.

Bấp bênh những chuyến đò ngang

Thứ Sáu, 26/09/2014, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù bị cấm hoạt động vì không đủ điều kiện an toàn để chở khách sang sông, nhưng những chuyến đò ngang ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch vẫn phải hoạt động. Biết là nguy hiểm, nhưng để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, chính quyền nơi đây đành phải chấp thuận để bến đò hoạt động.

Với đặc thù của mình, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch bao gồm hai phần đất chia đôi bởi dòng sông Dinh. Phía bờ bắc của xã có 4 thôn: Bắc Dinh, Nam Bắc, Nhân Bắc và Nhân Đức. Người dân, cán bộ muốn qua lại để lao động, sản xuất, công tác, đi chợ, khám bệnh... tại vùng trung tâm xã thì chỉ có hai con đường: qua đò sông Dinh hoặc lên quốc lộ 1A, qua cầu Chánh Hòa rồi ngược trở lại. Vì đường bộ xa trên 10km nên phần lớn mọi người chọn cách đi đò cho thuận tiện, nhanh chóng.

Nhiều năm nay, những chuyến đò qua lại trên bến sông Dinh luôn chở đầy gánh nặng: gánh nặng về người và phương tiện; gánh nặng âu lo của chủ đò; gánh nặng trách nhiệm của chính quyền xã Nhân Trạch... nếu xảy ra sự cố. Thế nhưng, bến đò không hoạt động thì không được, người dân không thể hàng ngày đạp xe hoặc đi bộ trên 10 km để đi chợ, công tác và khám bệnh... Với 527 hộ dân và gần 3.000 nhân khẩu, như vậy, lượng người, phương tiện qua lại tại bến đò là rất lớn, từ đó không thể tránh khỏi những bất cập, khó khăn trong vấn đề chấp hành an toàn giao thông đường thủy.

Bà Phan Thị Lan, thôn Bắc Dinh cho biết: “Việc qua lại nơi đây thực sự rất nan giải. Khổ nhất là khi thôn xóm có đám tang, nghĩa địa thì ở bên kia sông nên việc qua lại không có gì vất vả bằng. UBND xã Nhân Trạch đã cho quy hoạch làm nghĩa địa bên này, nhưng tổ tiên ở đâu thì con cháu ở đó, chúng tôi không nỡ để cho người thân một mình nằm lại bên nghĩa địa mới này. Vẫn còn may mắn là học sinh đi học không phải sang sông, lụy đò như những nơi khác vì bên này đã có trường tiểu học và THCS, học sinh THPT thì ra học ở Hoàn Lão nên có xe buýt đưa đón, gia đình không phải lo lắng nhiều”.

Qua lại đò ngang không an toàn là gánh nặng của người dân và chính quyền xã Nhân Trạch
Qua lại đò ngang không an toàn là gánh nặng của người dân và chính quyền xã Nhân Trạch.

Theo quan sát của chúng tôi, chiếc đò để chở khách qua sông Dinh ở xã Nhân Trạch đã cũ và hư hỏng nặng. Vào lúc cao điểm (người dân đi chợ) thì số lượng người lên đò có thể tăng gấp đôi số lượng cho phép (12 người/ chuyến). Trong lúc đó, phương tiện cứu hộ trên đò không có, nếu có thì cũng chỉ vài 3 cái phao cứu sinh để đối phó với cơ quan chức năng. Không chỉ mất an toàn, qua đò lại phải trả tiền, xe máy thì 5.000 đồng, đi bộ 3.000 đồng, khoản phí này cũng là nỗi khó khăn cho không ít gia đình.

Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, ông Dương Quang Tám, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, cho biết: “Bến đò qua sông Dinh đã bị cấm hoạt động từ lâu vì không đủ an toàn cho người qua lại khi tham gia giao thông đường thủy. Chủ đò cũng đã dừng hoạt động, nhưng nhu cầu qua lại của người dân nơi đây là rất cần thiết, nên buộc họ phải hoạt động lén lút, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con nơi đây”.

Được biết, Công ty TNHH MTV Đường sông Quảng Bình đã về khảo sát để xin làm cầu phao cho dân qua lại. Thế nhưng, vị trí xây dựng cầu phao bắc qua sông Dinh nằm trên tuyến đường sông mà Công ty chưa được UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải Quảng Bình giao quản lý, bảo trì. Mặt khác, sông Dinh chưa được đưa vào khai thác vận tải thủy nội địa do điều kiện tuyến luồng chưa đảm bảo nên đơn vị chưa được phép thi công làm cầu phao dân sinh. Theo ông Tám thì, UBND xã chưa thấy ý kiến phản hồi của chủ đầu tư về việc xây dựng cầu phao qua sông Dinh. Vì thế, tình trạng người dân hàng ngày phải qua lại trên những chuyến đò ngang không an toàn, chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Mong rằng, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng sớm quan tâm xây dựng một chiếc cầu nối hai bờ sông Dinh, để việc đi lại của người dân xã Nhân Trạch được thuận tiện, an toàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Hoa