.

Chuyện người chồng 30 năm nuôi vợ nằm liệt giường

Thứ Sáu, 26/09/2014, 13:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Về  thôn Bàu 1, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) hỏi thăm nhà ông Nguyễn Xuân Vành thì ai cũng biết. Họ biết đến ông bởi hơn 30 năm qua, một mình ông vừa nuôi 3 người con khôn lớn vừa chăm sóc người vợ nằm liệt giường. Và đến bây giờ, dù bước sang tuổi thất tuần, ông Vành vẫn cần mẫn với công việc chăm sóc vợ.

Ngôi nhà của hai vợ chồng ông nằm lẻ loi bên cạnh dãy núi đá vôi cao vút. Ông bà cưới nhau từ năm 1972, khi đó ông là dân quân du kích địa phương, còn bà là cô thôn nữ ngày ngày tiếp tế cho bộ đội.

Hai ông bà sinh đến 8 người con nhưng chỉ giữ lại được 3 đứa. Chưa kịp nguôi ngoai nỗi buồn vì mất con, gia đình ông lại phải đối mặt với một sự thật nghiệt ngã là bà Xuân bị viêm khớp mãn tính, có nguy cơ phải nằm một chỗ. Không thể để vợ phải chịu cảnh bại liệt, ông Vành tìm mọi cách để chữa trị cho vợ, hết đi bệnh viện rồi lại tìm đến đủ các loại thuốc nam nhưng vẫn không khả quan.

Và rồi ngày đó cũng đã đến, vợ ông nằm co quắp một chỗ trên chiếc giường tre trong góc nhà. Ngày bà Xuân bạo bệnh, ông Vành như suy sụp. Nhưng tình yêu thương dành cho người vợ cùng trách nhiệm của một người làm chồng, làm cha giúp ông gượng dậy. “Lúc đó cuộc sống quá khó khăn, vừa đi làm vừa phải chăm sóc con nhỏ, mẹ đau ốm, vợ bại liệt khiến tôi như kiệt sức. Nhưng nếu mình không kiên cường thì ai sẽ chăm sóc gia đình”, ông nhớ lại.

Gần 30 năm vợ liệt giường, ông Vành đều bón từng muỗng cơm  cho bà Xuân ăn.
Gần 30 năm vợ liệt giường, ông Vành đều bón từng muỗng cơm cho bà Xuân ăn.

Thời điểm đó, ông Vành đang làm cán bộ công đoàn của huyện Tuyên Hóa, nhà cách cơ quan hơn 20 cây số nhưng sáng nào ông cũng lên cơ quan làm việc rồi trưa về đi chợ lo cơm nước. Quãng thời gian buổi chiều cũng tiếp diễn như vậy. Thương ba vất vả nhưng cả ba đứa con của ông còn đang tuổi ăn học lại còn nhỏ nên chưa giúp được nhiều trong việc dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc mẹ. Ông phải vừa làm tay, vừa làm chân cho bà Xuân trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cứ như vậy, suốt năm này qua tháng khác ông vẫn cần mẫn chăm sóc chu đáo cho người vợ bệnh tật của mình. Các con ông lớn lên đều phải đi làm để mưu sinh nên cũng không giúp gì được nhiều cho ông. Con gái đầu đi làm và đã lấy chồng trong miền Nam, đứa thứ 2 lập gia đình trong xã và cậu con trai út đi học xa nhà mấy năm rồi về làm việc luôn ở Đồng Hới.

Giờ đây khi tuổi đã cao (73 tuổi), ông vẫn một mình lo toan cho bà Xuân từ việc đút từng thìa cơm, dọn dẹp vệ sinh cho bà cũng như trò chuyện để bà đỡ tủi thân khi phải nằm một chỗ. Tuổi cao sức yếu nên ông cũng hay đau ốm thường xuyên, lại mang trong mình căn bệnh gút nên việc đi lại càng trở nên khó khăn hơn.

Sáng nào cũng vậy, ông phải đạp xe mấy cây số để lên chợ Cuồi mua thức ăn, hôm nào đau ốm không đi được thì gắng ra đầu ngõ xem có ai đi chợ để gửi mua nhờ. Mấy năm trước ông bị đau bụng dữ dội, đi khám thì bác sĩ bảo ông có một khối u ở bàng quang cần phải mổ nhưng ông lại không muốn đi vì sợ không có ai chăm sóc bà Xuân. “Sợ bà ấy nằm thui thủi một mình ở nhà rồi lại nghĩ quẩn”, ông Vành bày tỏ.

Căn nhà cấp bốn ông bà đang sinh sống cũng do Công đoàn huyện Tuyên Hóa và chính quyền địa phương hỗ trợ để xây lại cho kiên cố.

Chúng tôi rời nhà ông, ngước nhìn hai ngọn núi đá vôi trước nhà rồi lại nhìn bóng hai vợ chồng già trong ngôi nhà cô quạnh. Số phận nghiệt ngã không cho hai ông bà được hạnh phúc trọn vẹn, nhưng những gì ông Vành làm được 30 năm qua cũng đủ để khiến chúng tôi tìm thấy được niềm tin giữa cuộc đời.

Lan Chi