.

Cuộc chiến chống ma túy: Hành trình còn lắm gian nan

Thứ Bảy, 27/09/2014, 16:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, tình hình sử dụng ma túy và tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh ta có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt việc mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp - "hàng đá"- đang có xu hướng gia tăng. Ma tuý không chỉ huỷ hoại sức khoẻ con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng. Nguy hại hơn, ma túy còn là nguyên nhân dẫn đến phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Ngày càng nhiều người nghiện ma túy tham gia uống Methadone tại cơ sở điều trị
Ngày càng nhiều người nghiện ma túy tham gia uống Methadone tại cơ sở điều trị.

Nỗi đau mang tên “ma túy”.

Khó có thể thống kê được con số chính xác về số người nghiện và liên quan đến ma túy trên địa bàn toàn tỉnh vì các đối tượng trên thường thay đổi địa điểm, che giấu bản thân với rất nhiều hình thức thủ đoạn, tinh vi. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 2.000 đối tượng liên quan đến ma túy và khoảng 900 người nghiện có hồ sơ quản lý ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Tệ nạn ma túy đã làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, cùng cực, không ít đối tượng còn bị nhiễm HIV và lây truyền bệnh cho người thân và cộng đồng...

Nỗi đau vì ma túy trong nhiều gia đình khó có thể diễn tả được thành lời trong khi việc đoạn tuyệt với ma túy ở các đối tượng nghiện lại là một vấn đề không dễ. Câu chuyện của H. người phụ nữ có chồng nghiện ma túy ở thị xã Ba Đồn là một ví dụ. Kể từ khi lấy chồng, cuộc sống của H. trở thành địa ngục vì người đàn ông của cuộc đời H. là người nghiện ma túy.

Trước đó, H. không hay biết về điều này và khi mọi chuyện đã rõ như ban ngày thì “gạo đã nấu thành cơm” nên H. an phận động viên chồng cai nghiện để làm lại cuộc đời. Hết lần này đến lần khác khăn gói theo chồng đến các trung tâm cai nghiện có uy tín, tiền bạc của cải trong nhà đều dốc vào chuyện giúp chồng thoát khỏi ma túy nhưng kết quả mà H. nhận được chỉ là con số 0. Mỗi lần trốn trại về nhà, Q. chồng H. lại trở thành nỗi lo của mọi người vì chỉ cần sơ ý một chút là đồ đạc trong nhà bị anh ta mang đi hết. Có khi không trộm cắp được thứ gì trong nhà, Q. lại dùng vũ lực hù dọa vợ và mọi người để kiếm tiền đi hút, chích.

Hết động viên, an ủi đến khóc lóc, van xin, H. đã làm Q. cảm động mà thuận ý trở lại trung tâm cai nghiện. Nhưng cũng chỉ được vài hôm, có khi được vài tháng là Q. lại trốn trại trở về nhà quậy phá. Không còn thứ gì để trộm cắp, Q. tiếp tay cho các tội phạm ma túy trong việc mua bán lẻ ma túy để được hút, chích miễn phí và rồi phải vào tù. Ra tù không lâu, Q. lại tái nghiện. Trớ trêu hơn là trong một lần đi khám sức khỏe, H. phát hiện ra mình nhiễm HIV và Q. đã thừa nhận rằng anh ta bị lây nhiễm HIV từ những người bạn cùng chích ma túy...

Tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng dân cư tăng nhanh trong khi công tác cai nghiện tại cộng đồng lại gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Phần lớn số người nghiện sau cai tiếp tục tái nghiện nên nhiều gia đình không mặn mà lắm với hình thức cai nghiện này. Sau khi Nghị định 94/2010/NÐ-CP quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng có hiệu lực thi hành, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch về các nội dung liên quan để triển khai thực hiện trên địa bàn.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn lại gặp không ít khó khăn: Không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để thực hiện công tác cắt cơn, không có phương pháp hỗ trợ tâm lý cho người sau cai nghiện tại phường, xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền dù đã được thực hiện nhưng kết quả chưa cao, sự kỳ thị và định kiến của cộng đồng vẫn còn, nhất là rất ít người tự nguyện khai báo tình trạng nghiện các chất ma túy tại cộng đồng.

Phường Đồng Sơn thành phố Đồng Hới là 1 trong những địa phương thực hiện thí điểm triển khai tổ chức mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng của tỉnh từ năm 2012. Toàn phường đã tập trung cho công tác này với sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức, đoàn thể trong việc rà soát số người nghiện, lập hồ sơ quản lý, vận động cai nghiện... Tuy nhiên, đa số các trường hợp đều tái nghiện và chỉ có duy nhất một trường hợp cai nghiện thành công. Một trong những khó khăn từ hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy vì đa số họ là lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định.

Chuyện cai nghiện đã khó, giải quyết việc làm cho người sau cai cũng hết sức nan giải. Không ít người sau mỗi đợt cai trở về không tìm được việc làm nên “nhàn cư” sinh “bất thiện”. Và cứ thế, bản thân người nghiện cùng gia đình của họ luôn rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự kiệt quệ về kinh tế, sa sút sức khỏe, tinh thần. Bài toán cai nghiện và làm gì để khỏi tái nghiện vẫn còn là ẩn số mà không dễ tìm ra được lời giải thấu đáo.

Gia tăng tội phạm ma túy.

Tệ nạn ma túy tăng nhanh kéo theo nhiều hệ lụy và đáng lo ngại nhất là xuất hiện ngày càng nhiều tội phạm liên quan đến ma túy, nhất là ở các khu vực biên giới, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Một số người Việt Nam sinh sống làm ăn tại Lào cấu kết, móc nối với một số người Lào hình thành các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài qua biên giới.

Các đối tượng thường sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện bắt giữ và xử lý. Đa số các đối tượng trên đều nằm trong độ tuổi lao động, chủ yếu là thanh niên, có liên quan đến tệ nạn xã hội và các ổ, nhóm trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...

Địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy tập trung ở thành phố Đồng Hới và một số địa phương dọc quốc lộ 1A, 12A đi cửa khẩu Cha Lo, tuyến đường 20 đi cửa khẩu Cà Ròong-Nọong Ma (Lào). Từ thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội và khó kiểm soát. Trước tình hình gia tăng loại tội phạm ma túy, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh phòng chống. Không ít vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời, xóa bỏ nhiều đường dây, ổ, nhóm phạm tội về ma túy.

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy có tính chất phức tạp,  Điều đáng nói là một số đối tượng liên quan đến các vụ án trên đã từng thi hành án tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, có đối tượng là bệnh nhân AIDS đang trong thời gian được hoãn thi hành án vì bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Đây là các  đối tượng rất liều lĩnh, có thể lợi dụng tình trạng bệnh tật để đe dọa lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân khi bị phát hiện bắt giữ.

Bên cạnh các vụ án có tính chất nghiêm trọng, tình trạng trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt tài sản cũng xảy ra khá phổ biến trên các cộng đồng dân cư. Đa số các đối tượng liên quan đến những hành vi trên là những người nghiện ma túy làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ở các địa phương.

Bà Trương Ngọc Ảnh ở phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) cho hay: Chưa bao giờ bà thấy bất an như thời gian gần đây khi  liên tiếp xảy ra các vụ trộm đột nhập vào nhà người dân lúc đêm khuya với các hành động rất liều lĩnh như biết có người trong nhà vẫn lén lút phá cửa, rạch màn ngủ để tìm kiếm tài sản, thậm chí còn có hành động đe dọa chủ nhà để thoát thân khi bị phát hiện.

Không những thế, tình trạng vứt bỏ bơm kim tiêm bừa bãi của các đối tượng nghiện chích ma túy cũng xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Một số đối tượng còn sử dụng bơm kim tiêm sau khi chích ma túy để uy hiếp người đi đường nhằm chiếm đoạt tài sản.

Qua tiếp xúc với một số nhân viên tiếp cận cộng đồng của Trung tâm phòng chống HIV và những người dân ở thành phố Đồng Hới, chúng tôi được biết, mặc dù các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng và công nhân vệ sinh đô thị của thành phố đã thường xuyên thu gom, xử lý bơm kim tiêm, làm sạch môi trường nhưng không lâu sau đó, những chiếc bơm kim tiêm bẩn khác lại xuất hiện, nhất là các gốc cây, công trường đang xây dựng, khu vực nghĩa địa hay trên các tuyến đường ít người qua lại.

Thực trạng trên cho thấy, ma tuý và những hệ lụỵ của nó đã và đang là thách thức đối với sự phát triển bền vững của các địa phương, đe dọa sự bình yên trong cộng đồng và mỗi gia đình và cuộc chiến chống ma tuý vẫn còn nhiều cam go, thách thức...

Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện các chương trình kế hoạch về công tác phòng chống và cai nghiện ma túy. Tuy nhiên công tác cai nghiện Tại Trung tâm Giáo dục xã hội và cai nghiện tại cộng đồng còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ tái nghiện sau cai chiếm khoảng 70-80% và không ít người đã chết vì ma túy và bệnh AIDS. Để góp phần hạn chế và đẩy lùi tệ nạn ma túy, tỉnh ta đã triển khai chương trình điều trị các chất dạng nghiện thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2013-2018.

Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy sẽ được đẩy mạnh, đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng các mô hình phòng chống ma túy, nhất là ở các cộng đồng dân cư.

Một trong những nhiệm vụ được đặc biệt chú trọng là tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy với các tỉnh tiếp giáp biên giới nước bạn Lào, trong đó tập trung công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin, gặp gỡ, giao ban giữa các lực lượng chức năng hai bên để phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy khu vực giáp biên.   

Nhật Văn