiểm cho con của họ...”

Hành vi này của các bậc phụ huynh lại vô tình là mối đe dọa lớn đối với tính mạng trẻ nhỏ, bởi khi một đứa trẻ ngồi trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chẳng may xảy ra va chạm thì hậu quả sẽ không thể lường trước được. Nhất là khi tai nạn giao thông luôn là mối đe dọa tử vong hàng đầu do chấn thương sọ não và chấn thương vĩnh viễn phần đầu. Tuy nhiên, việc “quên” đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vẫn đang là tình trạng phổ biến hiện nay của nhiều phụ huynh, khi chở con em lưu thông trên đường.

Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết, không chỉ bảo đảm an toàn cho trẻ mà còn tạo nền nếp, ý thức chấp hành Luật Giao thông nói riêng, chấp hành pháp luật nói chung ở các em. Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề quan trọng là các bậc phụ huynh phải luôn làm gương cho trẻ trong việc tự giác chấp hành nghiêm an toàn giao thông.

Phạm Hà